(Dân Việt) Xuất phát điểm thấp, đời sống và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, do đó việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện vùng cao Kỳ Sơn đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhưng sau 10 năm, bộ mặt NTM ở Kỳ Sơn đã mang sắc thái khác biệt.
Nhiều kết quả tích cực
Kỳ Sơn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, cách TP.Vinh 250km, ba mặt Tây, Bắc, Nam tiếp giáp nước bạn Lào với đường biên giới trên 200km, được ví là “đỉnh trời xứ Nghệ”... Người dân nơi đây gồm nhiều dân tộc (Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh và Hoa), sinh sống tại 21 xã, thị trấn.
Nhìn nhận lại chặng đường xây dựng NTM đã qua, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng tâm sự: “Xây dựng NTM là chương trình dài hơi, quy mô lớn, trong khi xuất phát điểm của Kỳ Sơn rất thấp, vì thế để đáp ứng được không phải là chuyện dễ dàng. Đối diện với bộn bề gian nan, khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của các cấp, ngành liên quan suốt 10 năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn đã vượt khó đi lên, thu được nhiều thành quả phải nói là kỳ tích”.
Huyện Kỳ Sơn đã có nhiều đổi thay về hạ tầng, đời sống người dân sau 10 năm làm NTM. (ảnh: Việt Khánh)
Ông Hoàng cho hay, người dân Kỳ Sơn đã thấm nhuần chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, nên đến nay phong trào hiến đất mở đường, xây dựng các công trình an sinh - xã hội đang lan tỏa mạnh mẽ. Các quy ước, hương ước làng bản được xây dựng, hình thành các khu dân cư văn minh, sạch đẹp. An ninh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao...
10 năm về trước, huyện mới đạt vỏn vẹn 8 tiêu chí thì đến tháng 6/2019 đã tăng hơn 21 lần, đạt đến 171 tiêu chí. So với 2015 có 1 xã tăng 9 tiêu chí, 1 xã tăng 7 tiêu chí, 2 xã tăng 6 tiêu chí, 16 xã tăng từ 3 - 5 tiêu chí.
Sớm tháo gỡ nút thắt
Ông Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trong giai đoạn tới, bên cạnh nâng cao số xã đạt chuẩn NTM theo nhiệm vụ đặt ra, tỉnh sẽ đánh giá chi tiết và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới để tạo đà phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Đây là cơ sở cho các huyện vùng cao miền Tây xứ Nghệ như Kỳ Sơn, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương sớm tạo ra bước đột phá trong công cuộc xây dựng NTM. |
Đổi thay đã có nhưng khốn khó hãy còn bủa vây. Kỳ Sơn diện tích rộng nhưng phần lớn là đất dốc đứng, bị chia cắt bởi hàng loạt dãy núi cao cùng hệ thống khe, suối dày đặc. Quỹ đất bằng rất hạn hẹp, không đủ điều kiện để quy hoạch thành những vùng canh tác sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, do thói quen đã ăn sâu nên phần đa người dân vẫn sống phân tán tại các cụm bản nhỏ lẻ. Những khu vực này di chuyển hết sức khó khăn và cách xa trung tâm, vì thế khi đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo quy chuẩn vừa tốn kém lại mất nhiều thời gian.
Về yếu tố khách quan, do chịu ảnh hưởng bởi vị trí địa lý, địa hình và thời tiết khắc nghiệt nên Kỳ Sơn thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan (giông tố, lốc xoáy, lở đất, lũ lụt, đặc biệt là lũ ống, lũ quét) nên thiệt hại lớn tài sản, nhà cửa, hoa màu của người dân, dẫn đến kìm hãm đáng kể tốc độ phát triển của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng cho hay, trên cơ sở thực tế, huyện Kỳ Sơn đề xuất Trung ương, tỉnh có phương án tăng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, hàng năm sớm bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình, các mô hình liên kết đảm bảo theo yêu cầu của Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, tạo nền móng phát triển kinh tế theo hướng vững bền.
Đăng nhận xét