Sau hơn nữa tháng khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, tàu cá của ngư dân Trần Cường (Quảng Nam) cùng nhiều bạn bạn tàu đã cập cảng trong niềm vui vì "trúng mánh". Song, niềm vui không trọn vẹn, vì giá bán thủy, hải quá rẻ, không đủ chi phí để trang trải cho chuyến đi tàu vừa qua.
Ông Cường chia sẻ: "Tàu đi bắt ngoài khơi xa gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, chúng tôi vẫn không ngại vươn khơi bám biển. Nhưng buồn nổi, giá cả lại giảm, tính ra chỉ đủ chia công lao động cho anh em bạn tàu".
Theo ông Cường, vì dịch nên sức mua giảm mạnh, một số loại cá có chất lượng, giá cao như: cá mú, cá hố, cá chim, cá thu, cá đổng, cá bò trước đây chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn và xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì nay chủ yếu chỉ bán ở chợ, giá giảm từ 15-20%. Các loại cá cá ngừ, cá hố, cá nục hay mực cũng giảm từ 20-25%. Cá nhập vào nhà máy chế biến như cá ngừ, cá dũa, cá cờ… giá giảm từ 30-35%.
"Đi biển thì không có lời, mà không đi cũng không được. Chỉ mong sao cho giá tăng lên được một chút cho anh em phấn khởi ra khơi", ông Cường nói.
Tương tự, những bạn thuyền trên chiếc tàu của ngư dân Trần Lê Thạch (Quãng Ngãi) cũng không lấy gì làm vui vẻ trong chuyến biển vừa qua. Bởi, những thành quả lao động cực nhọc của họ được thu mua với giá chỉ bằng một nửa so với trước kia.
Theo ông Thạch, chuyến đi biển lần nay, tàu "trúng đậm". Tuy nhiên, giá bán ra lại giảm, vì vậy, dù sản lượng đánh bắt nhiều hơn chuyến biển trước nhưng thu không bù đủ.
"Dịch Covid-19 khiến giá thu mua của các đầu lậu tại cảng cá giảm khiến ngư dân cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, nhờ giá dầu đang giảm nên ngư dân vẫn còn dám ra biển chứ giá dầu ở mức cao như trước thì chắc chắn nhiều tàu sẽ đậu bến, bởi đánh bắt không có lãi", ông Thạch than thở.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Lại - Phó trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (BQL) cho hay, từ nửa cuối tháng 3 đến nay, sức tiêu thụ thủy, hải sản trên địa bàn thành phố chậm so với bình thường. Nhiều loại cá không xuất khẩu được nên các doanh nghiệp dừng mua hoặc mua vào rất ít nên hầu hết giá các loại thủy, hải sản đều giảm mạnh.
Theo thống kê của BQL, số lượng tàu thuyền, hàng hóa qua âu thuyền và cảng cá Thọ Quang quý I là 4853 lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, 10 ngày đầu tháng 4/2020 chỉ có 617 tàu cập cảng bốc dỡ hải sản, chỉ bằng 75,34% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhận định, do sức tiêu thụ chậm và giá hầu hết các loại hải sản giảm kéo theo một số nghề khai thác không ổn định, chi phí tổn cao, đối tượng khai thác tiêu thụ chậm (như nghề lưới kéo, vây, chụp)...
Do đó, nhiều tàu cá hạn chế đi biển, mặc dù đang vào vụ cá nam, thời tiết thuận lợi và giá nhiên liệu (dầu diezel) đang giảm. Tư tưởng của chủ tàu, thuyền trưởng và thương nhân hoạt động tại cảng cá cũng đã có ảnh hưởng nhất định, không mạnh dạn thu mua, bốc dỡ hàng như trước.
"Hiện tại, giá thủy, hải sản có "nhích" lên nhưng vẫn chưa thể được như thời điểm trước khi xảy ra dịch. Sau khi kết thúc thực hiện giãn cách toàn xã hội đến nay, BQL khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân ra, vào cảng thuận lợi, đẩy nhanh quá trình bốc dỡ thủy hải sản qua cảng...
Cung ứng các dịch vụ hậu cần như đá, nước ngọt, lương thực thực phẩm… để giúp ngư dân rút ngắn thời gian chuẩn bị, tranh thủ đang đúng vụ cá nam, thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu rẻ để nhanh chóng tiếp tục đi biển, ổn định lại hoạt động sản xuất và mua bán", ông Lại thông tin.
Đăng nhận xét