Tính đến hiện tại, FIFA vẫn chưa quyết việc có hoãn hay không hoãn 3 vòng cuối cùng của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á vốn tạm được ấn định vào tháng 10 và 11 tới. Do đó, trước khi có thông tin AFF Cup 2020 dời lịch sang năm say, HLV Park Hang-seo vẫn phải đối diện với lịch trình nghẹt thở với số trận lên tới 7-11 trận trong 3 tháng cuối năm. Ngoài mật độ gối đầu giữa 2 mặt trận là vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020 diễn ra dày đặc, áp lực thành tích ở cả hai giải này hẳn nhiên khiến nhà cầm quân Hàn Quốc đau đầu.
Chưa hết, kế hoạch chuẩn bị cho đội tuyển Việt Nam trong tháng 8, 9 và 10 của ông Park hẳn nhiên cũng bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Dù trong cuộc họp mới nhất, Tổng thư ký VFF - Lê Hoài Anh có nhắc đến việc sẽ tập trung đội tuyển Việt Nam vào giữa tháng 8 tới nhưng cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng kế hoạch này có thể thành hiện thực trước diễn biến phức tạp của dịch. Chưa hết, FIFA cũng nhất trí hủy đợt FIFA Day dành cho ĐTQG vào tháng 9 tới.
2. Có thể toàn tâm toàn ý cho vòng loại World Cup
Như đã nói, chỉ tiêu dành cho HLV Park Hang-seo ở vòng loại World Cup 2022 chính là giành quyền vào vòng loại dành cho 12 đội châu Á mạnh nhất. Lúc này sau 5 lượt trận, Việt Nam đang đứng đầu bảng G với 11 điểm. Nhưng sức ép từ phía Malaysia, Thái Lan rồi UAE vẫn là rất lớn. Chỉ cần một sự xao nhãng, Việt Nam hoàn toàn có thể đánh mất lợi thế của mình trong 3 lượt trận còn lại.
Do vậy, việc AFF Cup 2020 không hiện diện ngay sau đó sẽ giúp thầy trò Park Hang-seo dồn toàn lực cho mục tiêu duy nhất là vượt qua vòng loại World Cup với ngôi đầu bảng G.
3. Sự trở lại của các trụ cột
Trước đó, người hâm mộ không khỏi thất vọng khi Duy Mạnh đứt dây chằng và đứng trước nguy cơ lỡ hẹn cả vòng loại World Cup lẫn AFF Cup. Nhưng với việc AFF Cup dời sang tháng 4/2021, cầu thủ này sẽ kịp hồi phục chấn thương (dự kiến trở lại vào đầu năm sau).
Ngoài ra, Đình Trọng cũng sẽ có đủ thời gian để đạt phong độ cao nhất hướng tới AFF Cup vào tháng 4 năm sau. Những cầu thủ mới trở lại sau chấn thương như Xuân Trường, Văn Đức sẽ có thêm nửa năm nữa để thực sự là chính mình, qua đó hướng đến mục tiêu bảo vệ chức vô địch AFF Cup.
4. Thêm thời gian cho V.League
Việc AFF Cup không tổ chức vào cuối năm giúp V.League có thêm quỹ thời gian đủ để hoàn thành tiến độ. Trước đó, áp lực của giải đấu này là một trong những yếu tố khiến V.League hay giải hạng Nhất cần kết thúc vào thời điểm 31/10. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, từ dịch Covid-19 trở lại lẫn AFF Cup không tổ chức theo đúng tiến độ, V.League và hạng Nhất sẽ có thêm khoảng thở để tổ chức nốt giai đoạn 2 của mùa bóng.
Điều này cũng kéo theo việc HLV Park Hang-seo sẽ có thêm cơ hội để tuyển chọn thêm các gương mặt mới, tạo nên luồng gió khác biệt cho đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2020 diễn ra vào tháng 4 năm sau.
Gần đây, một danh sách giá bị rò rỉ cung cấp giá bán của loạt iPhone 12 mà Apple sắp ra mắt đã được đăng tải bởi tài khoản Komiya trên Twitter. Khả năng giá bán được liệt kê trong danh sách này được đánh giá là rất cao vì nó tuân theo các điều chỉnh giá theo xu hướng của Apple liên quan đến nửa thập kỷ phát hành iPhone gần đây.
Thông tin được trình bày trong tweet cho thấy iPhone 12 5,4 inch rẻ nhất sẽ có giá 699 USD. Apple gần như chắc chắn sẽ tiếp tục sản xuất iPhone SE 2020 sau khi iPhone 12 được tiết lộ và phát hành, và iPhone 12 sẽ đáp ứng nhu cầu của người dùng thích kích thước nhỏ gọn của iPhone SE 2020 nhưng tính năng hiện đại hơn.
Xét cho cùng, bộ sưu tập iPhone 12 được cho là sẽ có giá bán khởi điểm 699 USD; 799 USD; 1.049 USD và 1.149 USD tương ứng cho iPhone 12; 12 Max; 12 Pro và 12 Pro Max. Được biết, giá khởi điểm cho iPhone 11; 11 Pro và 11 Pro Max là 699 USD; 999 USD và 1.099 USD.
Nếu có iPhone 11 ngay bây giờ và muốn nâng cấp lên iPhone 12 có màn hình kích thước tương tự, người dùng cũng thể chọn iPhone 12 Max hoặc iPhone 12 Pro để lựa chọn. Về cơ bản, người dùng sẽ phải chi thêm tiền cho mức giá khởi điểm của các sản phẩm thay thế cho iPhone 11, vốn có giá khởi điểm trước đó là 699 USD.
