Tình yêu ấy cũng chẳng khác tình yêu đôi lứa là bao. Vì nó cũng sôi nổi và cuồng nhiệt, khiến người ta có thể khóc nức lên trong một đêm nhớ.
Bình yên trong mỗi ngôi nhà
Tôi vẫn thường, giữa những tháng ngày chuyển mùa vội vã ở Hà Nội, lặng lẽ một mình nghe lại những bản nhạc Nga để nhấm nháp cảm giác nhớ. Nhớ da diết thành phố cổ ở ngoại ô Mátxcơva, nơi tôi đã sống một thời gian dài trước khi về nước. Đó là một thành phố đã gần 700 tuổi, cách thủ đô chừng 100km, nằm hai bên đường quốc lộ, lọt thỏm giữa những cánh rừng đen thẫm và những cánh đồng hoa trắng trải dài…
Miền quê Nga! Chỉ có đến đây, tôi mới thực sự cảm nhận được hồn Nga muôn thuở, dường như vĩnh viễn không thay đổi dù có ngàn năm nữa sẽ qua đi, với những con người quê kiểng hồn hậu, những nếp nhà với hàng giậu gỗ, thiên nhiên phóng khoáng và hào phóng. Miền quê Nga đã cho tôi rất nhiều. Cho tôi khả năng cảm thấy hạnh phúc vì những điều bé nhỏ đáng yêu.
Miền quê Nga! Chỉ có đến đây, tôi mới thực sự cảm nhận được hồn Nga muôn thuở, dường như vĩnh viễn không thay đổi dù có ngàn năm nữa sẽ qua đi, với những con người quê kiểng hồn hậu, những nếp nhà với hàng giậu gỗ, thiên nhiên phóng khoáng và hào phóng.
Tôi yêu những con đường dốc hẹp lượn vòng, hai bên đường là những bụi lau nở trắng; yêu những buổi chiều chầm chậm về trên những mái nhà thờ vàng rực và tiếng dàn chuông ngân vang như gần như xa, làm lòng người bình an kỳ lạ; yêu những cánh đồng đất đen được bón phân bò trước mỗi vụ cấy trồng, dậy mùi hoi nồng, ngai ngái, thân thương.
Và tôi yêu những căn nhà gỗ của nông thôn Nga, những nếp nhà dường như đã đứng đó hàng trăm năm cùng nắng, mưa và tuyết giá. Người Nga thường tự tay làm căn nhà gỗ của mình, chọn những súc gỗ tròn, làm mộng, lắp ráp, sơn phết... Căn nhà thường có bậc tam cấp có mái che, một hành lang nhỏ thường để những cái giá đựng đầy dưa chuột muối, cà chua muối. Hai hoặc ba ô cửa sổ trổ song song. Khung cửa làm đường riềm cầu kỳ, đôi khi sơn xanh sơn đỏ lòe loẹt. Cho ấm mắt trong những ngày đông kéo dài dằng dặc...
Trong nhà, dù là nhà nghèo khó hay khá giả, thì cũng vô cùng ngăn nắp và sạch sẽ. Sàn gỗ bóng loáng, có thể trải thảm. Những tấm thảm đặc trưng của Nga, họa tiết rườm rà, màu tối. Bàn ăn ở bếp nhất thiết phải có khăn trải bàn ren mới là lịch sự. Trong bếp luôn sực lên mùi của bình yên...
Thế giới nồng nàn, bất ngờ và yêu thương
Trong bếp luôn sực lên mùi của bình yên. Tưởng như, nếu ta ngồi xuống cái ghế gỗ của gia chủ, tức khắc sẽ có một đĩa xúp củ cải đỏ được múc ra đặt trước mặt, còn bốc hơi nghi ngút và điểm một thìa váng sữa đang tan dần trong xúp nóng...
Ngoài vườn của những ngôi nhà ở miền quê Nga thường có một vài gốc táo lâu năm, có năm cho quả, có năm không. Năm nào ra quả thì cây táo như được treo những bóng đèn nhỏ lúc hoàng hôn. Những trái táo thơm như má em bé, được hái vào để đầy trên bệ cửa sổ, theo hơi nóng của lò sưởi mà tỏa mùi hương dễ chịu khắp nhà.
