Sáng nay 29/6, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đây dự kiến sẽ là một cuộc đại hội được cổ đông và nhiều người trông đợi vì nhiều thông tin cần được ban điều hành, HĐQT trả lời rõ ràng.
Dòng tiền âm, lượng tiền "hao hụt"
ĐHĐCĐ Vinaconex năm 2019 đã từng "dậy sóng" khi ở doanh nghiệp ngàn tỷ này, nhiều cổ đông lớn và nhỏ phản đối cách điều hành của HĐQT và Ban Tổng giám đốc. Khi cổ đông An Quý Hưng dùng quyền của cổ đông lớn, đưa ra những quyết định phê duyệt quy chế tài chính và quy chế tổ chức hoạt động của HĐQT được coi là chưa từng có trong lịch sử quản trị, điều hành các công ty niêm yết ở Việt Nam: Chủ tịch HĐQT được quyền quyết định mọi giao dịch lên tới cả ngàn tỷ, Tổng giám đốc được quyền quyết định tới 500 tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT, tất cả những cổ đông bỏ tiền vào cổ phiếu VCG đều tỏ ra bất an.
Tổng giá trị các khoản được phép phê duyệt của các cá nhân này tương đương với tổng giá trị đầu tư vào một dự án bất động sản lớn.
Bất chấp sự phản đối của các cổ đông, với quyền của cổ đông chi phối, nhóm cổ đông An Quý Hưng vẫn thông qua được các nghị quyết mang tính "lợi ích nhóm" rủi ro như trên.
Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2019 đã được kiểm toán trên trang web chính thức của Vinaconex cho thấy, lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi đang tăng trưởng âm. Chỉ trong 1 năm, quyền lực tập trung trong tay nhóm cổ đông chi phối An Quý Hưng, tại BCTC riêng thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm từ 285 tỷ đồng (2018) lên tới 1.123 tỷ đồng (2019).
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của toàn tổng công ty tại BCTC hợp nhất âm từ 50 tỷ (2018) lên đến âm 1.493 tỷ (2019). Nôm na là hoạt động kinh doanh, hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp, không những không giúp gia tăng thêm nguồn tiền cho Vinaconex mà trái lại, còn tiêu tốn lượng tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng chỉ riêng trong năm vừa qua.
Tình trạng này còn kéo dài tới quý I/2020, khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex vẫn âm tới 1.060 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, dưới sự điều hành của nhóm cổ đông chi phối, Vinaconex trong một năm qua gần như tê liệt hoạt động kinh doanh chính. Năm 2019, lợi nhuận từ hoạt lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Vinaconex (xây dựng) đạt thấp và lợi nhuận từ hoạt động SXKD của các công ty con cũng chiếm tỷ trọng nhỏ.
Khoản lợi nhuận 726 tỷ đồng của Công ty mẹ Vinaconex và 786 tỷ đồng hợp nhất chủ yếu gồm thu nhập tài chính từ cổ tức và lãi tiền gửi, cho vay (404 tỷ), thu nhập từ thanh lý các khoản đầu tư (70 tỷ), lãi đánh giá lại tài sản góp vốn (46 tỷ) và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, phải thu khó đòi và nghĩa vụ bảo hành (145 tỷ). Điều đó cho thấy các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Vinaconex đã bị sa sút và hoạt động của các công ty con chưa có hiệu quả.
Dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh khiến lượng tiền (tiền và tương đương tiền, các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn) của Vinaconex hao hụt trông thấy. Tại thời điểm 31/3/2020, tổng lượng tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn) của Vinaconex chỉ còn hơn 1.747 tỷ đồng giảm hơn 554 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo BCTC hợp nhất, trong năm 2019 nợ vay ngân hàng của Vinaconex tăng từ 3.700 tỷ đồng lên 4.812 tỷ đồng, nhưng các khoản Trả trước cho khách hàng và Phải thu khác tăng rất mạnh (từ 1.481 tỷ lên 3.009 tỷ). Như vậy, Vinaconex đang phải đi vay ngân hàng (có trả lãi suất) để tài trợ cho những tài sản rủi ro cao như Phải thu khác và Trả trước cho người bán.Còn so với thời điểm cuối năm 2018 (trước khi Vinaconex hoàn tất việc đổi chủ, về thành công ty con của An Quý Hưng), lượng tiền của Vinaconex chỉ gần bằng 60%.