Nếu bây giờ có iPhone 11 Pro với màn hình 5,8 inch, người dùng sẽ cần tăng hoặc giảm kích thước màn hình. iPhone 11 Pro có giá khởi điểm 999 USD ngay bây giờ và iPhone 12 (có màn hình 6,1 inch) sẽ có giá khởi điểm 799 USD. Nếu muốn màn hình lớn hơn và dãy camera ấn tượng hơn, người dùng có thể sẽ phải trả mức giá khởi điểm 1.049 USD cho iPhone 12 Pro.
Cuối cùng, nếu đã mua một trong những chiếc iPhone 11 đắt nhất là iPhone 11 Pro Max, người dùng có lẽ sẽ nghĩ ngay đến iPhone 12 Pro Max với màn hình lớn hơn 0,2 inch và giá bán khởi điểm 1.149 USD.
Đầu tiên là Nokia 2.4 sẽ được trang bị chip 8 lõi MediaTek Helio P22 với tên mã là Wolverine. Sản phẩm đi kèm màn hình 6,5 inch độ phân giải 720p . Ở mặt sau là camera kép 13 MP 2 MP, trong khi mặt trước là camera selfie 5 MP. Máy tích hợp pin dung lượng 4.500 mAh cùng các tùy chọn bộ nhớ 2/32 GB và 3/64 GB.
Chiếc điện thoại này đã xuất hiện trên GeekBench cho thấy đó là sản phẩm đi kèm chip lõi ARM MT6762V/WB, hay Helio P22, nhanh hơn 1,97 lần so với chip Helio A22 trên Nokia 2.3. Bài kiểm tra lõi đơn của GeekBench đánh giá máy đạt 136 điểm, trong khi điểm đa lõi là 497.
Bên cạnh đó, NokiaPowerUser cho thấy Nokia 6.3 và Nokia 7.3 cũng đã đạt chứng nhận Canadian Radio Equipment. Trong số này, Nokia 6.3 đi kèm chip Snapdragon 670/675 và bốn camera sau. Sản phẩm trang bị chip chip thuộc dòng Snapdragon 700 và bốn camera sau, đồng thời đi kèm các phiên bản hỗ trợ 4G và 5G. Các thiết bị này hiện có sẵn trên cơ sở dữ liệu Canadian Radio Equipment.
Triển lãm điện tử tiêu dùng quốc tế (IFA) ở Berlin (Đức) bắt nguồn từ năm 1924 và là một trong những triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Do dịch bệnh năm nay, ban tổ chức đã thông báo rằng triển lãm IFA 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 3-5/9 và được phát trực tuyến thay vì mở cửa cho công chúng tham dự.
Theo phản ánh của người nuôi cá bè trên sông Cái thuộc TP.Biên Hòa (Đồng Nai), thời gian gần đây liên tục xuất hiện tình trạng cá bè chết bất thường. Nhiều hộ nuôi cá bè đã bắt đầu hoang mang lo lắng vì sợ cá chết số lượng ngày càng, nhiều khiến họ có nguy cơ mất trắng, đổ nợ.
Nhận được thông tin từ người nuôi cá bè nên trong ngày 29 và 30/7, các đơn vị chức năng của TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đã có mặt tại khu vực nuôi cá bè để ghi nhận tình hình thực tế.
Cụ thể ngày 29/7, đoàn công tác của UBND TP.Biên Hòa phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã về khu vực nuôi cá bè tại phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa thực hiện việc lấy mẫu nước kiểm tra nhanh tại chỗ.
Bước đầu kết quả kiểm tra, hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại khu vực bè nuôi cá rất thấp, chỉ khoảng 1,8 mg/l, hàm lượng oxy hòa tan ở khu vực bờ sông gần khu vực bè nuôi đạt 2,5 mg/l và ở khu vực giữa sông là 3,2 mg/l, đều thấp hơn QCVN cho phép là từ 4mg/l.
Đặc biệt hàm lượng oxy tại bè nuôi cá thấp hơn khoảng 2,5 lần so với mức quy chuẩn cho phép.
Kết quả đo dòng chảy của nước sông trong bè chỉ từ 0-0,1 (gần như không chuyển động) trong khi ở ngoài khu vực bè nuôi là gần 0,3. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàm lượng oxy trong khu vực bè nuôi thấp hơn các khu vực khác trên sông.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, kết quả quan trắc nước mặt lần gần đây nhất tại khu vực làng cá bè cho thấy, tại ba vị trí hợp lưu suối Săn Máu, giữa làng cá bè, hợp lưu suối Linh có 3/17 thông số chưa đạt quy chuẩn, gồm: DO dao động từ 3,2 đến 5 mg/l, vi sinh E.Coli vượt từ 15,8 đến 158 lần, Coliform vượt từ 1,1 đến bảy lần.
Hơn nữa hiện ở đoạn sông trên, người dân nuôi cá dày đặc. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cá thiếu oxy, dẫn đến chết.
Còn trong ngày 30/7, đại diện Chi cục Thủy sản Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai) cũng phối hợp Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa lấy mẫu cá chết để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân và thống kê số lượng cá chết của các hộ dân nuôi. Bước đầu, theo ước tính đến thời điểm này, số cá chết đã lên đến hàng chục tấn.
Truy tìm nguyên nhân
Ông Châu Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Hòa cho biết, hiện khu vực nuôi cá bè trên sông thuộc phường Hiệp Hòa có 182 hộ nuôi cá bè với gần 1.000 lồng, xổng, tăng hàng trăm lồng, xổng so với năm 2019. Tình trạng lồng, xổng nuôi cá tăng nhanh tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi. Vì trước đó, ở khu vực này cũng từng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá.
