Giá heo hơi hôm nay 31/5 ở miền Bắc: Chững lại
Ngay sau khi có thông tin Bộ NNPTNT sẽ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống để bình ổn thị trường thịt lợn, giá heo hơi hôm nay 31/5 ở các tỉnh miền Bắc đã có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn đứng ở mức khá cao.
Theo đó, giá lợn hơi hôm nay ở Nam Định, Hà Nam đạt mức 98.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình và Tuyên Quang giá heo hơi tiếp tục đứng ở mức 99.000 - 100.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ vẫn ở mức cao, đạt 98.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi tại Vĩnh Phúc đạt 97.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Bắc Giang cũng đạt xấp xỉ 100.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 31/5 ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng đứng yên ở mức cao.
Cụ thể, giá lợn hơi hôm nay ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đạt mức 97.000 - 98.000 đồng/kg; tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, giá heo hơi đạt 95.000 - 96.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Khánh Hòa đang tốt nhất vùng, đạt 99.000 đồng/kg. Tại khu vực Tây Nguyên, mà cụ thể là Đăk Lăk, Lâm Đồng, giá heo hơi đạt 96.000 - 97.000 đồng/kg.
Giá heo tăng, đẩy giá thịt lợn lên mức cao ngất ngưởng khiến người tiêu dùng buộc phải chọn lựa các thực phẩm khác thay thế.
Khảo sát tại các chợ tại TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), giá thịt lợn loại ngon lên đến 170.000 đồng/kg; theo các tiểu thương, những ngày này, hàng thịt lợn rơi vào cảnh ế ẩm, nhưng thịt bán ra vẫn không thể giảm giá hơn được nữa, bởi giá “móc hàm” nhập ở lò mổ đã rất cao, lên đến 130.000 – 140.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 31/5 ở miền Nam: Hạ nhiệt
Giá heo hơi hôm nay 31/5 ở các tỉnh miền Nam cũng hạ nhiệt, chỉ có một địa phương duy nhất tăng 1.000 đồng/kg là Bình Phước với mức giá 97.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Trà Vinh, Tây Ninh đạt 97.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Bình Dương, An Giang vẫn ở mức 98.000 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, Kiên Giang, TP.HCM, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Bình Phước và Đồng Tháp giá heo hơi vẫn ở mức 95.000 - 96.000 đồng/kg.
Tại sao thịt đông lạnh nhập khẩu không đắt hàng?
Một trong những giải pháp ngành chức năng đưa ra để bình ổn thị trường thịt lợn là nhập khẩu thịt lợn từ nhiều thị trường. Nhưng thực tế, người tiêu dùng vẫn còn e dè khi dùng loại thịt này.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/5, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam.
Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.270 tấn, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Đàm Xuân Thành khẳng định, thịt lợn đông lạnh, kể cả thịt lợn mát nhập khẩu qua con đường chính ngạch vào nước ta được cơ quan chức năng kiểm tra đều đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo đó, tâm lý lo sợ ăn thịt lợn nhập khẩu không an toàn là hoàn toàn sai lầm.
Sản phẩm thịt lợn nhập khẩu cũng khá phong phú, gồm đủ loại từ thịt ba chỉ, chân giò, móng lợn, tai lợn cho tới thịt vai, thịt mông hay sườn,...
Các nước đang xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam đều có nền chăn nuôi và công nghệ giết mổ hiện đại. Họ kiểm soát dịch bệnh và vấn đề ATTP rất nghiêm ngặt.
Chưa kể, trong quá trình chế biến, sau khi giết mổ thịt lợn sẽ được cấp đông nhanh ở nhiệt độ âm 40 độ C. Bởi cấp đông ở nhiệt độ này, các tế bào hầu như vẫn giữ nguyên vẹn, đảm bảo chất lượng của miếng thịt.
"Đến khi vận chuyển ở nội địa hay trên biển, thịt luôn luôn được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C. Đưa về Việt Nam cũng bảo quản ở nhiệt độ tương tự. Do đó, có thể bảo quản được tới 18 tháng" - ông Thành nhấn mạnh.
Đăng nhận xét