Nhìn lại thảm kịch máy bay MH17 trước giờ phán quyết hôm nay

Nhìn lại thảm kịch máy bay MH17 trước giờ phán quyết hôm nay - Ảnh 1.

Xác chiếc MH17 bị bắn rơi vào ngày 17.7.2014. Ảnh Reuters

Vào ngày 17/7/2014, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không MH17 đã cất cánh từ sân bay Schiphol của Amsterdam và dự kiến hạ cánh xuống thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia vào ngày hôm sau.

Nhưng chuyến bay định mệnh đã bị bắn hạ giữa không trung trên khu vực Donetsk của Ukraine, do lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát.

Toàn bộ 298 người gồm 15 thành viên phi hành đoàn và 283 hành khách thuộc 17 quốc tịch trên máy bay đều thiệt mạng. Trong số hành khách có 196 công dân Hà Lan.

Những mảnh vụn đang bốc cháy của máy bay được tìm thấy trên một khu vực rộng hơn 15 km2 do các nhóm vũ trang của DNR kiểm soát. Nguyên nhân của thảm họa được cho là do tên lửa đất đối không hoặc không đối không đã bắn trúng máy bay. Đồng thời, chính quyền Ukraine và đại diện của lực lượng dân quân DNR ngay lập tức đổ lỗi cho nhau về vụ việc.

Ukraine và phương Tây quy trách nhiệm cho Nga và lực lượng ly khai về vụ bắn hạ máy bay, các nhà điều tra cho biết tên lửa Buk được sử dụng đến từ một căn cứ quân sự của Nga. Moscow đã nhiều lần bác bỏ tuyên bố này.

Thi thể nạn nhân và các mảnh vỡ của máy bay nằm rải rác trên cánh đồng hoa hướng dương ở miền đông Ukraine - khu vực mà 8 năm sau một lần nữa trở thành vùng chiến sự khi cuộc chiến của Nga với nước láng giềng ngày càng gia tăng.

Sau một cuộc điều tra kéo dài về vụ án, các công tố viên cho biết các nghi phạm bị cáo buộc - Leonid Kharchenko quốc tịch Ukraine và Igor Girkin, Sergey Dubinsky và Oleg Pulatov người Nga - đóng vai trò chính trong việc cung cấp tên lửa bắn rơi chuyến bay.

Một tòa án Hà Lan xem xét phiên tòa hình sự 4 người đàn ông đã bắt đầu vụ án vào tháng 3/2020 và các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết vào thứ Năm (17/11/2022).

 Bắt đầu cuộc điều tra

Ngay ngày hôm sau thảm kịch, ngày 18/7/2014, Ủy ban hàng không liên quốc gia (Interstate Aviation Committee IAC) đề xuất thành lập một ủy ban điều tra vụ tai nạn dưới sự bảo trợ của ICAO (và bàn giao các hộp đen cho ủy ban này). Vào ngày hôm đó, các thành viên ủy ban giám sát đặc biệt của OSCE tại Ukraina đã đến để hiện trường theo dõi tình hình tại khu vực máy bay rơi.

Ngày 21/7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2166 về vụ tai nạn máy bay Boeing ở Ukraina, yêu cầu tiến hành cuộc điều tra toàn diện độc lập về thảm kịch này. Vì hầu hết những người thiệt mạng là công dân Hà Lan, quốc gia này được trao quyền điều tra các hoàn cảnh xảy ra vụ tai nạn với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc, IAC, ICAO, Malaysia, Úc, Đức, Mỹ và Anh.

  Ngày 22/7/2014, trước sự chứng kiến của các nhà quan sát OSCE và nhà báo, đại diện của chính quyền Donetsk đã bàn giao các hộp đen mà họ phát hiện được cho các chuyên gia hàng không Malaysia, những người này đã chuyển chúng cho các chuyên gia đến từ Hà Lan. Rồi Hà Lan đã nhờ các chuyên gia người Anh từ phòng thí nghiệm Farnborough thuộc ICAO và IAC nghiên cứu các hộp đen này.

Ngày 24/7, các quan chức Anh thông báo rằng họ sẽ không công bố dữ liệu thu được qua việc giải mã các hộp đen chuyến bay, mà giao việc đó cho các nhà chức trách Hà Lan thực hiện. Và ngày 8/8/2014, Ukraine, Hà Lan, Bỉ và Úc đã thống nhất rằng thông tin về cuộc điều tra thảm họa sẽ chỉ được tiết lộ khi có sự chấp thuận của cả bốn quốc gia. Do đó, Nga không nhận được quyền truy cập vào thông tin các hộp đen.

