Dịch Covid-19 đang dồn Lào vào tình thế đáng quan ngại khi các khoản vay nợ khổng lồ với Trung Quốc trở thành áp lực nặng nề của chính phủ.
Lào “cõng” núi nợ, khó khăn chồng chất sau dịch Covid-19
Fitch Ratings hồi tháng 5 đã hạ xếp hạng quốc gia nghèo bậc nhất Đông Nam Á từ mức nợ quốc gia “ổn định” thành “tiêu cực”. Động thái này đến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra rủi ro tài chính cho Lào khi các khoản nợ nước ngoài đến hạn và dự trữ ngoại hối xuống mức thấp, chỉ khoảng 1 tỷ USD vào cuối tháng 3/2020.
Theo Fitch Ratings, chính phủ Lào đang đối diện với khoản nợ nước ngoài 900 triệu USD đáo hạn trong năm nay. Trong vài năm tiếp theo, từ năm 2021 đến 2023, Lào cũng sẽ phải đối mặt với gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài 1 tỷ USD mỗi năm. Theo nhận định của Fitch Ratings, Chính phủ Lào có khả năng sẽ tìm kiếm các khoản vay từ ngân hàng thương mại để bù đắp các khoản thanh toán nợ quốc tế.
Ngân hàng Thế giới World Bank nhận định dự trữ ngoại hối của Lào sẽ giảm mạnh vào năm 2020, mức giảm dự kiến xuống còn thấp hơn giá trị nhập khẩu trong một tháng. World Bank cũng dự báo cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Lào từ mức 5,1% GDP năm 2019 lên 7,5-8,8% GDP năm 2020. “Do đó, mức nợ quốc gia dự kiến sẽ tăng từ 59% GDP năm 2019 lên 65-68% GDP năm 2020”. Ước tính, đến đầu năm 2020, tổng quy mô GDP nền kinh tế Lào là gần 20 tỷ USD.
Măc dù chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm khá thấp, chỉ với 19 ca nhiễm Covid-19 và 0 ca tử vong kể từ đầu vụ dịch đến nay, tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch đến Lào ngày càng phình to. Các biện pháp hạn chế kiểm dịch bao gồm đóng cửa biên giới đã gây ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực du lịch và lưu trú - ngành đóng góp lớn vào nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
World Bank dự báo tăng trưởng GDP Lào trong năm 2020 có thể xuống mức 1% cho đến âm 1,8%, tùy vào thời gian kéo dài dịch bệnh trên toàn cầu cũng như hệ lụy đến nền kinh tế Lào. Con số này cảnh báo nguy cơ suy thoái sâu sắc sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ 7-8%. Trước khi đại dịch bùng phát, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF từng dự báo kinh tế Lào tăng trưởng bình quân 6,3% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2036. Nhưng tốc độ tăng trưởng này đang bị thách thức bởi hàng loạt khoản nợ mà chính phủ Lào phải cõng trên lưng.
Nguy cơ từ “bẫy nợ” Trung Quốc
Ngân hàng đầu tư Pháp Societe Generale chỉ ra 80% trong số nợ đáo hạn năm 2019 là nợ ngoại tệ từ nước ngoài và khoảng 50% nợ công của Lào do các chủ nợ Trung Quốc nắm giữ. “Tỷ lệ nợ trên GDP ngày càng tăng đang phản ánh sự phụ thuộc ngày càng nhiều của Lào với Trung Quốc - quốc gia láng giềng khổng lồ phía Bắc. Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư và chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Lào”.
Những năm qua, Trung Quốc đã nâng tầm ảnh hưởng tại Lào bằng rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, trong đó bao gồm một tuyến tàu cao tốc trị giá 6 tỷ USD, hàng loạt đập thủy điện khổng lồ, đặc khu kinh tế và đường cao tốc. Lào phải góp vốn 30% trong dự án xây dựng tuyến đường sắt nối liền Côn Minh (Trung Quốc) đến thủ đô Viêng Chăn. Riêng trong năm nay, chính phủ Lào phải trả 250 triệu USD đầu tiên thông qua các khoản vay lãi suất thấp từ Trung Quốc.
Thông qua các thỏa thuận vay ưu đãi tương tự từ Trung Quốc, Lào cũng phát triển các dự án thủy điện lớn nhỏ, bao gồm hàng loạt đập nước trên sông Mê Kông để khai thác tiềm năng thủy điện khổng lồ. Ước tính khoảng 400 dự án thủy điện lớn nhỏ đã hoàn thành hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng trong tiến trình tham vọng biến Lào thành “cục pin của Đông Nam Á”, xuất khẩu điện cho các nước láng giềng.
Nhưng các nhà quan sát đang chỉ ra rằng Lào ngày càng dấn thân sâu hơn vào gánh nặng nợ khổng lồ do các dự án được tài trợ đa số bằng dòng tiền vay từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Gary Lee, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Mạng lưới sông ngòi toàn cầu International Rivers nhận định: “Các dự án thủy điện luôn là khoản đầu tư thâm dụng vốn, đòi hỏi phần lớn tài chính sẵn có. Sự tăng trưởng nóng các dự án thủy điện ở Lào đang đồng thời làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ của nước này”.
Các dự án luôn đi kèm rủi ro. Minh chứng tiêu biểu là vụ vỡ đập phụ gần dự án thủy điện liên hợp Xi Pian-Xe Namnoy hồi năm 2018 khiến hơn 6.000 dân mất nhà cửa. Trước đó, chính phủ Lào đã phải vay ưu đãi một khoản vay lớn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc để phát triển dự án khu liên hợp này
Những thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng tỷ đô đang đẩy Lào đến bờ vực vỡ nợ, học giả người Anh David J.H. Blake cảnh báo. “Lào đang tăng cường các dự án xây đập không có kế hoạch suốt một thập kỷ nay và giờ là lúc đối diện với thực tế khi các khoản vay đáo hạn. Các chủ nợ như Trung Quốc có thể sẽ yêu cầu quyền kiểm soát tài sản (nếu chính phủ Lào không có khả năng trả nợ”.
Đăng nhận xét