Một cái nhà kính bé xíu tươm tất nằm góc vườn, để ủ ấm cho những mầm ươm. Còn thì, cái gì người ta cũng trồng một ít. Xà lách, mùi, hành xanh, dâu tây, cà chua, dưa chuột... Và hoa. Hoa trồng thành khóm, đánh thành luống. Trong vườn nhà người Nga, rất hay thấy có hoa anh túc. Tôi thích ngắm hoa ấy, màu đỏ gợi sự đam mê đến cuồng nhiệt, mà cũng đầy bất trắc. Vườn hoa ở làng quê Nga nở từ mùa xuân cho đến tận những ngày chớm đông, khi những bông tuyết đầu mùa xuất hiện. Tôi đặc biệt ấn tượng với sắc hoa lúc cuối thu. Khi ấy, tất cả như rực lên lần cuối, cuống quýt phô bày vẻ đẹp của mình, đỏ thì đỏ thắm lên, tím thì tím thẫm mắt! Đi trong cơn mưa giá cuối thu mà bắt gặp một vườn hoa như thế bên đường, lòng không thể không run lên vì cảm động. Như thể được đón nhận một món quà quý giá từ một người không quen!
Thi thoảng có nhà nuôi một đàn ngỗng để canh vườn. Ngỗng sư tử, có bờm, kêu to đinh tai nhức óc và đã đuổi đánh kẻ gian thì còn đáng sợ hơn cả chó dữ. Vườn và nhà gỗ được bao bọc bởi một dãy hàng rào gỗ. Bên ngoài, chỗ cổng ra vào, có treo một hòm thư. Trước cửa nhà thường để một dãy ghế dài, ông bà già hay ngồi đó sưởi nắng.
Mặc dù nhà gỗ của Nga người ta thường làm theo một cuốn sách hướng dẫn, kiểu cách khá giống nhau, nhưng thực ra, không căn nhà nào giống căn nhà nào. Đúng như Grossman trong "Cuộc đời và số phận" có nói: "Trong một triệu căn nhà gỗ Nga, không có và chẳng thể nào có hai căn nhà hoàn toàn giống nhau. Tất cả đều sống động - có một không hai. Cũng như không thể có sự giống nhau tuyệt đối giữa hai con người, giữa hai bụi tầm xuân vậy…". Những họa tiết trên cửa sổ, độ dốc của mái nhà, cách đặt bếp lò trong nhà, mỗi người chủ có ý tưởng riêng của mình.
Chỉ có một điều chung: Đó là những căn nhà gỗ của nông thôn Nga là nơi con người có thể sống hoàn toàn hòa mình cùng thiên nhiên. Vì vách gỗ, mà lại là gỗ súc chứ không phải gỗ ván, chúng biết thở, chúng không phải là vô tri vô giác, chúng là một phần của thiên nhiên. Chúng ân cần giữ ấm vào mùa đông và đem lại hơi mát vào mùa hè.
Những căn nhà gỗ của Nga không đều đặn và đẹp đẽ như nhà của nông thôn các vùng Bắc Âu. Chúng có gì đó lam lũ hơn nhiều. Đứng trước căn nhà hai tầng mái ngói vùng Bắc Âu, bạn có thể thấy thán phục, thích thú. Còn đứng trước một căn nhà gỗ của Nga, tôi luôn có cảm giác tim nhao đi trong ngực, vì đó là cả thế giới nồng nàn, bất ngờ và yêu thương. Như một câu thơ vang lên mỗi sáng, như nỗi nhớ trẻ trung vẫn theo bạn trên đường. Cho đến khi bạn hoàn toàn già đi, thì mỗi lần gặp là một lần tuổi thanh xuân sống dậy.
Còn nữa: Tôi yêu cả... những nghĩa trang của Nga. Khu nghĩa trang nằm nép mình bên một rừng thông hoặc rừng bạch dương. Mỗi một phần mộ đều có hàng rào sắt thanh thoát, cũng đủ kiểu hoa văn nhẹ nhõm. Những vòng hoa giả. Không có hương khói. Chỉ có những tấm bia mộ đá và những cây thánh giá bằng gỗ. Và tiếng xạc xào vi vút của cây rừng. Không hiểu sao, khu nghĩa trang như thế không làm tôi sợ, không khiến tôi nghĩ đến ranh giới hai cõi âm-dương, mà chỉ khiến tôi thấy lòng mình lặng lẽ. Không buồn. Chỉ thật im lặng, lặng phắc như thế giới của những con người đã thôi không còn bon chen, không còn vất vả!.
Đăng nhận xét