Lướt Facebook, chia sẻ những cảm xúc, hình ảnh đời thường và tương tác với bạn bè trên mạng xã hội đã trở thành thói quen đối với nhiều người dùng internet tại Việt Nam. Tuy nhiên, đôi lúc những hoạt động của người dùng không hẳn tự nhiên mà xuất phát từ một mục đích cá nhân, thậm chí gượng ép thực hiện.
Dưới đây là một số cảm xúc có thể bạn đã từng gặp trong quá trình sử dụng Facebook:
Sao không thấy ai Like, Comment?
Nút Like trên Facebook có một tác động nhất định tới tâm lý người dùng.
Khi đăng tải một điều gì đó lên Facebook ở chế độ công khai hoặc bạn bè, ai cũng mong muốn nhận về những tương tác, cụ thể là thích/thả tim, bình luận hay chia sẻ. Thế nhưng không ít trường hợp đã 5 phút, 10 phút,... trôi qua mà chưa có thông báo mới nào khiến người đăng hụt hẫng.
Không sao, hãy cứ nghĩ rằng bạn đã chia sẻ được cảm xúc của mình, đã giải bày được nỗi lòng theo cách này và hãy lấy đó làm niềm an ủi. Đồng thời, hãy xem lại những gì mình chia sẻ có thật sự thú vị hay đúng việc mọi người quan tâm hay không. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, Facebooker chỉ nên chia sẻ các thông tin tích cực, vui vẻ; còn khi có nỗi buồn nên gặp gỡ trực tiếp bạn bè tri kỷ để tâm sự.
Không bận tâm, nhưng vẫn để lại một cái bình luận
Có bao giờ bạn cố để lại bình luận dưới bài đăng của một người mà trong lòng thực chất chỉ muốn lướt qua?
Đôi khi lướt News Feed, thấy một thông tin do bạn bè, đồng nghiệp đăng tải không đáng bận tâm, nhưng bạn vẫn cố gắng để lại một bình luận? Hành động này có thể hơi gượng gạo nhưng không phải là xấu. Biết đâu từ mối quan hệ đang khá nhạt, hai người lại trở nên thân thiết hơn, thậm chí thiết lập một cuộc hẹn cà phê ngay dưới những "reply" qua lại. Tất nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể bỏ qua những thông tin mà mình không quan tâm thuận theo đúng tâm lý, sở thích của mình.
"Reply" ở phần bình luận chẳng khác nào một cuộc chat
Có những bình luận, reply kéo dài cả trang như chat trên Facebook.
Không khó bắt gặp những bình luận qua lại dài cả trang trên Facebook, mặc dù hai người có thể chat riêng với nhau và giải quyết nhanh gọn qua Messenger. Câu hỏi là tại sao họ lại chọn cách bình luận qua lại trong bài đăng để mọi người cùng thấy? Đó có thể là cả hai đang muốn cho mọi người thấy mối quan hệ thân thiết giữa đôi bên, hoặc đó là một cuộc tranh luận trái chiều mà ai cũng muốn được cộng đồng mạng đọc được, ủng hộ mình. Cũng có thể khi nghĩ lại, bạn sẽ thấy mình "reply như chat" một cách vô thức, chỉ là vui thôi.
Vừa thấy một bài đăng thú vị nhưng trôi đâu mất rồi?
News Feed của Facebook được xây dựng dựa trên thuật toán để cá nhân hóa nội dung cho từng người dùng.
Facebook có thuật toán tự hiển thị và sắp xếp các bài đăng cá nhân hóa dựa trên thói quen của từng người dùng. Cứ mỗi khi vuốt để làm mới News Feed, những gì nhìn thấy có thể sẽ khác nhau. Điều này dẫn tới một tình huống là vừa thấy một bài đăng thú vị nhưng vô tình vuốt theo thói quen đã khiến nó trôi mất. Nếu không nhớ ai đăng, rất khó để tìm đọc lại giữa News Feed bất tận.
Nổi quạu với tin giả, lừa đảo, bán hàng đa cấp,...
Tin giả đang là một vấn nạn chưa thể được Facebook giải quyết dứt điểm.
Một Facebooker tinh tế sẽ nhận ra ngay những thông tin lửa đảo, tin giả, quảng cáo, kinh doanh đa cấp,... Khi thấy những thông tin như vậy, hầu hết đều sẽ tặc lưỡi rồi lướt tiếp, nhưng cũng có người báo cáo cho Facebook xử lý, có người thì tìm tới trang cá nhân của người đăng tải và nhẹ nhàng nhấn "Unfriend". Theo khuyến cáo của Facebook, người dùng nên dành thời gian báo cáo các thông tin sai trái để góp phần xây dựng nên một mạng xã hội văn minh. Song quá nhiều chia sẻ như vậy mỗi ngày đang khiến không ít người phải nổi quạu.
Đăng nhận xét