34 năm lội rừng hái nấm
Những ngày đầu tháng 6, khi những cơn mưa đầu tiên tại Lâm Đồng xuất hiện, chúng tôi đã có mặt tại TP.Đà Lạt để tham gia một chuyến trải nghiệm vô cùng thú vị. Đã hẹn trước với nhân vật dẫn đường và "cáp kèo" đi vào rừng "săn" nấm, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay bắt đầu rời thành phố bằng chiếc xe máy vào sáng sớm.
Từ trung tâm thành phố, chúng tôi di chuyển theo hướng về phường 11 và được anh Nguyễn Quốc Huân (47 tuổi, phường 11, TP.Đà Lạt) đón tại đầu một con hẻm nhỏ khi trời Đà Lạt vẫn còn mờ sương.
Chúng tôi đi theo anh Huân về hướng xã Xuân Thọ. Di chuyển khoảng 15km, dọc hai bên đường là những vạt rừng thông xanh mướt, chúng tôi bắt đầu rẽ vào con đường bê tông dân sinh. Do trời vẫn sớm cộng với khí hậu mùa mưa nên thi thoảng chúng tôi vẫn rùng mình dù mặc chiếc áo phao dày cộp.
Vừa chạy xe, anh Huân vừa nói vọng lại "chuẩn bị đến đường đất, đường ướt, trơn trượt đi cẩn thận nhé anh em". Nói rồi anh Huân kéo ga dù sắp đến con đường đất nhỏ hẹp mình vừa nói.
Quả thật, những con đường đất nhấp nhô trong rừng làm chúng tôi chệch choạc tay lái. Một bên là sườn đồi sâu hàng chục mét cũng khiến người lái phải tập trung hết sức. Tiếp tục di chuyển khoảng 7km nữa thì chúng tôi đến khu vực "săn nấm" thuộc thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ.
Không chần chừ, nhân vật chính của chúng tôi xách ngay chiếc túi cói rồi thoăn thoắt đi vào giữa những hàng thông cao vút.
"Chỉ cần sau những trận mưa đầu mùa, trong những vạt rừng thông này sẽ có nấm lên rất nhiều. Chủ yếu là các loại nấm kaki, nấm trứng công, trứng gà, sơ mít, hoa đá, nấm gan… Trong đó, nấm kaki và nấm trứng công, trứng gà là phổ biến nhất. Khó gặp và hiếm nhất là nấm hoa đá, loại nấm này có mùi thơm đặc trưng, khi nấu lên có vị ngọt và ăn dai như thịt gà"- anh Huân vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe.
Đi được một đoạn ngắn, chúng tôi đã bắt gặp khá nhiều nấm rừng. Những cây nấm gan và nấm kaki đang trồi lên sau lớp lá thông dày cộm. Phải tinh mắt và để ý thì những "thợ săn nấm" mới phát hiện ra. Không chỉ có những loại nấm kể trên, dưới đất có hàng chục loại nấm khác mọc lên tua tủa, nhưng theo anh Huân đây là những cây nấm dại. Từ trước đến nay không có người ăn. Vì là nấm dại nên dù thấy cũng không nên đụng tới dù chưa biết chúng có độc hay không.
"Tôi bắt đầu đi hái nấm từ năm 1986, khi ấy mới 13 tuổi. Ngày đó, khi đi lấy củi trong rừng thì tranh thủ đi lấy nấm luôn. Ngày đó bố tôi mới chỉ cho 3 loại nấm đó là trứng gà, nấm gan và nấm hoa đá. Tôi cực kỳ thích hái nấm rừng. Có những lần đi hái nấm được nhiều quá nên ham, cứ thấy nấm là đi không biết trời tối từ khi nào. Khi ngẩng mặt lên trời thì thấy đã tối, nấm cũng chẳng thấy mà cũng chả biết mình đang ở đâu. Nhưng mình có cách để đi về được nhà mà không bao giờ bị lạc. Bây giờ chắc ít thanh niên biết và đi "săn" các loại nấm này lắm. Không phải ai cũng vào rừng, lấy được nấm về ăn"- anh Huân nhớ lại.
Chỉ đi khoảng 1 tiếng đồng hồ, vừa trò chuyện, vừa đảo mắt liên tục, chúng tôi đã lấy được chừng một rổ nấm với các loại phổ biến. Mỏi chân, chúng tôi có ý "dụ" anh Huân dừng lại vừa nghỉ vừa nghe anh kể về những kỷ niệm trong 34 năm lấy nấm của mình. Chẳng cần nhân vật chính đồng ý, phóng viên ngồi bệt xuống một khúc thông bị cắt nằm ngang, đưa mắt xung quanh nhưng chỉ thấy bạt ngàn thông xanh.
