(Dân Việt) Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh khẳng định, nguồn thu của Techcombank không phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn như Vingroup hay Masan. Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Vingroup có thể thấy Vingroup là tập đoàn không thiếu tiền, đang thừa tiền.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của Techcombank, ông Phùng Quang Hưng - Giám đốc Khối Bán hàng và Kênh phân phối Techcombank khẳng định Techcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu thị trường trái phiếu trong nước.
Chiếm 98% thị phần trái phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Techcombank chiếm 98% thị phần trái phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX và hơn 80% giao dịch trái phiếu trên các sàn. Cùng với đó quỹ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank chiếm tới 93% tổng thị phần quỹ trái phiếu Việt Nam (16.435 tỷ đồng).
Ông Phùng Quang Hưng - Giám đốc Khối Bán hàng và Kênh phân phối Techcombank
Lượng trái phiếu doanh nghiệp được phân phối qua Techcombank trong 9 tháng đầu năm đạt 39.500 tỷ đồng, tăng 6,7% so với con số của năm 2018. Trong khi đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được tư vấn phát hành qua Techcombank trong 9 tháng đầu năm đạt 24.400 tỷ đồng.
Ông nhấn mạnh hoạt động kinh doanh trái phiếu phát triển đúng theo định hướng của chính phủ và góp phần mang lại khoản thu lớn vào thu nhập từ phí. Tổng nguồn thu phí từ tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trong 14% trong tổng thu phí và mua bán ngoại tệ của ngân hàng (2.400 tỷ đồng).
Riêng đối với tư vấn phát hành, ông Hưng cho biết, “Trái phiếu do Techcombank tư vấn thường được niêm yết trên sàn, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được yêu cầu đó. Vì vậy, rủi ro dành cho nhà đầu tư là tương đối thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi mất 5-6 năm qua để tạp lập nền tảng và công nghệ để hình thành “chợ” cho khách hàng giao dịch trái phiếu, giải quyết vấn đề thanh khoản”.
Không phụ thuộc vào những khách hàng lớn như Vingroup và Masan
Cũng tại buổi phân tích, đại diện một số tổ chức phân tích muốn đánh giá rủi ro tập trung của Techcombank và bày tỏ lo ngại trước những đồn đoán về việc phụ thuộc tăng trưởng tín dụng vào các tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Masan của ông Nguyễn Đăng Quang.
Trước những băn khoăn này, ông Vũ Minh Trường - Giám đốc khối nguồn vốn và thị trường tài chính Techcombank thẳng thắn chia sẻ, xét trên các góc độ gồm tổng thu nhập hoạt động (TOI) và tín dụng (Credit balance), Tập đoàn Vingroup chỉ chiếm từ 9 - 10%. Riêng tập đoàn Masan chiếm ít hơn khoảng 2 - 3%. Tất nhiên, số dư nợ có thể thay đổi vì còn bao gồm các khoản vay ngắn hạn”.
Phân tích chi tiết hơn về mối quan hệ giữa Techcombank và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, CEO Nguyễn Lê Quốc Anh khẳng định, nguồn thu của Techcombank không phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn. Techcombank lựa chọn làm việc với những doanh nghiệp hàng đầu và dẫn dắt thị trường trong từng lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank đạt hơn 14.400 tỷ đồng, trong đó nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn mang về 3.779 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 26%. "Nguồn thu từ Vingroup chỉ có khoảng 300 tỷ đồng trong số đó, đây là một con số không cao", ông nói.
Theo ông Quốc Anh, nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Vingroup thì có thể thấy Vingroup bản chất là một tập đoàn không thiếu tiền. “Vingroup đang thừa tiền mà đi vay thì đúng là ngược đời. Vì vậy, số dư nợ của Vingroup và Masan tại Techcombank là không lớn”, vị này nhấn mạnh.
Ngoài ra, với các khoản giải ngân cho những tập đoàn lớn như Vingroup đều phải được trình lên Hội đồng quản trị xem xét và tuân thủ chặt chẽ theo quy định của NHNN.
Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh
Cũng phải nói thêm rằng, khi Vingroup có dự án mới thì Techcombank là 1 ngân hàng đi theo để phục vụ họ giải quyết giải ngân cho khách hàng mua nhà nhiều nhất. Tại vì sao? “Bởi vì chúng tôi giải quyết cho khách hàng mua nhà chỉ trong vòng 3 ngày rưỡi thay vì những nơi khác mất cả tháng. Đó là điều khách hàng cần.
Đây cũng là phân khúc khách hàng có giá trị đối với Techcombank nên chúng tôi đi cùng họ để giải quyết những nhu cầu của những người mua nhà, trong hệ sinh thái của Vingroup. Đối với Techcombank, quan trọng vẫn là người mua cuối. Một khách hàng vay mua nhà trung bình sử dụng 3,5 sản phẩm của Techcombank thì lơi nhuận đến từ 2,5 sản phẩm ngoài vay mua nhà rất cao”, Tổng giám đốc Techcombank thừa nhận.
CEO Nguyễn Lê Quốc Anh bật bí thêm, mọi người đều hiểu rõ các tập đoàn lớn khả năng họ đòi lãi suất thấp mạnh hơn khách hàng cá nhân và tập đoàn nhỏ. Nếu như Techcombank tập trung cho họ tức là chúng ta nuôi họ mạnh thì mình không ăn được gì. Vì vậy, Techcombank không tập trung tăng dư nợ cho nhóm đối tượng này.
Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay mua nhà của Techcombank tính đến ngày 30/9/2019 đạt khoảng 81 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, động lực chủ yếu là từ phân khúc khách hàng thu nhập cao với các sản phẩm vay mua nhà (chiếm tới 82% tổng dư nợ). Hệ số NIM của Techcombank trong lĩnh vực này đạt mức 2,7%. Dư nợ xấu từ cho vay mua nhà để ở cũng giảm xuống mức 0,7% từ 1,5% năm 2015.
Trước đó, trong tài liệu trình bày về chiến lược và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 tại buổi gặp gỡ nhà phân tích ngày 31/7/2019, Techcombank cho biết dư nợ của nhóm khách hàng liên quan lớn nhất ở mức 16,6% trong khi theo quy định của NHNN là 25%.
Techcombank khẳng định vẫn đang theo đuổi chiến lược từ bỏ các sản phẩm có rủi ro cao (như: vay tiêu dùng tín chấp, vay thế chấp bất động sản) để chuyển sang cho vay mua nhà để ở và mua ô tô đối với khách hàng có thu nhập khá và cao. Đây là phân khúc khách hàng được ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá “có giá trị cao và rủi ro thấp”.
Đăng nhận xét