Bà Nguyễn Thị Én - hộ nuôi cá bè cho biết, bà vừa cùng nhiều hộ nuôi cá bè khác làm đơn cầu cứu gửi lên cơ quan chức năng. Bà Én nghi ngờ việc cá chết có thể do nguồn nước bị ô nhiễm.
“Chúng tôi chỉ mong sớm điều tra xác định rõ nguyên nhân để xử lý sớm, tránh để lại hậu quả nặng nề như nhiều năm trước. Bà con nông dân chúng tôi cố gắng làm ăn, nợ nần đang chồng chất, nếu tiếp tục cá cứ chết hàng loạt có nguy cơ vỡ nợ…” - bà Én chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Minh cũng nói rằng khoảng 4 ngày nay, cá bắt đầu chết số lượng rất nhiều trên bè khiến ông và các hộ nuôi luôn bất an lo lắng. Nhiều hộ nuôi cá bè phải vớt cá bán đổ bán tháo. Cá chết chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm,…
“Mong là ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt như vậy. Bè nuôi cá của tôi đã gần đến thời kỳ thu hoạch, song cũng đang chết rất nhiều. Chẳng biết kêu ai chỉ biết sớm nhận được kết quả”, ông Minh nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều người dân cho biết từ tháng 6 đến nay, nguồn nước sông tại khu vực nuôi cá bè có dấu hiệu bị ô nhiễm. Cá nuôi trong các lồng, bè có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước. Nhiều bè nuôi thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết.
Để bảo vệ cá nuôi, 2 tháng qua, người nuôi cá bè ở khu vực này cho hệ thống máy cung cấp oxy hoạt động liên tục suốt 24/24 giờ. Nhiều chủ bè cũng hạn chế cho cá ăn vì cá có hiện tượng bỏ ăn hoặc cho ăn là xảy ra tình trạng cá chết nhiều hơn nên mới cầu cứu cơ quan chức năng.
Theo Nikkei, hãng xe Mitsubishi đã có kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất Pajero tại Gifu (Nhật Bản) trong năm 2021. Tình trạng sụt giảm lớn về sản lượng sản xuất trong những năm gần đây khiến việc duy trì nhà máy không còn mang lại lợi nhuận.
Phiên bản Pajero Final Edition được giới thiệu tới thị trường Nhật Bản vào tháng 4/2019 thay lời từ biệt của mẫu xe biểu tượng tại quê nhà.
Hiện tại, mẫu SUV địa hình này vẫn được phân phối tại một số khu vực trên thế giới, nhưng nhiều khả năng mẫu xe này sẽ sớm bị loại bỏ khỏi danh mục sản phẩm của Mitsubishi trên toàn cầu nếu báo cáo mới nhất của Nikkei là chính xác.
Được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm Ô tô Paris năm 2006, Mitsubishi Pajero là một trong những mẫu xe có tuổi thọ lâu đời nhất. Sau gần 15 năm, mẫu SUV địa hình có thiết kế body-on-frame này đang bước vào giai đoạn sản xuất cuối cùng sau các đợt nâng cấp (facelift) trong những năm 2009, 2010, 2012 và 2015.
Theo giải thích của Mitsubishi, nguyên nhân chính khiến mẫu SUV này không còn được nhiều người ưa chuộng là do tiêu tốn nhiên liệu hơn với những xe khác cùng phân khúc. Tại thị trường Việt Nam, Mitsubishi Pajero là một trong những cái tên luôn góp mặt vào danh sách những mẫu xe ế ẩm nhất trên thị trường.
Trong vòng 3 năm tới, nhà sản xuất đến từ Nhật Bản đặt mục tiêu vào việc giảm chi phí và tăng trưởng bền vững. Tại thị trường Đông Nam Á, Mitsubishi cho biết sẽ tập trung kinh doanh các sản phẩm theo định hướng off-road. Những mẫu xe đang được phát triển là Triton, Xpander, Pajero Sport. Riêng thị trường Mỹ sẽ nhận được một số phiên bản nâng cấp cho các mẫu xe hiện tại, gồm Mirage, Mirage G4 sedan, Outlander PHEV và Eclipse Cross.
Năm nay, tôi 31 tuổi, đang làm quản lý một chi nhánh giao hàng cho công ty chuyển phát nhanh. Chuyện tình duyên của tôi khá lận đận, yêu hết cô này đến cô khác nhưng không có mối tình nào thành công. Do tôi là con út, ba mẹ đã lớn tuổi nên rất mong tôi yên bề gia thất khiến tôi khá áp lực.
Cách đây mấy tháng, một anh đồng nghiệp giới thiệu cho tôi cô em gái của vợ. Cô bé tên Linh, nhỏ hơn tôi gần một giáp, tốt nghiệp cao đẳng và đang làm nhân viên bán hàng cho siêu thị.
Qua vài lần đi chơi, tôi thấy Linh khá dễ thương, vui vẻ nên có ý định tiến tới chuyện lâu dài. Vì quen biết anh rể của Linh nên tôi đã về nhà chơi vài lần. Ba mẹ Linh tỏ ra quý tôi, lần nào cũng vui vẻ đón tiếp.
Tôi cũng đưa Linh về chơi nhà mình, ăn cơm cùng khoảng hai lần. Ba mẹ và anh chị em không có ý kiến gì, chỉ mong tôi nhanh chóng có vợ. Trong thời gian tìm hiểu, tôi cũng chẳng tiếc thứ gì với Linh từ đi ăn uống, mua sắm, đi chơi. Linh còn trẻ nên khá ham chơi, thích mua sắm linh tinh nhưng tôi cũng chiều.
Vài lần, cô ấy đặt hàng qua mạng rồi nhờ tôi thanh toán hoá đơn. Tất nhiên trong những lần đi chơi, tôi luôn là người chi tiền dù có lúc Linh rủ thêm cả chục người bạn.
Đến dịp lễ, Linh thường gợi ý quà trước nên tôi không gặp khó khăn gì cho mua quà tặng người yêu. Tôi nghĩ những cô gái trẻ thường vậy nên không suy nghĩ gì. Tôi định một thời gian nữa, khi tình cảm sâu đậm hơn sẽ bàn đến chuyện cưới hỏi.
Nhưng mới đây, trong một lần đi mua sắm, tôi đưa thẻ ATM để thanh toán, khi nhân viên đưa lại thẻ thì Linh giật lấy bỏ vào túi. Tôi tưởng Linh đùa nên không phản ứng gì.
Trên đường về, Linh cứ nằng nặc hỏi mật khẩu thẻ ATM của tôi. Hỏi hai ba lần nhưng tôi không nói. Đến khi về đến cổng nhà, tôi bảo: "Trả thẻ cho anh chứ, mai anh còn đi làm" thì Linh tỏ vẻ hờn dỗi: "Anh nói không giấu em chuyện gì, sao không cho em biết mật khẩu thẻ".
Tôi bảo: "Thẻ này có cả tiền của công ty nữa, em cần tiền thì để anh chuyển tiền vào tài khoản cho". Linh lấy thẻ ra trả cho tôi với thái độ khó chịu: "Em không cần tiền của anh nhưng em muốn giữ thẻ của anh".
Tôi không hiểu Linh có ý định gì mà hành động như thế. Nếu đưa thẻ cho Linh thì việc chi tiêu của tôi ra sao, chưa kể liên quan đến tiền bạc của công ty. Linh lấy cớ đó để giận dỗi, đòi chia tay vì nghĩ tôi chưa thật lòng toàn tâm toàn ý với cô ấy.
Tôi nghĩ đến khi cưới nhau đã là vợ chồng thì không nói làm gì, còn bây giờ mới tìm hiểu mà làm vậy thì tôi thật sự không hiểu. Lần này, mặc Linh cố tình không liên lạc nhưng tôi chẳng muốn làm lành.
Tôi không biết mình cư xử có hợp lý không hay phải đưa thẻ ATM cho Linh mới đúng. Tôi tự nhận mình non nớt trong tình yêu, xin mọi người cho tôi lời khuyên.
Trình duyệt của bạn không hỗ trợ! Hãy tải về trình duyệt mới hơn tại đây.
Thứ sáu, ngày 31/07/2020 08:08 AM (GMT+7)
AaAa+
Được đầu tư, duy trì hơn chục năm nay nhưng nhiều trò chơi tại công viên Thống Nhất đang ế ẩm, gần như bị "lãng quên" vì quá lỗi thời, một số hạng mục thậm chí đã hư hỏng, xuống cấp.
Bình luận 0
Hà Nội: Nhiều trò chơi trong công viên Thống Nhất ế ẩm, xuống cấp.
Trọng Hiếu
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc, được phát triển dựa trên nguyên mẫu Tupolev Tu-16 của Liên Xô.
Theo Hoàn Cầu, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc chính thức công bố thông tin về oanh tạc cơ H6-J.
Trong cuộc tập trận, các oanh tạc cơ thuộc quân khu miền Nam đã diễn tập cất và hạ cánh cả ngày lẫn đêm, diễn tập tấn công tầm xa và tấn công nhằm vào mục tiêu nổi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30.7.
Ông Nhậm nói cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước trong năm, kiểm tra kỹ thuật và năng lực chiến thuật của phi công, cũng như đảm bảo yêu cầu tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định trên tờ Hoàn Cầu rằng, đây là cuộc tập trận tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu. Với thế hệ oanh tạc cơ H-6J mới nhất, các máy bay ném bom Trung Quốc có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết và tấn công chính xác mục tiêu di chuyển trên biển.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, các oanh tạc cơ H-6J đã được đưa đến căn cứ hải quân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây từ lâu.
Mẫu oanh tạc cơ này có thể mang theo 7 tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm YJ-12, 6 bên dưới cánh và một trong khoang vũ khí.
Theo báo Trung Quốc, H-6J mang theo vũ khí nhiều hơn gấp đôi phiên bản H-6G, bán kính chiến đấu tăng 50%, lên tới 3.500km.
Trung Quốc gần đây liên tục huy động chiến đấu cơ tập trận ở Biển Đông, trong bối cảnh Mỹ cũng phô trương sức mạnh trong khu vực với cuộc tập trận của hai nhóm tàu sân bay và các hoạt động trinh sát gần Trung Quốc đại lục.
Theo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã thể hiện sự kiềm chế khi không đưa các oanh tạc cơ chiến lược H-6 tập trận cùng lúc với cuộc tập trận của tàu sân bay Mỹ. Nhưng ông Nhậm nói Trung Quốc cảm thấy cần phải công bố cuộc tập trận.
Collin Koh, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, nói nguy cơ các tàu chiến, máy bay quân sự Mỹ-Trung chạm trán đang tăng cao.
“Cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi hai nhóm tàu sân bay Mỹ tập trận, cho thấy Trung Quốc muốn kiểm tra năng lực đối phó tàu sân bay Mỹ”, ông Koh nói.
