Liên kết để phát triển bền vững du lịch vùng Đông Nam Bộ

Tại Hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh  ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối du lịch giữa các tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ. 

Liên kết để phát triển bền vững du lịch vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Hồ Dầu Tiếng - một trong những điểm check-in của giới trẻ ở Tây Ninh.

Mục đích của hội nghị là tăng tỉ lệ khách du lịch và đầu tư đến các địa phương, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19; qua đó tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trong khuôn khổ “Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ” có một loạt hoạt động được tổ chức gồm: Chào đón đoàn khách du lịch đầu tiên theo chương trình du lịch liên tuyến vùng Đông Nam Bộ, Khảo sát điểm đến tại Tây Ninh, Giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch vùng Đông Nam Bộ, Hội thảo phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Để chuẩn bị công bố sản phẩm du lịch tại Hội nghị, Sở Du lịch đã tổ chức chuyến khảo sát vào đầu tháng 6 năm 2020 và xây dựng 3 chương trình tour liên tuyến kích cầu du lịch gồm: Thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh – Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương- Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.

Liên kết để phát triển bền vững du lịch vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Đi cáp treo ngắm cảnh trên núi Bà Đen.

Sau chuyến khảo sát, các doanh nghiệp đã đưa vào khai thác sản phẩm với giá ưu đãi 30%. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, sẽ có 80 khách du lịch đầu tiên tham gia chương trình tour; trong đó có 40 khách thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM. 

Đặc biệt, sáng 28/6, tại khách sạn Sunrise Tây Ninh diễn ra Hội thảo phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ với sự chủ trì của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong liên kết và lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ; doanh nghiệp lữ hành, khách sạn...

Liên kết để phát triển bền vững du lịch vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Tòa thánh Tây Ninh - nơi khách du lịch thường ghé thăm.

Hội thảo nhằm giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của các tỉnh thành, chính sách kích cầu của địa phương và công bố 3 tuyến sản phẩm liên vùng mới: TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ"; TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”... Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá ưu đãi từ 1.390.000đ – 1.490.000đ/người. 

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các tỉnh ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm kích cầu du lịch. 

Liên kết để phát triển bền vững du lịch vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Địa điểm vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát.

Chiều cùng ngày diễn ra Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ. Tại đây, lãnh đạo các tỉnh, thành phố  thảo luận, ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020- 2025 và thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 – 2021.

Hội nghị lần này đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của cả vùng, tập trung vào 5 nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, Phát triển sản phẩm du lịch, Quảng bá xúc tiến du lịch, Phát triển nguồn nhân lực du lịch và Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Qua đó, TP.HCM và các địa phương sẽ khai thác hiệu quả hơn giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch.