Theo một tài xế lâu năm, trong sự việc nam sinh S. bị sát hại có 3 vấn đề mà ngay cả xe ôm lâu năm cũng sẵn sàng bỏ cuốc, không dám chạy.
Ngày 30/9, những người thân của em Nguyễn Cao S. (SN 2001 - người bị sát hại khi chạy xe ôm công nghệ) đã hoàn tất các thủ tục tâm linh, đưa tro cốt nam sinh này về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà. Trong tang lễ của nam sinh S., có nhiều “đồng nghiệp” là những xe ôm công nghệ không quản đường xá xa xôi đã đến thắp nén hương, tiễn đưa S. về nơi an nghỉ của cuối cùng.
Sự việc S. bị sát hại khi chạy xe ôm cũng khiến không ít sinh viên đang tranh thủ làm thêm bằng nghề này cảm thấy xót xa và lo lắng. Bởi tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào, nếu bản thân không tự trang bị cũng như chủ động phòng tránh các trường hợp rủi ro.
Nhiều tài xế xe ôm đến viếng nam sinh S.
Hoàng Văn Đức (20 tuổi) sinh viên một trường đại học ở khu vực Mỹ Đình, người đã có kinh nghiệm 2 năm làm xe ôm công nghệ. Đức cho biết việc chạy xe và bị quỵt tiền xảy ra như cơm bữa. "Những lúc như vậy đành chấp nhận chứ không biết phải làm sao, bởi đánh cũng không lại được họ", Đức kể.
Trước đây, Đức thường tranh thủ buổi tối chạy đến 22 giờ mới về nhà, nhưng từ hôm xảy ra sự việc nam sinh S. bị sát hại, tài xế trẻ này đã dừng hẳn việc chạy buổi tối. “Em nghĩ việc chính của mình vẫn là việc học, còn chạy xe chỉ là kiếm thêm nên không cần phải quá ham hố. Ngày học buổi sáng, chiều tranh thủ chạy vài tiếng kiếm đủ bữa cơm là được rồi”, Đức nói.
Những sinh viên như Đức giờ không dám chạy xe ôm vào buổi tối.
Anh Phùng Minh Sơn (35 tuổi, ở Nam Định, người chạy xe ôm công nghệ lâu năm ở Hà Nội) cho rằng việc nam sinh S. bị sát hại là rất đáng tiếc và xót xa. Theo anh Sơn, có thể đối tượng đã có kế hoạch cướp của, giết người từ trước nên khi thấy nam sinh này còn trẻ, xe đẹp nên đã ra tay hành động. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, anh Sơn chỉ ra một số điểm mà có thể nhận ra những điểm bất thường và sẵn sàng hủy chuyến.
“Thứ nhất, nếu đã có linh tính xấu thì nên lập tức hủy chuyến. Bạn nam sinh này thậm chí còn chụp ảnh gửi cho bạn về 2 vị khách lạ đặt xe, dặn bạn "báo công an nếu không về” nhưng vẫn đồng ý nhận cuốc là phạm vào "tử huyệt" đầu tiên.
Thứ hai, theo quy định chỉ cho phép chở 1 khách. Tuy nhiên, trường hợp này nam sinh đã chở cả 2 người thanh niên là phạm vào "tử huyệt" thứ hai.
Thứ ba, nếu đã không thông thuộc địa hình thì không nên đi vào những nơi thưa dân như Cổ Nhuế vào buổi tối", anh Sơn nói.
Anh Sơn chia sẻ kinh nghiệp để tránh rủi ro khi chạy xe ôm công nghệ.
Ngoài 3 vấn đề trên, bằng kinh nghiệm của mình, anh Sơn khuyên những người chạy xe ôm nói chung, nhất là sinh viên cần phải tỉnh táo từ khi nhận khách đến khi đi đường. “Khi nhận khách nếu thấy có dấu hiệu khả nghi mình cần đề phòng bằng cách chỉnh gương chiếu hậu, giữ khoảng cách với khách. Trong khi lái xe có thể làm động tác rút điện thoại để khuỷu tay mình chạm vào phía hông, mạn sườn khách. Nếu thấy có vật cứng thì nên lấy lý do để dừng xe lại, không chạy nữa.
Một điểm nữa là anh em xe ôm nên lập các hội nhóm với nhau để nhắn tin, cảnh báo lúc cần. Đặc biệt, không chạy vào các khu vực đường vắng, khu ít người ở như Thụy Phương, đường Trần Khát Chân, Cầu Đuống, Đức Giang...”, anh Sơn chia sẻ.
Trước đó, tối ngày 26/9, trong khi chạy xe ôm công nghệ, S. đã ra khu vực Mỹ Đình đón khách và điểm trả khách ở Cổ Nhuế. Trước khi đón khách lên xe, S. còn cẩn thận chụp ảnh khách hàng và gửi cho người bạn cùng phòng, kèm lời nhắn: “Nếu không thấy về thì báo công an”.
Đến khoảng 23h ngày 26/9, bạn cùng phòng liên lạc nhưng không được, ngày hôm sau S. cũng không đến trường học. Thấy vậy, bạn cùng phòng S. đã báo công an, liên lạc với gia đình để tổ chức tìm kiếm. Sau 2 ngày tìm kiếm, tối ngày 28/9 cơ quan chức năng đã phát hiện thi thể S. ở bãi đất hoang thuộc phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Liên quan đến sự việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo tình tiết vụ án được ghi nhận nhiều khả năng đây là vụ án giết người nhằm mục đích cướp tài sản. Các đối tượng đã bàn bạc với nhau từ trước, chuẩn bị hung khí con dao, sau đó lên kế hoạch thuê xe điều đến vị trí định sẵn rồi sát hại lái xe. Hành vi phạm tội của các nghi can đã thể hiện ý thức "giết trước, cướp sau", đã cấu thành tội Giết người và tội Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, n khoản 1 Điều 123 và Điều 168 BLHS 2015. Đây là vụ án đồng phạm giản đơn. Đối với tội cướp tài sản, kết quả định giá tài sản chiếm đoạt sẽ làm căn cứ xử lý tương ứng các đối tượng theo định khung tăng nặng được quy định tại Điều 168 BLHS. Xét hành vi phạm tội của 2 nghi can có vị trí vai trò là ngang nhau. Quá trình thực hiện hành vi của cả các đối tượng không còn tính người, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, trong cùng một thời điểm phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng. Nếu các đối tượng có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thì phải đối mặt với tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội là tử hình" |
Đăng nhận xét