“Đối với các oanh tạc cơ chiến lược H-6, các máy bay này có thể được huấn luyện ‘tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ’”, ông Koh nhận định.
Bộ Quốc phòng không nêu rõ cuộc tập trận của các oanh tạc cơ H-6 lần này diễn ra ở đâu tại Biển Đông. Từ ngày 28.6 - 5.7, Trung Quốc đã tập trận trái phép quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
Các ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng, Hà Nội và một số thành phố lớn đã gây lo ngại về những tác động tới nền kinh tế. Từ đầu năm, "bão" Covid-19 "đổ bộ" vào Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế. Minh chứng rõ nét cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 tới nền kinh tế chính là tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36% và 6 tháng đầu năm đạt 1,81% - mức thấp kỷ lục kể từ năm 1991 cho tới nay.
Cùng lúc 13.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6, tổng cộng 6 tháng là 62.000, thì cũng có tới 29.200 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 19.600 ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 7.400 hoàn tất thủ tục giải thể.
Tưởng chừng, bức tranh kinh tế sẽ được cải thiện trong quý III này khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang dần hồi phục. Thế nhưng, ca nhiễm mới trong cộng đồng xuất hiện khiến nhiều người lo ngại.
Tăng trưởng kinh tế trong "bão" Covid-19 như thế nào là câu hỏi nhiều người quan tâm và muốn có đáp án. Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã xuống thấp kể từ năm 1991 do dịch Covid-19. Với diễn biến hiện nay của dịch Covid-19, ông dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế trong nửa còn lại của năm 2020 này?
Mọi dự báo chỉ là dự báo nhưng cho đến nay khi đối diện với dịch Covid-19, 3 từ chúng ta hay sử dụng đó là: bất ổn, bất định và bất an. Do đó trên các dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế liên tục xấu đi. Dự báo sau luôn xấu hơn so với dự báo trước và liên tục thay đổi. Quý I đưa ra dự báo khác, quý II lại đưa ra một dự báo khác và sắp tới đây cái dự báo cho quý III cũng sẽ khác so với dự báo của 2 quý trước đó.
Trên thực tế, trong thời gian qua, chúng ta rõ ràng là đang lạc quan tương đối sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Chúng ta kỳ vọng rằng hoạt động kinh tế mặc dù chưa mở ra bên ngoài nhưng hoạt động kinh tế trong nước đang dần hồi phục, đặc biệt đối với những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của đại dịch đó là hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải du lịch, nhà hàng khách sạn bán buôn bán lẻ. Từ đó, kinh tế sẽ tốt lên trong thời gian tới.
Nhưng tại thời điểm này, tuy dịch Covid-19 chưa bùng phát như trước và giãn cách xã hội không phải ở mức đại trà mà khoanh vùng được nhưng tâm lý lo ngại sẽ khiến cho người dân không đi du lịch nữa (trừ thực sự cần thiết), tiêu dùng giảm vì lẽ đó. Chắc chắn tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm cũng sẽ không thể tươi sáng hơn.
Vậy theo ông làm thế nào để tăng trưởng kinh tế trong "bão" dịch Covid-19?
Xét về khoa học kinh tế cho đến nay thì ai cũng biết cần phải làm gì. Khi cầu giảm sút do tác động của dịch Covid-19, muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải duy trì được cầu hoặc tăng cầu lên.
Kích cầu bằng thúc đẩy đầu tư công là cụm từ đang được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng hay tại các cuộc họp, diễn đàn khi bàn về vấn đề tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Bởi đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ là lực đẩy lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh các nguồn lực khác đang hạn hẹp, đồng thời cần vốn mồi để thúc đẩy, tạo lan tỏa trong các ngành sản xuất.
Đầu tư công đúng hướng không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn giải quyết các vấn đề căn bản trong lâu dài của nền kinh tế. Chẳng hạn, khi du lịch, giao thương phát triển, các hãng hàng không mở ra ngày một nhiều, nhưng hạ tầng ách tắc thì cũng không thể phát triển mạnh mẽ được!
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng, việc đẩy mạnh đầu tư công, chi tiêu công không phải đến bây giờ chúng ta mới nhắc đến mà đã nói từ rất lâu rồi. Thế nhưng, dù có đẩy mãi vẫn không đẩy được và đến nay vẫn cứ trì trệ.
Hơn nữa, đó chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Về trung hạn, dài hạn phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn. Nghĩa là, không áp dụng những cái gọi là làm theo quy định, tiến theo quy trình. Bây giờ cái gì không cấm thì cứ làm, mà không chỉ là tự do làm gì mà phải là làm thế nào cũng được tự do.
Khi đó những ngành nghề mới, mô hình kinh doanh mới mới xuất hiện và phát triển được. Như vậy, tại thời điểm hiện nay về mặt thể chế mà nói, cần một thay đổi thực sự đột phá như thế.
Như ông đề cập, đầu tư công là tâm điểm trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 này nhưng đến nay việc giải ngân lại trì trệ. Vậy theo ông, muốn cải thiện được tình trạng này chúng ta cần phải làm gì?
Nếu muốn thúc đẩy được đầu tư công, chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải đi giải quyết tất cả các điểm nghẽn hiện nay trong đầu tư công.
Đầu tiên, phải bỏ chế độ phân bổ vốn đầu tư công. Có nghĩa là, Quốc hội không cần phân bổ vốn cho từng ngành, từng địa phương, từng dự án cụ thể. Thay vào đó, Quốc hội chỉ giám sát hiệu quả sử dụng vốn.
