Mohammed Aisha sống trên con tàu bị giữ ở Ai Cập suốt 4 năm.
Theo The Sun, Mohammed sống cô độc trên con tàu không có xăng, không có điện, bị chấn thương tâm lý và cảm thấy không được khỏe do ăn uống thiếu chất.
Mohammed mô tả con tàu giống như một nhà tù, là quan tài khổng lồ trên biển trong đêm tối, không hề có ánh sáng. “Mỗi khi trời tối, tôi không còn nhìn thấy gì, cũng không nghe thấy gì. Cứ như đang nằm trong quan tài”, Mohammad nói với BBC.
Tàu MV Aman ban đầu neo cách bờ 8km, nhưng bị bão cuốn bay mỏ neo, đẩy con tàu trôi về gần bờ, chỉ cách 100 mét. Cứ cách vài ngày, Mohammed lại bơi vào bờ để mua thực phẩm và sạc điện thoại.
Cứ vài ngày, Mohammed lại bơi vào bờ mua thực phẩm, sạc điện thoại.
Vào ban ngày, Mohammed cứ ngồi trên tàu nhìn các tàu khác đi vào kênh đào Suez. Mỗi khi thấy em trai đi qua kênh đào trên một con tàu khác, Mohammed lại trò chuyện với em qua điện thoại.
Mohammed Aisha bắt đầu làm việc trên tàu MV Aman khi con tàu cập cảng Jeddah, Ả Rập Saudi năm 2017. Nhưng chỉ 2 tháng sau, con tàu bị bắt giữ tại Vịnh Suez với lý do giấy kiểm định và các thiết bị an toàn đã hết hạn.
Công ty vận hành tàu MV Aman ở Liban không trả tiền nhiên liệu cho tàu, còn chủ sở hữu tàu ở Bahrain thì gặp khó khăn tài chính.
Con tàu bị bão cuốn vào gần bờ ở Vinh Suez.
Do thuyền trưởng người Ai Cập đã bỏ tàu, tòa án ra phán quyết rằng Mohammed phải chịu trách nhiệm với con tàu, vì là người có cấp bậc dưới thuyền trưởng.
Mohammed nói anh ta không hề biết gì cho đến vài tháng sau, khi nhìn thấy các thủy thủ lần lượt rời tàu.
Tháng 8.2018 là giai đoạn đầy khó khăn với Mohammed, khi anh nghe tin mẹ mình, một giáo viên tiếng Anh, đã qua đời. “Lúc đó tôi thực sự cảm thấy rất muốn chết”, Mohammed nói.
Mohammed cuối cùng đã được phép rời tàu vào ngày 23.4.
Mãi đến gần đây, Mohammed mới được tự do nhờ Liên minh Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) can thiệp, thay người đàn ông để nhận trách nhiệm với tàu.
Mohammed nói anh sẽ không quay về quê nhà Syria mà sẽ tìm kiếm công việc trên một tàu khác, tiếp tục ra biển. “Tôi chỉ còn thiếu một bậc nữa là trở thành thuyền trưởng”, Mohammed nói.
Câu chuyện của Mohammed gây chú ý trong bối cảnh tàu chở hàng Ever Given hiện vẫn bị nhà chức trách Ai Cập tạm giữ ở kênh đào Suez. Tòa án Ai Cập yêu cầu chủ tàu ở Nhật Bản bồi thường hơn 900 triệu USD mới thả tàu.
Liên minh Quốc gia về Thuyền viên Ấn Độ (NUSI) đã gửi đại diện lên tàu, kiểm tra tình trạng của 25 thủy thủ. Các thủy thủ nói rằng họ hiểu rõ tình cảnh khó khăn hiện tại và chờ đợi một ngày có thể tiếp tục hành trình.
Đăng nhận xét