Các giả thiết và kết luận sơ bộ

Ngày 9/9/2014, Ủy ban An ninh Hà Lan đã công bố kết quả sơ bộ của cuộc điều tra về vụ tai nạn, nói rằng "máy bay bị vỡ tan thành mảnh giữa không trung, có thể là do hư hỏng cấu trúc do tác động bên ngoài của nhiều vật thể năng lượng cao". Đồng thời, không có sự cố kỹ thuật nào trong hệ thống của máy bay hoặc lỗi của phi hành đoàn.

Ngày 13/10/2015, các chuyên gia của tập đoàn Almaz-Antey, nhà sản xuất hệ thống phòng không Buk, đã thông báo cho giới truyền thông về kết quả thử nghiệm để mô phỏng một vụ tai nạn máy bay, được thực hiện trong khuôn khổ cuộc điều tra của riêng của họ về tai nạn chuyến bay MH17. Theo thông tin tập đoàn, chiếc Boeing có thể đã bị bắn hạ bởi một tên lửa phiên bản cũ 9M38 của hệ thống phòng không Buk. Những tên lửa này đã được loại bỏ khỏi trang bị của quân đội Liên Xô từ năm 1986, nhưng chúng vẫn đang được sử dụng trong Lực lượng vũ trang Ukraina vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn chuyến bay MH17. Tập đoàn Almaz-Antey cũng đã thiết lập được quỹ đạo của tên lửa. Theo kết quả thử nghiệm, tên lửa đã được bắn từ làng Zaroshchenskoe, nơi Lực lượng vũ trang Ukraine chiếm đóng vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Cùng ngày, báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra đã được trình bày tại Hà Lan. Theo báo cáo này, đầu đạn tên lửa 9M38 do hệ thống phòng không Buk phóng từ khu vực rộng khoảng 320 km2 ở miền đông Ukraine đã phát nổ bên trái buồng lái, dẫn đến việc chiếc máy bay bị phá hủy trên không. Ủy ban đã không thiết lập được chính xác vị trí phóng tên lửa. Do đó, không thể quy trách nhiệm về vụ tai nạn máy bay Boeing khiến 298 người thiệt mạng lên lực lượng dân quân DNR như mong muốn của phía Ukraine.

Nhìn lại thảm kịch máy bay MH17 trước giờ phán quyết hôm nay - Ảnh 3.

Sau 8 năm, gia đình các nạn nhân thảm kịch Mh17 vẫn mòn mỏi chờ đợi công lý. Ảnh IT

 Tại sao phán quyết lại quan trọng?

Tuy nhiên, tháng 9/2016, cuộc điều tra về vụ tai nạn đã công khai kết luận, theo đó chiếc máy bay bị bắn hạ bởi một tên lửa phóng từ hệ thống phòng không Buk của Nga. Theo các nhà điều tra quốc tế, bệ bắn này đã được bàn giao cho lực lượng dân quân ở miền đông Ukraine. Kết luận được đưa ra trên cơ sở lời khai của các công dân địa phương do phía Ukraine cung cấp. 

Brechtje Van De Moosdijk, người phát ngôn của Cơ quan Công tố Hà Lan chịu trách nhiệm về vụ MH17, nói với Al Jazeera rằng phán quyết này rất quan trọng vì nó đánh dấu lần đầu tiên một phán quyết độc lập sẽ được đưa ra đối với những gì đã xảy ra với chuyến bay.

Tòa án sẽ trả lời ba câu hỏi: Một là liên quan đến việc liệu người Nga có cung cấp tên lửa hay không, hai là liên quan đến việc nó được bắn từ đâu và ba là vai trò của các nghi phạm. Đây là những câu hỏi mà chúng tôi đã điều tra trong nhiều năm và ngày mai, khi các thẩm phán đưa ra phán quyết của họ, phán quyết sẽ rất lớn và mang lại công lý cho các bên vô tội",  bà nói.

Marnie Howlett, nhà khoa học chính trị và là giảng viên về Chính trị Nga và Đông Âu tại Đại học Oxford, cho biết thảm kịch MH17 cũng là một lời nhắc nhở rằng cuộc chiến ở Ukraine đã tiếp diễn kể từ năm 2014.

