Năm 1398 sau Công nguyên, Minh thái tổ Chu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang) đã chết và được chôn cất trong Minh Hiếu lăng. Là một hoàng đế khai quốc, nên những đồ vật bồi táng cùng ông ta chắc hẳn phải rất nhiều. Được biết, Minh Hiếu lăng có diện tích khoảng 1,7 triệu mét vuông, là một trong những lăng mộ hoàng đế lớn nhất ở Trung Quốc. Nó còn được gọi là "Minh Thanh hoàng gia đệ nhất lăng", vì thế cũng trở thành đối tượng hàng đầu của những kẻ đạo mộ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là hơn 600 năm sau cái chết của Chu Nguyên Chương, ngôi mộ của ông vẫn chưa bị trộm.
Được biết, việc xây dựng lăng Minh Hiếu bắt đầu vào năm 1381 và cho đến năm 1405 mới hoàn thành. Nói cách khác, phải mất 24 năm để xây dựng lăng mộ này với sự tham gia của khoảng 100.000 người. Có thể thấy đó là một sự tiêu hao nhân lực, vật lực và tài lực lớn tới mức nào. Chu Nguyên Chương đã lo lắng rằng ngôi mộ của ông sẽ bị những kẻ trộm mộ nhắm tới trong tương lai, nên đã tìm mọi biện pháp để ngăn chặn điều này xảy ra. Vì vậy đó là lý do mà trong hàng trăm năm sau đó, Minh Hiếu lăng luôn là điều bí ẩn, và chưa từng có ai mở được cung điện dưới lòng đất. Năm 1997, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra "bí mật" của lăng mộ này. Hóa ra khi Chu Nguyên Chương xây dựng lăng mộ cho chính mình, ông ta đã áp dụng quy tắc "y sơn vi lăng" của các hoàng đế nhà Đường và nhà Tống đồng thời có cải tiến một chút theo ý mình (lăng dựa núi). Trước đó, tất cả các lăng mộ xây dựng theo kiểu "y sơn vi lăng" đều đào từ trên xuống dưới, đến một độ sâu nhất định, sau đó mở rộng sang trái và phải. Đặc điểm của ngôi mộ được xây dựng theo cách này là mộ thất mở theo chiều dọc núi và kéo dài xuống dưới.
Chu Nguyên Chương đã thay đổi cách làm cũ của tổ tiên. Minh Hiếu lăng được tạo ra từ những gò đất vuông quây hình tròn, khởi điểm từ một mặt núi sau đó kéo dài sang hai bên. Nơi chôn cất chung của Chu Nguyên Chương và Mã hoàng hậu thường được gọi là "bảo thành", là một khu gò đất hình tròn với đường kính khoảng 400 mét, bao quanh bởi những bức tường đá. Bằng cách này, những kẻ trộm mộ gần như không thể đào hố thâm nhập vào địa cung dưới lòng đất để trộm kho báu. Cho dù đào lên trên, hay đào xuống dưới đều không thể tạo ra lối thông vào địa cung của Minh Hiếu lăng.
Ngay cả khi những kẻ trộm mộ có thể đào được miệng hang, thì chúng cũng phải dừng bước. Lối vào trong lăng mộ Minh Hiếu được thiết kế cẩn thận. Đó không phải là một con đường thẳng mà rất quanh co, cấu trúc rất phức tạp và rất khó để tìm ra lối đi chính trong lăng mộ. Ngoài ra, toàn bộ ngôi mộ được bao quanh bởi những tảng đá. Phía trên và xung quanh mộ thất là những lớp cát mịn và đá vụn. Những kẻ trộm mộ sẽ dễ dàng bị nhấn chìm trong biển cát và đá vụn này.
Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong lối kiến trúc của Minh Hiếu lăng đã đạt tới một trình độ cao khó tưởng. Đây cũng là điển hình của sự kết hợp giữa văn hóa nghệ thuật kiến trúc truyền thống và thẩm mỹ môi trường, ảnh hưởng đến việc xây dựng lăng mộ của các vị hoàng đế sau Chu Nguyên Chương. Minh Hiếu lăng ngoài lý do thiết kế chống trộm đặc biệt, còn một phần nguyên nhân là do các hoàng đế triều đại nhà Minh đã phái những đội quân tinh nhuệ tới bảo vệ lăng nhằm bày tỏ lòng thành kính của mình với Minh thái tổ. Bởi vậy mà những kẻ trộm mộ cũng không có cơ hội đột nhập. Ngoài vị trí địa lý và các yếu tố khác, Minh Hiếu lăng được bảo tồn cho đến nay, mặc dù đa phần các bức tường trên mặt đất đã sụp đổ và vụn nát, nhưng địa cung phía dưới vẫn còn nguyên vẹn.
Đăng nhận xét