Cách "dùng tiền" của Vinaconex, như các ví dụ nêu trên, đặt ra không ít băn khoăn. Đặc biệt là trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh của tổng công ty này đang có xu hướng ngày càng âm hơn, bất chấp việc báo lãi.
Cách dùng tiền của Vinaconex
Dòng tiền âm của Vinaconex chủ yếu là do các khoản phải thu của tăng rất mạnh. Đến cuối năm 2019, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến hơn 60% tài sản ngắn hạn và chiếm hơn 37% tổng tài sản của Vinaconex.
Trong đó, chủ yếu là gia tăng các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn và khoản phải thu liên quan đến việc góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Cụ thể hơn, trong năm 2019, Vinaconex đã tăng trả trước cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 12 số tiền lên đến 578 tỷ đồng; cùng với đó là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Royal Hà Nội với số tiền 103 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Long Việt với số tiền 74 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt với số tiền 50 tỷ đồng.
Đáng nói, Royal Hà Nội và Long Việt là những "người bán" được Vinaconex trả trước lần lượt 103 tỷ đồng và 74 tỷ đồng lại chỉ được thành lập trước khi Vinaconex "gửi tiền" ít ngày, đều trong tháng 11/2019.
Royal Hà Nội thành lập vào ngày 26/11/2019, có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, do bà Lại Thị Lanh (SN 1965) làm giám đốc. Còn Long Việt được thành lập vào ngày 15/11/2019, quy mô vốn 99 tỷ đồng, do ông Vũ Thế Long làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Long có tuổi đời còn khá trẻ, sinh năm 1994. Trong khi đó, CTCP Xây dựng số 12 (V12) là doanh nghiệp do Vinaconex sở hữu 36% vốn.
Ngoài hai doanh nghiệp này, tính đến cuối năm 2019, Vinaconex còn ghi nhận khoản trả trước lên tới 578,28 tỷ đồng với CTCP Xây dựng số 12 (V12) - doanh nghiệp do Vinaconex sở hữu 36% vốn.
Các "khoản chi" vừa nêu góp phần khiến số dư trả trước cho người bán ngắn hạn trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 (đã soát xét) của Vinaconex tăng 2,83 lần, từ 481,7 tỷ đồng hồi đầu năm, lên mức 1.363,28 tỷ đồng.
Vinaconex còn phát sinh các khoản phải thu khác tổng cộng hơn 933 tỷ đồng (tăng gần 26 lần so với đầu năm 2019) là giá trị tiền góp vốn theo các hợp đồng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đối tác của Vinaconex trong các hợp đồng này không được thuyết minh cụ thể.
Thêm nữa, trong Quý 1/2020, Vinaconex còn ghi nhận khoản lãi bất thường hơn 633 tỷ đồng từ thoái vốn các khoản đầu tư, chủ yếu đến từ việc thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Vinaconex.
Về mặt dòng tiền, hoạt động thu hồi đầu tư vốn vào các đơn vị khác đem về cho Vinaconex hơn 788 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, tổng công ty này dành hơn nửa nghìn tỷ đồng để trích lập các khoản dự phòng.
Trong đó, chủ yếu là khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, với số dư trên bảng cân đối tính đến ngày 31/3/2020 là 838,46 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với đầu năm.
"Để" lượng tiền lớn ở phía đối tác, Vinaconex phải bù đắp bằng nguồn tiền khác, mà cụ thể là nguồn tiền từ đi vay. Kết năm 2019, tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) của tổng công ty này ở mức 4.661 tỷ đồng, tăng tới trên 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Hay nói cách khác, Vinaconex đang phải đang phải đi vay ngân hàng để tài trợ cho các khoản rủi ro cao như phải thu và trả trước cho người bán. Thực tế là trong quý I/2020, trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Vinaconex đã tăng thêm gần 500 tỷ đồng. Điều này không khỏi khiến giới đầu tư và các cổ đông Vinaconex cảm thấy lo ngại.
Bản thân Ban kiểm soát của Vinaconex, trong kiến nghị gửi đến đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cũng nhấn mạnh rằng HĐQT, ban điều hành tổng công ty phải "tích cực thu hồi công nợ; lưu ý các khoản chi phí, công nợ tồn đọng lâu ngày".
Cách "dùng tiền" của Vinaconex, như các ví dụ nêu trên, đặt ra không ít băn khoăn. Thế nhưng, đây cũng không phải là lần đầu tiên cổ đông của Vinaconex băn khoăn về "cách dùng tiền" tại tổng công ty nghìn tỷ này.
Đăng nhận xét