(Dân Việt) "Một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, làm giả các nhãn hiệu cũng như xuất xứ hàng hóa nông sản trong nước đã có thương hiệu để đưa ra thị trường tiêu thụ, đơn cử như tình trạng trà trộn rau củ quả của Đà Lạt thời gian qua đã gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân", đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) nhấn mạnh.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.
Đại biểu Đoàn Văn Việt (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) cho biết sự tăng trưởng của một số lĩnh vực còn thiếu vững chắc trong dài hạn. Nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặt ra những thách thức mới trong tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.
Đại biểu Đoàn Văn Việt (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)
“Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân các quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, giám sát, truy xuất nguồn gốc vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Việt nói.
Mặc dù các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng, song việc nâng cao giá trị sản phẩm vẫn là thách thức lớn đối với nông sản Việt Nam.
"Một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, làm giả các nhãn hiệu cũng như xuất xứ hàng hóa nông sản trong nước đã có thương hiệu để đưa ra thị trường tiêu thụ, đơn cử như tình trạng trà trộn rau củ quả của Đà Lạt thời gian qua đã gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân địa phương", ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Khoai tây Trung Quốc tại chợ nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: I.T
Chính phủ đã phê duyệt chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, bên cạnh các thương hiệu có uy tín, nhiều tỉnh thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của mình, trong đó Lâm Đồng đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho 24 sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hạn chế, khi có sản phẩm có lợi thế nhưng chưa phát triển xứng tầm, việc phát hiện xử lí vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa còn nhiều bất cập.
Đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề xuất các địa phương cần xác định tốt thế mạnh của mình, quan tâm đến các giải pháp nâng cao nhận thức của người sản xuất về vai trò của xây dựng thương hiệu nông sản. Các bộ, ngành cần tiếp tục định hướng, hỗ trợ địa phương trong việc đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, phát triển ứng dụng công nghệ số.
"Cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho doanh nghiệp và người sản xuất tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh nông sản quy mô lớn có giá trị, nhằm tăng tính bền vững cho nông nghiệp Việt Nam trong dài hạn", đại biểu tỉnh Lâm Đồng nói.
Đăng nhận xét