Protein dạng gai (tô màu đỏ) của virus Corona.
Theo Daily Mail, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Scripps ở Florida, Mỹ, phát hiện “protein dạng gai” mà virus Corona dùng để bám vào tế bào người đã thay đổi kể từ lần đầu tiên lây lan vào tháng 1.2020.
Trước đây, không phải lúc nào protein dạng gai này cũng kết nối thành công với thụ thể trên tế bào người một cách trơn tru. Nhưng chủng virus Corona đột biến sau này đã khắc phục hạn chế này, protein dạng gai cứng cáp hơn khi kết nối với thụ thể.
Theo các nhà khoa học, sự thay đổi trên là kết quả của đột biến gene đối với virus Corona, khiến các virus lây lan sau này ở châu Âu và Mỹ trở nên nguy hiểm hơn.
Kết quả là virus Corona lây lan ở châu Âu và Mỹ lây lan nhanh hơn 10 lần virus Corona lây lan sang người đầu tiên ở Trung Quốc, các nhà khoa học cho biết.
Tiến sĩ Hyeryun Choe, người đứng đầu nghiên cứu ở Viện Scripps, nói virus Corona đột biến đã “khắc phục” điểm yếu của lớp protein dạng gai.
Lớp protein dạng gai của chủng virus Corona đột biến cứng cáp hơn, ít khả năng nứt gãy trong quá trình kết nối với thụ thể ACE-2.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng sự biến đổi trên chỉ giúp lây nhiễm dễ dàng và nhanh hơn, không khiến người bị nhiễm virus ốm nặng hơn.
Đó là do virus chỉ khắc phục khả năng kết nối với thụ thể, còn một khi đã xâm nhập vào tế bào thì tốc độ nhân bản của virus không thay đổi.
Quá trình nhân bản, sử dụng tế bào người để làm nguyên liệu, mới là nguyên nhân khiến con người bị ốm, bao gồm sốt, ho và khó thở.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, kể từ tháng 3, chủng virus Corona đột biến trên đã xuất hiện và đến tháng 4 lây lan rộng khắp ở châu Âu và Mỹ.
Nghiên cứu mới được đăng tải trên trang web của bioRxiv và đang chờ được các nhà khoa học khác xác minh độc lập.
Đăng nhận xét