(Dân Việt) Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho biết các nhà cung cấp đang bị hệ thống Món Huế nợ tiền có quyền cầu cơ quan chức năng áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài sản, cấm chuyển đổi quyền sở hữu.
Cụ thể, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, các doanh nghiệp cung ứng cho chuỗi nhà hàng Món Huế có thể khởi kiện Món Huế và Huy Việt Nam ra toà để đòi lại quyền lợi.
“Trong quá trình khởi kiện ra Tòa, các nhà cung cấp có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời như phong tỏa tài sản, kê biên tài sản, cấm chuyển đổi quyền sở hữu.
Nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì các bị hại có thể tố giác tội phạm đến cơ quan công an, Viện kiểm sát để thực hiện điều tra, thu giữ, thu hồi tài sản kịp thời.” Ls Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Các nhà cung cấp, đối tác của Món Huế cần sớm khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Bên cạnh đó, trước thông tin Món Huế không chỉ nợ tiền hàng mà còn lương và chi phí mặt bằng,…., Ls Đức nhận định, người lao động và các nhà cung ứng đối tác của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế và Tập đoàn Thực phẩm Huy Việt Nam cần sớm hành động để bảo vệ quyền lợi.
“Khi doanh nghiệp không trả lương do chây ì, không phải do thực sự khó khăn thì công đoàn và người lao động có thể nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản tại tòa án cấp tỉnh nếu việc chậm lương đã quá 3 tháng.” Ls Đức cho hay.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật bày cho biết, chủ nợ, nhà cung cấp, người lao động cần nhanh chóng khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Trong quá trình khởi kiện, có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm cho khả năng thi hành án.
Nếu nguyên nhân nhà hàng này đóng cửa bắt nguồn từ việc mất khả năng thanh toán có những khoản nợ quá hạn thanh toán từ 3 tháng trở lên do tình trạng kinh doanh sa sút thì các chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH nhà hàng Món Huế, đề nghị tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản 2014.
Theo Luật phá sản 2014, quy trình phân tài sản còn lại của nhà hàng Món Huế sẽ gồm nhiều bước như: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính…
Lúc này, việc các chủ nợ đòi được tiền hay không và đòi được bao nhiêu... sẽ phụ thuộc vào số tài sản còn lại của nhà hàng Món Huế.
Ở trường hợp thứ hai, nếu các chủ nợ có bằng chứng, chứng minh được Món Huế có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì lúc này, vụ việc có dấu hiệu hình sự, các chủ nợ có thể tố cáo các cá nhân đó ra cơ quan công an.
"Do đó trong vụ việc này chúng ta cần chia ra làm hai trường hợp đó là: Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản và có hay không có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Trước đó, từ ngày 21/10, hàng chục nhà cung cấp nguyên liệu cho chuỗi nhà hàng Món Huế đã đến trụ sở của Công ty Huy Việt Nam (công ty mẹ của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế) tại TP HCM để căng băng rôn, tố cáo doanh nghiệp này nợ tiền nhiều tháng không trả. Theo thông tin các đơn vị này cung cấp, tổng số công nợ ước tính của Món Huế lên tới khoảng 20 tỉ đồng.
Đằng sau ánh hào quang, ông chủ của Huy Việt Nam, CEO Huy Nhật để lại nhiều tai tiếng.
Các nhà cung cấp thông tin thêm, cuộc họp gần nhất để đối chiếu công nợ với Món Huế diễn ra vào tháng trước. Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế ghi nhận biên nợ và cam kết sẽ trả 50 triệu đồng mỗi tháng với các khoản nợ dưới 500 triệu đồng và 100 triệu đồng mỗi tháng với các khoản trên mức này.
Đáng chú ý, không chỉ nợ tiền nhà cung cấp, một số nhân viên, chủ mặt bằng của Món Huế cũng cho biết bị đơn vị này nợ tiền. Thậm chí, một ứng dụng gọi món ăn cũng đã tắt dịch vụ đặt món tại hệ thống Món Huế vì không đòi được nợ.
Được biết, chuỗi nhà hàng Món Huế, được quản lý trực tiếp bởi Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, với nhà hàng đầu tiên được mở vào năm 2007 tại TP HCM trực thuộc công ty Huy Việt Nam được thành lập năm 2006 do ông Huy Nhật làm Tổng giám đốc.
Đăng nhận xét