Trước và ngay trong lúc ban ngành chức năng cho phép nhập khẩu lợn sống nguyên con, đã có không ít ý kiến nghi ngại việc nhập như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến nội lực chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, nhiều người nuôi lại cho rằng, nhập khẩu lợn chính là cơ hội cho ngành chăn nuôi lợn trong nước phát triển.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu lợn sống chính ngạch, với kỳ vọng sẽ kéo nhanh mặt bằng giá thịt lợn trong nước về mức hợp lý - điều mà thịt lợn đông lạnh chưa làm được vì người tiêu dùng không chuộng.
Lo ngại dội chợ
Cùng với nguyên nhân sức mua giảm do giá tăng quá nóng trước đó (giá heo hơi có thời điểm hơn 100.000 đồng/kg), thông tin nhập lợn sống đã tác động ít nhiều, khiến giá lợn hơi trong nước giảm xuống khoảng 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 5.
Giữa tháng 6, giá heo hơi ở các khu vực chăn nuôi tại Đồng Nai đồng loạt giảm từ 5.000-8.000 đồng/kg, xuống còn 87.000-88.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi heo cho biết, giá heo hơi hôm nay có nơi đã giảm xuống còn 83.000-84.000 đồng.
Tuy nhiên, mức giảm này chưa đồng bộ, có nơi trong 2 ngày cuối tuần qua lại tăng lên xấp xỉ 90.000 đồng/kg. Đáng chú ý giá heo hơi hôm nay ở Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P vẫn neo ổn định ở mức 81.000 đồng/kg.
Dù trại nuôi của mình không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, nhưng ông Lê Hiếu Thể (hộ chăn nuôi TP.Long Khánh) vẫn quyết định giảm đàn, chỉ để lại 20 con lợn hậu bị. Đầu tháng 4 vừa qua, ông mới quyết định tái đàn trở lại. Hiện trại lợn của ông đang có khoảng 35 con lợn nái và 250 con lợn thịt.
Ông Thể chia sẻ, thông tin Bộ NNPTNT cho nhập lợn sống về nước đã khiến ông Thể và nhiều hộ chăn nuôi khác lúng túng. Việc chăn nuôi không phải một sớm một chiều. Tái đàn từ lợn hậu bị phải mất cả năm sau mới khai thác, mới bắt đầu cho thu nhập.
Trong khi Chính phủ khuyến khích dân tăng và tái đàn, với đà này thì chỉ e, sau nửa năm, đàn lợn của dân "đụng" đàn lợn nhập khẩu, lại tái diễn cảnh dội chợ, rớt giá tiếp. Thời gian này mà cho nhập ào ạt về số lượng lớn lại gây khổ cho người nuôi. Vấn đề mâu thuẫn ở chỗ, giá thành chăn nuôi lợn hiện cũng đã tăng lên rất cao so với trước đây.
Bà Nguyễn Ngọc Hạnh (ở TP.Long Khánh) cũng chung niềm lo ngại. Người chăn nuôi chỉ mới bước đầu hồi phục vì thiệt hại quá nhiều từ các đợt dịch bệnh trước đó. "Cần cân nhắc sản lượng nhập thế nào, kiểm soát dịch bệnh ra sao, và cân đối nhập đến bao giờ để bảo vệ nội lực chăn nuôi trong nước" - bà Hạnh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thắng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - chủ trại lợn đầu tiên tái đàn bằng 317 con lợn hậu bị nhập khẩu từ Thái Lan, cho biết, sức khỏe của đàn lợn hiện rất tốt. Trại của ông đã đăng ký nhập khoảng 10.000 con lợn các loại từ Thái Lan.
Ông Thắng cho biết, lý do chọn nhập lợn từ Thái Lan về tăng đàn giống hậu bị vì nguồn giống trong nước khan hiếm, giá lại cao. Người chăn nuôi vì thế, muốn tái đàn cũng không dễ. "Nhà nước tạo điều kiện nhập lợn sạch bệnh về với giá phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người chăn nuôi tái đàn, tăng" - ông Thắng nhận định.
Lợi ích lâu dài
Bộ NNPTNT đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về với mục đích nuôi tái đàn hoặc giết mổ làm thực phẩm. Tính đến thời điểm này, đã có 2 lô hàng lợn Thái Lan về tới Việt Nam.
Bộ NNPTNT đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về với mục đích nuôi tái đàn hoặc giết mổ làm thực phẩm. Tính đến thời điểm này, đã có 2 lô hàng lợn Thái Lan về tới Việt Nam.
Theo ông Trần Hữu Trung (hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai), khi có lợn từ nước ngoài nhập vào, lại được kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, có số lượng ổn định và giá thấp sẽ giải quyết được nhu cầu thích thịt tươi nóng của người dùng.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gửi thông báo tăng giá cám từ 100-300 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là dịch Covid-19 làm giá nguyên liệu tăng từ 5-10%, nên giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo. Đặc biệt là những nguyên liệu như vitamin, khoáng chất, axit amin hay các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc đều tăng ít nhất 50% trở lên.
Theo ông Trung, người chăn nuôi bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cám của công ty, khiến giá thành sản xuất ra luôn cao hơn các nước. Lợn nhập khẩu về với giá thấp sẽ buộc các công ty phải điều chỉnh lại giá cám ở mức hợp lý, đảm bảo có lợi cho mình và cho cả người chăn nuôi.
Khi giá thị trường xuống thấp, người nuôi buộc phải lựa chọn các phương án cho giá thành thấp. "Doanh nghiệp phải giảm giá cám thì mới có nguồn tiêu thụ để bán tiếp, cũng như tính toán khấu hao lời lỗ trong các dây chuyền sản xuất" - ông Trung phân tích.
Với người chăn nuôi, nông dân bây giờ dám tái đàn, tăng đàn thì phải là những người có điều kiện về vốn chứ không nuôi tràn lan như xưa. Khi đã có vốn, họ phải tính toán để không lệ thuộc đại lý cám. Bản thân đại lý cám cũng không bán thiếu như trước. Nông dân vì thế phải tính toán giá đầu vào hợp lý để quy trình nuôi, đàn lợn vẫn tăng trọng và chất lượng thịt tốt. "Nếu tính toán đúng thì họ sẵn sàng quay lưng với cám viên từ công ty" - ông Trung khẳng định.
Đăng nhận xét