Tàu ngầm KRI Naggala-402 của hải quân Indonesia.
Theo Channel News Asia, hàng trăm quân nhân cùng nhiều tàu hải quân Indonesia đã tham gia tìm kiếm tàu ngầm mất tích kể từ ngày 21.4. Giới chức Indonesia thông báo lượng oxy dự trữ của tàu chỉ đủ dùng trong 72 giờ sau khi mất điện.
Thời hạn đó đã trôi qua vào rạng sáng nay, trong khi vẫn không có dấu vết nào của tàu ngầm mất tích. Trọng tâm của hoạt động giải cứu sẽ chuyển sang trục vớt con tàu gặp nạn khỏi vùng biển ngoài khơi Bali.
Tàu KRI Nanggala-402 biến mất vào sáng sớm ngày 21.4, sau lần liên lạc cuối cùng về sở chỉ huy để xin phép lặn sâu xuống biển, phóng ngư lôi. Trực thăng cứu hộ phát hiện có vết dầu loang, được cho là ở nơi con tàu lặn xuống biển.
Đến ngày 22.4, đội cứu hộ phát hiện vật thể có "từ tính cao" trôi nổi ở độ sâu 50-100 mét phía bắc Bali nhưng chưa xác định được đây có phải là con tàu hay không.
Hải quân Indonesia không loại trừ khả năng tàu ngầm có thể đã chìm xuống độ sâu 700 mét, vượt ngưỡng an toàn mà con tàu có thể chịu được.
Với việc không thể giải cứu 53 người trên tàu kịp thời hạn chót, nhiều khả năng Indonesia sẽ là quốc gia mới nhất hứng chịu thảm kịch tàu ngầm.
Một trong những thảm kịch tàu ngầm tồi tệ nhất thế giới là vụ chìm tàu ngầm Kursk của Nga vào năm 2000. Cuộc điều tra sau đó xác định ngư lôi phát nổ là nguyên nhân khiến tàu chìm xuống đáy biển cùng 118 người.
Đa số các thủy thủ chết ngay lập tức nhưng vẫn còn một số người sống sót cho đến khi oxy cạn kiệt.
Năm 2003, 70 người trên tàu ngầm lớp Ming của Trung Quốc thiệt mạng do chết ngạt trong một cuộc tập trận.
Năm 2018, xác tàu ngầm Argentina chở theo 44 người mới được tìm thấy sau một năm mất tích.
Đăng nhận xét