Hai là, hình thức đầu tư của từng dự án, kể cả dự án to, dự án lớn thì Quốc hội cũng không cần phải quyết định. Hiện nay dự án đầu tư công Quốc hội quyết định, dự án BT cũng Quốc hội quyết định. Thiết nghĩ, không cần thiết. Những vấn đề đó, Quốc hội không cần quyết định mà hãy để cho Chính phủ quyết định hoặc "ông" Bộ trưởng quyết định là đủ.
Thứ 3, giao nhiều quyền hơn cho Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng quyết định đầu tư. Tôi lấy ví dụ, với một dự án khi đã quyết định chủ trương đầu tư rồi thì bỏ quyết định đầu tư.
Trên thực tế hiện nay mà nói, thủ tục đang chồng lên thủ tục, quyết định chồng quyết định. Muốn làm 1 dự án phải quay tới 4, 5 vòng thủ tục. Những dự án nào đã đưa vào chủ trương đầu tư công rồi thì cứ thế mà làm không cần phải làm thủ tục gì nữa hết.
Cuối cùng, cần có một thể chế (có thể là một Nghị quyết của Bộ Chính trị) bảo vệ sứ mệnh chính trị của những người năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì mục đích chung.
Trong đó, phải lấy hiệu quả tổng thể làm thước đo đánh giá chứ không phải lấy quy trình, quy định làm thước đo đánh giá.
Nghĩa là, trong 10 dự án họ quyết định, có thể sai 1 cái nhưng 9 cái thành công, thì cần được đánh giá là thành công. Chúng ta hãy nhìn vào kết quả tổng thể, chứ đừng nhìn vào 1 dự án thất bại mà đánh giá người ta, cuối cùng mang ra kiểm điểm, thậm chí là tù tội.
Tôi nhấn mạnh rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc trì trệ trong đầu tư công đó chính là tất cả mọi người đều sợ rủi ro, không muốn quyết định, không muốn triển khai và sợ sai.
Vì vậy, với những điều như tôi kể trên, tôi cho rằng sẽ tạo ra niềm tin và độ an toàn cho những cán bộ lãnh đạo thực sự tâm huyết, trăn trở về sự phát triển của quốc gia và của địa phương dám năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm tìm ra những cách làm mới tìm ra những phương án tốt nhất hiệu quả nhất cho sự phát triển.
Còn nếu như chúng ta cứ làm theo quy định, tiến theo quy trình như hiện nay thì rõ ràng mọi người sẽ chọn phương án an toàn nhất và ít rủi ro nhất cho bản thân, chứ không phải phương án ít rủi ro nhất cho sự phát triển.
Bức tranh kinh tế dự báo xấu đi, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Vậy, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thay đổi như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Cứu doanh nghiệp là để cứu cả nền kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư công thì việc kéo dài thời hạn áp dụng những chính sách, chương trình hỗ trợ cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ thì đã có nhưng cần phải kéo dài thêm. Đơn cử như việc giãn, hoãn nộp thuế cần được gia hạn tiếp thay vì hết hạn vào tháng 9 tháng 10 này. Thậm chí, chúng ta có thể miễn, giảm một số loại thuế, phí thay vì chỉ giãn, hoãn.
Ví dụ chi phí công đoàn, theo tôi, không nên giãn, hoãn mà nên miễn hoàn toàn cho doanh nghiệp trong vòng một vài năm. Nếu sau đó có thu, thì cũng nên giảm xuống 1% thay vì con số 2% như hiện tại.
Đối với chính sách tiền tệ, phải tính đến có giảm được chi phí cho doanh nghiệp hay không ngoài những cái lâu nay chúng ta làm là cơ cấu lại nợ, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét bổ sung thêm những gói hỗ trợ cần thiết khác tùy thuộc vào thực tiễn. Điều quan trọng hơn nữa vẫn là, sau khi có chính sách thì việc thực thi phải tốt.
Các chính sách này cần được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt bằng những công cụ cách thức sáng tạo chứ không phải là làm theo quy định. Bây giờ tình hình hoàn toàn mới, đừng đặt ra những điều kiện quy định để chính sách không thể thực hiện được, thậm chí là đi ngược với mục đích của chính sách.
Hay như là việc cho vay trả tiền lương cho công nhân. Anh đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh được tổn thất. Ai chứng minh được? Nếu chứng minh được những thứ như thế thì đã qua rất nhiều tháng rồi, hết thời gian áp dụng của chính sách rồi.
Ngoài ra, chúng ta đều biết, mục tiêu của chính sách hỗ trợ là trả lương công nhân để giữ công nhân ở lại cùng doanh nghiệp vượt khó nhưng đưa ra điều kiện là phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên mới hỗ trợ vay. Những điều kiện, chỉ tiêu như thế đi ngược lại các mục tiêu chúng ta.
Theo ông nên bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Vậy thì nguồn lực lấy ở đâu?
Tất nhiên là nguồn lực bao giờ cũng hữu hạn. Vậy thì lấy ở đâu?
Trong bối cảnh hiện nay, mình phải tính lại kịch bản tăng trưởng trong đó nhấn mạnh đến phục hồi tăng trưởng. Rõ ràng là tăng trưởng hiện nay không thể cao được. Do đó, thu ngân sách cũng không thể nhiều được, trong khi chi ngân sách lại tăng lên.
Như vậy, phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách và thay đổi chỉ tiêu trần nợ công để huy động trong nước, huy động ngoài nước thêm.
Nguồn lực hữu hạn, vậy theo ông tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp như thế nào thì hiệu quả?
