Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu rõ: Nếu các dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của dự án này là khả năng huy động vốn tín dụng cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư. Không giải quyết được vấn đề này sẽ dẫn tới không bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu.
Bộ GTVT cho biết, nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.
Đáng chú ý, chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thành phần là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong đó, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ đồng (trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được xác định tại Nghị quyết số 52). Như vậy, mức đầu tư dự án sẽ giảm khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết 52 (118.716 tỷ đồng).
Đối với số vốn còn lại 44.493 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của Bộ GTVT. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước. Tại thời điểm Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết 52, Chính phủ cũng đã nhận diện rõ những khó khăn về việc huy động nguồn vốn tín dụng, trong thời gian qua Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý.
Giải đáp về những khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỷ đồng.
Trong đó, có 59/116 dựa án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng. Nghiêm trọng hơn, 43/116 dự án BOT đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng gồm 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng.
Đối với việc huy động vốn của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Hùng cho rằng, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, họ có năng lực về thi công nhưng năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế. Chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu sẽ rất khó thuyết phục và có khả năng không ngân hàng nào đồng ý cho vay số tiền lên đến 5.000-10.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam có tổng mức đầu tư lớn nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng trong khi hiện nay hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước đã chạm ngưỡng được quy định tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, không một cơ quan nào có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải cho vay khi dự án không có hiệu quả tài chính hoặc là nhà đầu tư không đủ năng lực.
Đăng nhận xét