"Càng đẹp càng độc"
Ngồi bệt xuống đất, người "thợ săn" nấm lão làng nhớ lại: "Có một lần tôi đi hái nấm, bắt gặp một ổ nấm rất to, phải có đến vài chục cây như nấm sữa mọc san sát nhau. Nghĩ rằng vớ bở, thế nhưng không biết sao lúc đấy trong lòng lại sinh nghi.
Tôi lấy một chút cánh nấm nếm thử, nhưng đầu lưỡi lại có cảm giác tê tê. Biết là nấm độc nên tôi nhả ra ngay, lấy nước súc miệng. Sau này, khi về nhà hỏi những người lớn tuổi mới biết đó là nấm vôi. Nấm vôi có màu trắng, hình dáng bên ngoài rất giống nấm sữa, người hái nấm rất dễ bị nhầm".
"Tôi thì chưa bao giờ bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người già có kinh nghiệm, để biết được nấm có độc hay không thì sử dụng ớt quả. Khi hái nấm về, nếu loại nấm nào lạ, nghi ngờ sẽ cho vào một cái chậu, cho nước, muối và vài quả ớt vào khuấy đều. Sau đó cho nấm vào ngâm một lúc, nếu ớt bị nổ thì đó là nấm độc. Còn nếu không có độc thì ớt sẽ bình thường"-anh Huân chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của anh Huân, khi vào trong rừng, những loại nấm có màu sắc càng sặc sỡ, vẻ ngoài bắt mắt thì chúng có độc tố càng mạnh. Vì thế, nếu những người chưa quen hoặc không có hiểu biết về nấm thì không nên sử dụng tùy tiện có thể gây ngộ độc, nặng hơn là tử vong.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi lại rảo bước trên những cánh rừng thông. Trong một buổi sáng, ít nhất chúng tôi đã đi qua 3 quả đồi. Trước đó, anh Huân nói loại nấm hoa đá rất hiếm gặp và ít. Thế nhưng, rất may mắn, khi chúng tôi bàn nhau chuẩn bị về thì đã gặp được ổ nấm hoa đá khá lớn với khoảng 10 gốc. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 gốc nấm đủ lớn để chúng tôi lấy về sử dụng. Để đảm bảo lấy hết được phần gốc, anh Huân đã nghĩ ngay ra chiếc chìa khóa để bẩy phần gốc nấm từ dưới đất lên. Những gốc nấm quá bé chúng tôi đã để lại để chúng tiếp tục phát triển.
Đó cũng là những cây nấm cuối cùng trong ngày chúng tôi lấy trong rừng. Công việc bây giờ là quay trở lại điểm xuất phát, lấy xe máy rồi về nhà chế biến món nấm xào. Ngược trở lại cung đường buổi sáng, chúng tôi đến nhà của anh Huân khi đã 11 giờ hơn. Mau chóng công việc tiếp theo, anh Huân đi vào công đoạn sơ chế nấm ngay để có món nấm xào. Như những chia sẻ của anh từ trong rừng, anh vẫn thực hiện bước thử nấm bằng cách ngâm với nước muối và ớt. Tuy nhiên, đã không có hiện tượng gì xảy ra đối với chậu nấm của chúng tôi.
"Ăn nấm rừng với su su nó mới trọn vị. Trong món nấm này tôi chỉ dùng xả xắt lát, su su thái mỏng và ớt để xào chung. Thế nhưng chúng rất ngọt, tạo ra vị đậm đà, thơm ngon cho món nấm xào. Mời mọi người dùng và cho nhận xét"- anh Huân vui vẻ nói.
Thưởng thức món nấm rừng xào, phóng viên đã cảm nhận được công sức, niềm vui cũng như những hương vị của núi rừng mang lại mà anh "thợ săn nấm" chia sẻ trên đường. Đây đúng là những trải nghiệm tuyệt vời mà những người yêu Đà Lạt muốn một lần thực hiện. Thế nhưng, không phải ai cũng có cơ hội để tham gia.
Mùa nấm rừng tại Đà Lạt và các huyện lân cận như Đức Trọng, Lạc Dương thường bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào mùa mưa. Hàng năm, có đến hàng trăm người dân địa phương lên các rừng thông lấy nấm về ăn. Anh Hải, một người bạn của anh Huân cho biết, có người ở TP.Hồ Chí Minh đặt anh 700.000 đồng/kg nấm kaki xanh. Thế nhưng để kiếm được loại nấm này rất khó, đi cả ngày cũng chưa được 1kg. Mỗi năm, anh Huân đi rừng hái được khoảng 10kg nấm, như vậy với số lượng người "săn nấm" hàng trăm thì sản lượng nấm tại Đà Lạt và các huyện lân cận cũng lên đến cả tấn nấm.
Đăng nhận xét