Úc: Phát hiện sinh vật tưởng chừng tuyệt chủng sau 23 năm

Rắn biển mũi ngắn tái xuất sau 23 năm.

Theo Daily Mail, các nhà khoa học Úc đang nghiên cứu rạn san hô Ashmore thì tình cờ chạm trán một con rắn biển mũi ngắn.

Sinh vật có nọc độc chết người này từng xuất hiện thường xuyên ở vùng nước nông tại khu vực rạn san hô Ashmore, nhưng số lượng suy giảm mạnh kể từ những năm 1970 và “biến mất hoàn toàn vào năm 1998”.

Rắn biển mũi ngắn là thành viên trong họ rắn hổ. Chúng sở hữu răng nanh rỗng, có thể phun nọc độc chứa chất độc thần kinh. Khi phát hiện con rắn, các nhà khoa học đều ở trên tàu nghiên cứu trang bị công nghệ robot tiên tiến.

“Robot xem xét một chiếc vỏ. Khi các nhà khoa học đang tìm cách gắp nó lên thì thấy con rắn nằm ngay cạnh", Blanche D'Anastasi, chuyên gia về rắn ở Viện Khoa học Hải dương Úc, cho biết. "Các nhà khoa học phóng to hình ảnh và nhận ra ngay đó là một con rắn biển mũi ngắn".

Con rắn nằm ở phía góc phải khi các nhà khoa học đưa robot xuống biển khám phá rạn san hô Ashmore.

“Họ liền liên lạc với tôi để kiểm chứng, và chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, tưởng chừng loài sinh vật này đã tuyệt chủng từ lâu”, chuyên gia D'Anastasi nói.

Các nhà khoa học Úc coi đây là cơ hội thứ hai để tìm hiểu và bảo vệ loài sinh vật bản địa này.

“Chúng tôi tưởng loài rắn này đã biến mất vĩnh viễn. Vậy nên đây là phát hiện thực sự gây kinh ngạc, tất cả mọi người ở trên tàu nghiên cứu đều vỡ òa vì vui sướng”, tiến sĩ Karen Miller, thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói.

Phát hiện mới này khiến chuyên gia D’Anastasi đặt ra nhiều câu hỏi. “Liệu có phải đây là dấu hiệu cho thấy sinh vật này đang sinh sôi trở lại? Hay đây là cá thể hiếm hoi còn lại sau khi gần như tuyệt chủng hoàn toàn?”

Rắn biển mũi ngắn thường sống ở vùng biển ngoài khơi Tây Úc, độ sâu từ 30 - 150 mét, nơi ánh sáng Mặt trời vẫn chiếu tới được.

Let's block ads! (Why?)