Rất khó trả lời về vấn đề này.
Trước tiên phải nhìn nhận rằng, một khi "bão" Covid-19 ập đến thì không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp ở nước ngoài… đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không phân biệt thành phần kinh tế, quốc gia, dân tộc, nó rất bình đẳng trong việc gây tác động.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin… có thể chịu ảnh hưởng xấu thấp hơn, thì một số ngành đang phải hứng chịu tác động trực tiếp, rất mạnh và ngay lập tức, điển hình là lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả vận chuyển hàng không.
Tuy nhiên, ở Việt Nam dư địa của tài khóa và tiền tệ không nhiều cho nên chúng ta phải rất lựa chọn trọng tâm để đưa ra phương án giải quyết cho vấn đề này.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trọng tâm đầu tiên cần ưu tiên ở đây chính là giữ lao động, an sinh xã hội. Hay nói cách khác là duy trì lao động, duy trì việc làm và duy trì thu nhập cho người lao động. Có thể giảm nhưng đừng để thu nhập của người lao động bị đứt quãng. Đấy là cái tôi cho rằng chúng ta phải chú ý đến khi xem xét "cứu trợ".
Tôi lấy ví dụ như giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ nếu phải lựa chọn thì tôi cho rằng cần cứu trợ doanh nghiệp lớn. Bởi doanh nghiệp lớn nếu thất bại thì quay trở hoạt động sẽ rất khó. Những doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ nếu có ngừng hoạt động thì sau khi quay trở lại có thể hồi phục nhanh hơn.
Còn nếu nhìn theo chuỗi giá trị, chúng ta sẽ thấy rằng, cần hỗ trợ duy trì năng lực cho những ngành nghề, doanh nghiệp khi phục hồi kinh tế nó phải là người vực dậy đầu tiên.
Ví dụ như giao thông vận tải và nhà hàng, khách sạn thì giao thông có thể hỗ trợ còn nhà hàng, khách sạn thì không. Bởi vì, giao thông vận tải là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên nhưng cũng là đối tượng phải khôi phục ngay tức khắc. Khi đó, mới phục hồi kinh tế được.
AFF Cup 2020 bị hoãn, HLV Tan Cheng Hoe lại khiêu chiến thầy Park
Với việc AFF Cup 2020 bị hoãn sang tháng 4/2021, HLV Tan Cheng Hoe chắc chắn là một trong những người vui mừng nhất. Lý do là trong thời gian qua, giải VĐQG Malaysia chưa thể trở lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu AFF Cup 2020 tổ chức đúng kế hoạch, không loại trừ khả năng ông Tan Cheng Hoe mất nhiều trụ cột khi chuẩn bị cho giải đấu này.
Do không còn vướng bận về AFF Cup 2020, nhiệm vụ của ông và ĐT Malaysia trong năm nay là dồn hết sức cho 3 trận đấu còn lại ở bảng G thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Hiện tại, sau 5 lượt trận, Malaysia đang đứng thứ hai với 9 điểm, kém đội đầu bảng Việt Nam 2 điểm.
Ngay lập tức, chia sẻ trên tờ Kosmo, HLV Tan Cheng Hoe đã gửi lời thách đấu đến HLV Park Hang-seo và ĐT Việt Nam. Ông Tan Cheng Hoe cho biết: "Tôi nghĩ đó là quyết định tích cực vì đại dịch Covid-19 trong khu vực đang diễn biến phức tạp. Tôi chắc chắn các nước Đông Nam Á đều bị ảnh hưởng và chưa sẵn sàng để tổ chức một kỳ AFF Cup thành công.
ĐT Malaysia có thể dành toàn bộ sự tập trung cho 3 trận đấu còn lại của vòng loại World Cup 2022 vào cuối năm. Nếu AFF Cup vẫn tổ chức như dự định, tôi e rằng các cầu thủ phải đối mặt với nguy cơ chấn thương cao hơn. Đó là điều tệ hại và chẳng ai muốn".
Ozil quyết ở lại, Arsenal chấp nhận tốn tiền
Đại diện của Mesut Ozil, ông Erkut Sogut khẳng định chắc nịch rằng thân chủ của mình sẽ ở lại Arsenal cho tới khi kết thúc hợp đồng (mùa hè năm 2021). Điều đó đồng nghĩa Pháo thủ sẽ phải chi khoản tiền lương rất lớn cho cầu thủ vốn không còn nằm trong kế hoạch của HLV Arteta. Ưu tiên của đội bóng Bắc London là bán Ozil trong hè này.
Barca gặp khó trong việc bán Coutinho
Theo Sport, Barca rất muốn bán Philippe Coutinho trong hè này nhưng cho tới nay vẫn chưa nhận được bất cứ đề nghị nào. Arsenal muốn mượn tiền vệ người Brazil nhưng đội bóng xứ Catalan không đồng ý vì họ hiện rất cần tiền để tái cơ cấu đội hình.
Chelsea sẽ phải đợi Kai Havertz
Trong những chia sẻ với Kicker, giám đốc thể thao Bayer Leverkusen, Rudi Voller khẳng định không có gì thay đổi về việc Kai Havertz sẽ ra sân cho đội bóng của ông khi Europa League trở lại. Đại diện Bundesliga sẽ đá trận lượt về vòng 1/8 với Rangers (lượt đi thắng 3-1) vào ngày 6/8 tới đây. Gần như chắc chắn Chelsea sẽ phải chờ đến khi đội bóng Đức kết thúc hành trình ở Europa League rồi mới có thể tiếp tục xúc tiến việc chiêu mộ ngôi sao 21 tuổi.
