Trong khi cả thế giới đang căng mình chống dịch thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt. Nhờ đó, giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt đón "đại bàng" đến Việt Nam, với một tư duy mới, đón cơn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang biến động mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Đại bàng có thể là những tập đoàn nào?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 mở ra 1 bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phục thuộc quá nhiều vào một quốc gia. Điều này sẽ khiến sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác diễn ra nhanh chóng hơn.
Minh chứng cho điều này, các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là 1 trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thailand hay Malaysia.
Bên cạnh đó, Google và Microsoft cũng đang nỗ lực di chuyển các cơ sở sản xuất điện thoại máy tính và các thiết bị khác từ đất nước tỷ dân sang khu vực Đông Nam Á, với các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan.
Theo Nikkei Asian Review, Google đang chuẩn bị bắt đầu sản xuất dòng điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất - dự kiến sẽ được đặt tên là Pixel 4A, với các đối tác ở miền Bắc Việt Nam ngay sau tháng 4/2020.
Ngoài ra, Google cũng có kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế hệ tiếp theo Pixel 5. Dự kiến kế hoạch sẽ được triển khai trong nửa cuối năm 2020 tại Việt Nam.
Trong khi đó, Microsoft cũng dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất các sản phẩm mới, bao gồm cả laptop và máy tính để bàn, tại các nhà máy ở miền Bắc Việt Nam trong quý hai năm nay.
"Số lượng được sản xuất tại Việt Nam ban đầu sẽ nhỏ, nhưng sản lượng sẽ tăng dần và đây là hướng mà Microsoft muốn", đại diện Tập đoàn cho biết.
Từ cuối tháng 2 đến nay, Apple liên tục tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội, TP.HCM, dấy lên khả năng hãng này sẽ mở nhà máy tại Việt Nam.
Trên website chính thức của hãng, Apple đăng tuyển một số vị trí kỹ sư, quản lý ở nhiều bộ phận như phần mềm, chất lượng màn hình, vận hành, phát triển sản phẩm... tại Hà Nội, TP.HCM.
Động thái Apple đăng tuyển nhiều vị trí tại Hà Nội, TP.HCM thời gian gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy 'quả táo khuyết' đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi sản xuất ra ngoài Trung Quốc, nhất là khi các nhà máy của hãng tại đây buộc đóng cửa dài hạn do ảnh hưởng của Covid-19.
Wistron Corp, một trong những đối tác sản xuất của Apple, cho biết một nửa công suất của họ có thể nằm bên ngoài Trung Quốc trong vòng một năm tới.
Việc di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái. Các quyết định di cư của các công ty như Wistron và các đối tác khác của Apple bao gồm Hon Hai Precision Industry, Inventec Corp và Pegatron Corp, chắc chắn sẽ định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ.
Wistron đang nhắm mục tiêu đến Ấn Độ cùng với Việt Nam và Mexico. Công ty tuyên bố sẽ dành ra 1 tỷ USD để triển khai kế hoạch mở rộng trong năm nay và năm tới.
Trong khi đó, Pegatron Corp lại cho biết công ty sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021 sau khi thành lập nhà máy mới tại Indonesia. Ngoài ra, đối tác lắp ráp chính của Apple cho AirPods, Inventec cũng tuyên bố đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tại Việt Nam.
Sắp tới, GoerTek - một trong những đối tác sản xuất của Apple tại Trung Quốc sẽ bắt đầu thử nghiệm chuyển quy trình sản xuất Airpod thế hệ mới nhất sang một nhà máy âm thanh của hãng ở miền Bắc Việt Nam. Hiện tại Goertek đang có 2 nhà máy lắp ráp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).
Trước đó những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon cũng đã bày tỏ những kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam do nhận thấy sự hấp dẫn về môi trường đầu tư cũng như hiệu quả từ chính các dự án đã có của họ.
Muốn đón được đại bàng cần phải có tổ đại bàng
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc thu hút nguồn vốn FDI như nguồn kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện địa lý cũng có nhiều điểm sáng… Tuy nhiên, các yếu tố còn lại cần được khắc phục để có thể cạnh tranh trong thu hút với các quốc gia láng giếng có cùng hấp lực.
Theo ông Doanh, nói về hạn chế, khó khăn thì chúng ta đã bàn quá nhiều, giờ là lúc tìm ra các giải pháp làm sao để có thể đón được những doanh nghiệp FDI có chất lượng vào nước. Để làm được việc đó, ông Doanh cho rằng, cần phải giải quyết được 3 vấn đề lớn.
Thứ nhất, Việt Nam nên cải cách thể chế, bộ máy. Đặc biệt, sau sự việc đáng tiếc Công ty Tenma Việt Nam hối lộ để trốn thuế, phơi rõ cho chúng ta nhiều vấn đề trong công tác quản lý và minh bạch đối với các nhà đầu tư.
"Ngay cả báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết khoảng 54% DN Việt Nam vẫn phải chi trả ngoài pháp luật để bôi trơn. Việt Nam cần triệt để loại bỏ những vấn đề này để tạo môi trường đầu tư trong sạch, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI", ông Doang nhấn mạnh.
Thứ hai, Việt Nam phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải. Trong đó, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ, chi phí cho giao thông đường bộ nói riêng và chi phí logistics nói chung còn cao…
Thứ ba, chúng ta có lực lượng lao động trẻ, chi phí rẻ. Tuy nhiên trình độ chuyên môn lao động phổ thông còn thấp, thiếu những lao động tiếp cận với nền kinh tế số, thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi phải thay đổi hệ thống giáo dục - đào tạo, dựa theo đó người lao động có thể tiếp tục học tập suốt đời, cập nhật kiến thức nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của công việc.
Do đó, để bền vững đón sóng FDI, Việt Nam cần những bước chuyển mang tính lâu dài không đơn thuần là đưa ra các chính sách nhỏ lẻ mà cần đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới.
Đăng nhận xét