Đình chỉ công tác 7 Cục trưởng
Thông tin về kết quả kiểm tra việc mua gạo dự trữ quốc gia 4 tháng đầu năm 2020 tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra việc tổ chức và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 tại Tổng cục dự trữ nhà nước và 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực.
Kết quả kiểm tra cho thấy thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) được giao mua 190.000 tấn gạo. Kết quả mở thầu ngày 12/3/2020 tổng cộng có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 với số lượng 178.000 tấn.
Hết thời hạn phải ký hợp đồng đã có 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn; 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn; chỉ có 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn.
Đối với nhà thầu từ chối ký hợp đồng, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đảm bảo dự thầu của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu số tiền hơn 27,8 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra tại các điểm kho dự trữ của 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực cho thấy có 7/22 Cục đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng với qui định của Luật Dự trữ Nhà nước và văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, gồm: Cục Dự trữ nhà nước Khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra các sai phạm nêu trong kết quả kiểm tra; Lãnh đạo Tổng cục dự trữ nhà nước và các Vụ chức năng của Tổng cục trong việc thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm trên.
"Tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các Cục trưởng, Chi cục trưởng dự trữ nhà nước cho gửi hàng vào Kho dự trữ nhà nước trái quy định; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của các Cục dự trữ nhà nước và Chi cục dự trữ nhà nước có liên quan đến các sai phạm trên", Bộ Tài chính yêu cầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát các quy trình, quy chế quản lý Kho dự trữ nhà nước để sửa đổi bổ sung đảm bảo công tác giám sát, quản lý tập trung, hiện đại hóa. Xây dựng kế hoạch trang bị, lắp đặt hệ thống camera tại tất cả các điểm Kho dự trữ nhà nước để phục vụ công tác giám sát, quản lý đảm bảo an toàn Kho dự trữ nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính chỉ đạo đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Việt Hà - Phó Vu trưởng phụ trách Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, việc mua gạo dự trữ quốc gia để bảo đảm an ninh lương thực hằng năm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dự trữ Nhà nước, do đó Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quán triệt đến các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương tổ chức triển khai mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến, ngày 12/5/2020 sẽ mở thầu mua gạo dự trữ, dự kiến thời gian hoàn thành nhập gạo trong tháng 6/2020.
Vai trò của các Cục Dự trữ Nhà nước
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc có chức năng trực tiếp quản lý hàng dự trữ nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước các hoạt động dự trữ nhà nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể, được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 02 tỉnh (Bắc Ninh và Bắc Giang) theo địa bàn hành chính.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc đặt tại TP.Hải Phòng được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 01 Thành phố và 01 tỉnh (Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh) theo địa bàn hành chính.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái ((Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên) được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 01 tỉnh (tỉnh Thái Nguyên) theo địa bàn hành chính.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 01 Thành phố và 01 tỉnh (Thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình).
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 03 tỉnh (tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nam và tỉnh Nình Bình.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 01 tỉnh (tỉnh Thanh Hóa).
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên được giao nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 03 tỉnh (tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên -Huế).
Tổng cục Dự trữ Nhà nước quy định hoạt động của các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực như sau: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn về dự trữ nhà nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị dự trữ trên địa bàn trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ theo đơn đặt hàng của Nhà nước theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước;
Thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật dự trữ nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ, các tổ chức, cá nhân sử dụng quỹ dự trữ nhà nước trên địa bàn; xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc trình Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật;
Tổ chức thực hiện công tác mua, bán, nhập, xuất hàng dự trữ theo kế hoạch được giao; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật;
Tổ chức xuất hàng dự trữ nhà nước để cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn, viện trợ quốc tế hoặc cho các mục đích khác; bảo đảm kịp thời, đầy đủ số lượng, chất lượng và hiệu quả; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, giám sát việc xuất, sử dụng quỹ dự trữ nhà nước, bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật
Tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo quản hàng dự trữ nhà nước; thực hiện quản lý chất lượng hàng dự trữ nhà nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do nhà nước quy định; thực hiện công tác bảo vệ, bảo mật, phòng chống cháy, nổ, bão lụt, giữ gìn an toàn hàng dự trữ theo đúng các quy định của Nhà nước và của Tổng cục Dự trữ Nhà nước và còn nhiều nhiệm vụ, chức năng khác.
Đăng nhận xét