Arsenal bất ngờ muốn có Jack Grealish
Sky Sports khẳng định, Arsenal đã nhảy vào cuộc đua giành chữ kí của Jack Grealish. Tuy nhiên, Pháo thủ sẽ không thể đáp ứng con số 80 triệu bảng mà phía Aston Villa đang đòi hỏi. Cũng theo nguồn tin này, một số CLB sẵn sàng trả 50-60 triệu bảng cho tiền vệ người Anh nhưng đều bị đội chủ sân Villa Park phớt lờ.
Hôm qua (30/7), các trang báo uy tín đều đồng loạt khẳng định Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino đang bị điều tra các sai phạm. Thông tin này cũng đã được Văn phòng công tố Liên bang Thụy Sĩ xác nhận.
Theo đó, mọi chuyện xuất phát từ một cuộc gặp gỡ bí mật giữa ông Infantino và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber. Các công tố viên nước này cho hay họ đã tìm ra dấu hiệu của sai phạm liên quan đến các cuộc họp giữa hai vị quan chức trên. Ngay lập tức, một công tố viên đặc biệt là Stefan Keller đã được chỉ định xem xét các khiếu nại hình sự đối với Infantino, Lauber và một số cá nhân khác.
Tờ DW cho hay, Infantino và Lauber đã bí mật gặp nhau 3 lần vào 2 năm 2016 và 2017. Đây cũng là thời điểm Văn phòng công tố Liên bang Thụy Sĩ đang tiến hành điều tra FIFA về tội tham nhũng. Theo các các buộc, việc cơ quan quyền lực nhất bóng đá thế giới trao quyền đăng cai VCK World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar có sự "thao túng" của tiền bạc.
Các nguồn tin uy tín cũng khẳng định ông Lauber đã đệ đơn từ chức vào tuần trước. Được biết, vị quan chức này đã che giấu thông tin về cuộc gặp gỡ Infantino, đồng thời gian dối trong việc khai báo với các giám sát viên khi văn phòng của ông bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến FIFA. Nếu không có gì thay đổi, Lauber sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 8 tới đây.
Hiện tại, cả Infantino và Lauber đều phủ nhận mọi hành vi sai trái. Trong cuộc họp hội đồng của FIFA vào tháng trước, ông Infantino đã gọi các cáo buộc nhắm vào mình là vô lý. Ông cũng tái khẳng định điều này khi trả lời phỏng vấn trước truyền thông vào hôm qua:
"Việc gặp gỡ công tố viên trưởng hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thụy Sĩ là hoàn toàn hợp pháp. Chúng tôi không vi phạm bất cứ quy định nào. Ngược lại, đây cũng là một phần trong nhiệm vụ mà tôi được FIFA ủy thác.
Trên tư cách Chủ tịch FIFA, các cuộc gặp gỡ đó là mục tiêu của tôi ngay từ những ngày đầu tiên nhận chức, và đến hiện tại vẫn như vậy. Mục đích của tôi là hỗ trợ điều tra những sai phạm trong quá khứ của FIFA. Nhiều quan chức FIFA đã gặp các công tố viên tại các cơ quan pháp lý khác trên toàn thế giới cũng vì những mục đích này", ông Infantino cho hay.
Gianni Infantino chính thức lên nắm quyền điều hành FIFA từ năm 2016 thay Sepp Blatter. Trước đó, ông Blatter đã tuyên bố từ chức sau scandal tham nhũng gây rúng động dư luận vào năm 2015. Sau khi đắc cử, ông Infantino từng hứa sẽ cố gắng xây dựng lại hình ảnh của FIFA sau vụ bê bối của người tiền nhiệm.
FIFA vừa thông báo kết luận của Hội đồng FIFA về việc trích từ quỹ đoàn kết hỗ trợ mỗi liên đoàn bóng đá thành viên 1 triệu USD và 500.000 USD cho phát triển bóng đá nữ. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng nằm trong danh sách các nước nhận được khoản hỗ trợ này.
Dù Chủ tịch Infantino đang bị điều tra nhưng có lẽ, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến việc VFF được nhận trợ cấp "khủng" 1,5 triệu USD giữa mùa dịch Covid-19.
Hãng xe từ Áo mới đây được cho là đang chính thức phát triển một mẫu xe máy điện sử dụng động cơ LC8C của hãng nhưng lại hướng tới việc di chuyển trong đô thị, điều này đang gây phấn khích không chỉ cho fan của KTM mà cả giới xe cộ.
Trên thực tế, từ năm 2013, KTM đã trình làng concept KTM E-Speed tại sự kiện Tokyo Motor Show 2013. Mẫu tay ga với những đường nét táo bạo cùng sở hữu động cơ có thể đạt công suất tới 14.8 mã lực và mô-men xoắn 37 Nm, và tốc độ tối đa của xe lên tới 85km/h. Cùng với đó, xe được trang bị pin lithium ion có công suất tới 4.36 kWh, giúp xe di chuyển tối đa 64 km cho mỗi lần sạc đầy.
Và sau 8 năm "đắp chiếu" thì nguồn tin từ Ấn Độ cho thấy KTM đang hợp tác với Bajaj để đưa dòng xe điện KTM E-Speed được chính thức bán ra. Trước đó, thương hiệu từ Áo cũng đã hợp tác với nhà sản xuất tại Ấn Độ để đưa ra thị trường một số mẫu mô tô.
Dự kiến, chiếc KTM E-Speed sẽ chính thức thức được bán ra thị trường vào năm 2022.