Chiều 15/5, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ công bố tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020. Tại cuộc họp, Pv báo Dân Việt đặt câu hỏi việc đề xuất miễn giảm một số loại thuế phí đối với xe ô tô của Bộ Công Thương bị Bộ Tài chính phản đối do có thể vi phạm các nguyên tắc của WTO.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết, trong thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 một số tiêu chí của ngành sản xuất ôtô giảm rất mạnh.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp ôtô giảm 14,2 %, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương đối với ngành sản xuất ô tô, trong 4 tháng vừa qua, chỉ đạt được 61.500 xe các loại, giảm 24 % so với cùng kỳ.
"Ngoài ra, nhu cầu xe tiêu thụ chỉ đạt khoảng 35 - 40 % so với cùng kỳ, đứng trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Nghị định 41 về hỗ chợ cho sản xuất, doanh nghiệp (DN) nói chung. Trong đó, ngành ô tô, chúng tôi kiến nghị trong thời gian ngắn hạn, tức là từ nay đến hết năm 2020, đề xuất với Chính phủ là giảm 50% phí trước bạ và lùi lại thời hạn đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Như chúng tôi đánh giá, phân tích, không riêng gì Việt Nam, trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, đối với các ngành nói chung và ngành ô tô nói riêng, các nước, trong đó có ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đều có sự hỗ trợ nhất định, thậm chí mạnh tay hơn. Theo đánh giá của chúng tôi thì thời gian áp dụng không dài, thậm chí rất ngắn. Trong vòng 6 tháng thì khả năng mà các nước có ý kiến về vấn đề liên quan đến một số cam kết sẽ khó có thể xảy ra. Có thể một số ý kiến chưa đồng thuận, nhưng chúng tôi đánh giá về cơ bản các cơ quan bộ, ngành đều đồng ý", ông Thành cho hay.
Bổ sung thông tin về vấn đề trên, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trước hết, ô tô là một ngành công nghiệp lớn, mang lại lợi ích và gần như là một bộ mặt của cả một nền kinh tế.
Đặc biệt, khi dịch Covid – 19 khiến ngành công nghiệp ô tô trở nên "ốm yếu", cần những biện pháp hỗ trợ hữu hiệu. Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh, các biện pháp cần "kịp thời", nếu không ngành ô tô sẽ không "qua khỏi".
"Trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, gần như tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phải đóng cửa tạm thời, dừng hoạt động. Như vậy, họ sẽ gặp khó khăn và trong dài hạn thì cả ngành sản xuất ôtô nội địa cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trước làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ trong khu vực ASEAN tràn vào thị trường. Khi các hàng rào thuế quan, kỹ thuật đã được gỡ bỏ thì nếu nói một cách sòng phẳng DN của chúng ta sẽ rất khó trong việc cạnh tranh ngay thị trường trong nước.
Đối với những DN nước ngoài mà họ đã có bao nhiêu năm phát triển như vậy thì rõ ràng là đối với DN lắp ráp trong nước, kể cả đối với những DN nước ngoài vào Việt Nam thì có thể nói là rất khó khăn. Nếu chúng ta mà không có các giải pháp, chính sách quyết liệt, kịp thời. Đặc biệt, các giải pháp phải "kịp thời" vì hiện nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang rất "ốm yếu". Bây giờ, khi có dịch Covid – 19, nếu phải đợi đến một năm, hai năm sau giải pháp mới có giá trị, liệu ngành công nghiệp ô tô có "qua khỏi" không?", ông Hải nói.
Đăng nhận xét