(Dân Việt) Tôi nhớ tuổi thơ của tôi là những tháng ngày cơ cực. Bố mẹ tôi thường xuyên cãi lộn vì chuyện tiền bạc. Sau đó, mẹ tôi nói mẹ tôi đi làm ăn xa và sẽ quay trở lại đón tôi. Nhưng rồi mẹ không về nữa, tôi nghe người trong làng bảo rằng mẹ tôi đã bỏ đi theo người đàn ông khác.
Mẹ tôi bỏ đi biệt tăm từ đó, tôi cũng không biết, cũng không quan tâm gì đến bà. Chỉ biết rằng, từ nhỏ đến lớn, bố thực sự đã hy sinh quá nhiều cho tôi.
Để lo cho tôi ăn học, bố tôi đi làm trong nhà máy vào ban ngày và làm bảo vệ vào ban đêm. Ngay cả khi tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm, bố tôi vẫn không ngừng làm việc. Bố tôi vẫn bận rộn mỗi ngày chỉ để tôi có có tiền cưới vợ.
Sau đó, tôi kết hôn với Thanh- một cô gái gốc Hà Nội. Nhà Thanh có một công ty lớn chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Ngay sau khi cưới, nhà vợ giúp đỡ vợ chồng tôi mua một căn hộ 90m2. Ngày mua nhà, dù tôi nói không cần nhưng bố cũng đưa cho tôi một chiếc sổ tiết kiệm. Tôi biết, đó là số tiền ông chắt chiu trong suốt thời gian qua.
Tôi nhớ rằng khi tôi cưới vợ, bố tôi đã 55 tuổi. Lúc đó, tôi khuyên ông đừng làm những công việc nặng nhọc nữa. Ông chỉ cần làm một công việc nhẹ nhàng, đủ sống là được. Với thu nhập của tôi hiện tại, tôi có thể lo cho bố một cuộc sống an nhàn. Tuy nhiên, bố không nghe lời tôi, vẫn tiếp tục đi làm.
Hình minh họa
Con gái đầu lòng của chúng tôi mau chóng chào đời. Sau khi có con, những chi phí trong nhà tôi tăng lên chóng mặt. Sau khi sinh con, vợ tôi thay tính đổi nết, cô ấy thường xuyên càu nhàu, cằn nhằn vì bất cứ chuyện gì.
Tuy làm ra tiền nhưng mỗi lần tôi gửi tiền về biếu bố ở quê, vợ tôi đều cằn nhằn. “Bố ở quê vẫn kiếm ra tiền mà ông có tiêu gì đến tiền đâu. Anh để tiền đấy để em còn mua bỉm sữa, quần áo cho con không hơn à? Bao giờ bố không đi làm được mình gửi tiền về cũng chưa muộn. Với cả em cũng chưa gửi đồng nào về cho bố mẹ em đâu kẻo anh lại so sánh này kia”, vợ tôi nói.
Thấy bố sống ở quê một mình đơn lẻ, tôi cũng từng mời bố đến nhà ở chung nhưng ông từ chối. 3 năm kể từ khi tôi lấy vợ, tôi ít về quê thăm bố. Bố cũng vậy, chỉ đến thăm vợ chồng tôi vào những dịp quan trọng.
Mấy hôm trước, bố bỗng nhiên gọi điện cho tôi nói rằng đang trên đường ra nhà tôi chơi. Tôi vội vàng xin về sớm để đón tiếp bố. Vào ngày bố đến, trời mưa rất to. Trời mưa khiến con đường về nhà tôi tắc cứng, tôi phải mất thời gian dài mới có thể về nhà. Khi về đến nhà, tôi thấy một đôi giày và tất đầy bùn đất trên giá giày ở cửa.
Ngay khi tôi mở cửa, tôi thấy bố tôi đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trong phòng khách. Thấy tôi về, bố rất vui mừng. Thấy bố đi chân trần trên nền đá hoa, tôi hỏi vợ: “Trời hôm nay mưa lạnh, sao em để bố đi chân trần thế kia? Dép đâu sao không đưa bố một đôi.”
Vợ tôi đáp gọn lỏn: "Em đưa bố rồi nhưng bố nói không đi".
Thấy bố ngồi ở ghế nhựa, tôi mời bố vào ghế sofa ngồi thì bố tôi ngần ngại nhìn vợ tôi rồi cười xòa: “Bố đi đường trời mưa, quần áo lấm lem, sợ làm bẩn ghế.”
“Sao em không mời bố vào ghế sofa ngồi?”, tôi hỏi vợ.
“Thì vỏ ghế sofa em vừa mới giặt hôm qua. Bố lại vừa đi mưa về…”, vợ tôi ngập ngừng.
“Mà tối nhà mình đi ăn ở đâu đi. Bố đến bất ngờ quá, em chưa kịp chuẩn bị gì”, vợ tôi tiếp lời. Trong khi đó, tôi nhớ tôi đã nhắn tin cho vợ ngay từ buổi sáng hôm đó.
Nghe vợ nói thế, tôi giận lắm. Tối hôm đó, tôi đưa bố đi ăn một bữa cơm thịnh soạn sau đó, tôi thuê phòng khách sạn để bố nghỉ đêm. Tôi không sợ vợ, tôi chỉ không muốn cãi nhau với cô ấy trước mặt bố tôi và sợ bố lo lắng. Bố nói với tôi rằng dạo này bố không được khỏe, sợ rằng một thời gian dài nữa không thể đi thăm vợ chồng tôi và cháu.
Tôi không nói nhiều với vợ, chỉ bảo rằng tôi muốn ly hôn. Nhưng bố tôi khi biết chuyện khuyên tôi nên nghĩ lại, trong cuộc đời này, chuyện hai người đến được với nhau không phải là dễ dàng. Nhưng vợ tôi ngày càng hành xử quá quắt, tôi không biết phải làm gì với cô ấy nữa.
Đăng nhận xét