"Khi chúng ta thấy phán quyết về MH17, điều quan trọng là chúng ta phải nhớ rằng những gì đang xảy ra ở Ukraine ngay cả bây giờ, không phải là mới. Việc MH17 bị bắn rơi và một số người thiệt mạng đã là một dấu hiệu lớn cho thấy chiến tranh có thể xảy ra", bà nói với Al Jazeera.

"Khi chúng ta xem tin tức về phán quyết và xem những gì đang xảy ra ở Ukraine, chúng ta phải nhớ rằng đây không chỉ là một cuộc xung đột kéo dài 9 tháng mà là một cuộc chiến kéo dài 8 năm," bà nói thêm.

Ai bị buộc tội?

Bốn người đàn ông bị cáo buộc liên quan đến vụ bắn hạ máy bay đã bị xét xử vắng mặt - một thủ tục tố tụng hình sự khi bị cáo không có mặt tại tòa - vì họ đang ở ngoài vòng pháp luật.

Vào thời điểm đó, Igor Girkin, có biệt danh là Igor Strelkov, là một đại tá trong Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và là bộ trưởng quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR).

Sergey Dubinsky cũng là cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga, trong khi Kharchenko, quốc tịch Ukraine, đang lãnh đạo một đơn vị chiến đấu của DPR và đã báo cáo cho Dubinsky.

Cả ba sẽ bị xét xử vắng mặt.

Nhưng Oleg Pulatov, cựu sĩ quan tình báo Nga và là cấp phó của Dubinsky, đã đồng ý có luật sư đại diện cho ông ta tại phiên tòa.

Theo Van De Moosdijk, các công tố viên đã yêu cầu mức án chung thân đối với 4 người đàn ông có khả năng ở Nga.

"Tất cả họ đều nằm trong danh sách truy nã và có thể bị bắt dựa trên phán quyết của tòa án, ngay khi tung tích của họ được xác nhận. Nếu họ bị kết án – điều mà chúng tôi chưa biết – họ có thể bị bắt lại để chấp hành bản án của mình. Nhưng như chúng ta biết, Nga không cho phép điều này trong hiến pháp của họ, khiến quy trình pháp lý trở nên khó khăn," bà nói với Al Jazeera.

Van De Moosdijk cho biết cả công tố viên và nhóm bào chữa đều có thể kháng cáo phán quyết của tòa án nếu họ không hài lòng với phán quyết.

"Nếu có kháng cáo, điều đó có nghĩa là toàn bộ phiên tòa sẽ phải được tiến hành lại với các thẩm phán khác nhau, khiến vụ án kéo dài thêm nhiều năm nữa", bà nói thêm.

Theo hãng tin Reuters, nhóm pháp lý của Pulatov đã lập luận rằng phiên tòa cho đến nay là không công bằng và không được kiểm tra thích đáng.

Các nạn nhân muốn gì?

Van De Moosdijk cho biết gia đình của các nạn nhân đã chờ đợi 8 năm để có được phán quyết của tòa án và phán quyết ngày 17/11 có thể mang lại niềm an ủi cho nhiều người.

"Chúng tôi đã gặp gỡ gia đình các nạn nhân ngay từ đầu vụ án và ưu tiên chia sẻ những phát hiện của chúng tôi từ cuộc điều tra, đồng thời cho họ biết về cách hệ thống pháp lý của Hà Lan", ông nói với Al Jazeera.

"Mặc dù nhiều người trong số họ biết rằng các nghi phạm đang ở ngoài vòng pháp luật, nhưng các gia đình thấy điều quan trọng là tòa án phải xác định những gì đã xảy ra và buộc tội phải chịu trách nhiệm."

Gia đình của các nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ tập trung tại tòa án an ninh cao gần sân bay Schiphol của Amsterdam, nơi chuyến bay cất cánh, để nghe các thẩm phán Hà Lan đưa ra phán quyết.

Đối với những người không thể có mặt, tòa án đã đảm bảo rằng phán quyết sẽ được đưa ra bằng tiếng Hà Lan, được phát trực tiếp và dịch sang tiếng Anh.

Hơn nữa, nếu các nghi phạm bị kết tội, tòa án dự kiến sẽ công bố mức bồi thường cuối cùng áp dụng cho gia đình nạn nhân.

Van De Moosijk cho biết số tiền này có thể từ 30.000 đến 40.000 euro (31.000 đến 41.500 USD), nhưng luật sư của các nạn nhân đã yêu cầu số tiền cao hơn.

Phán quyết của tòa án Hà Lan về vụ MH17 được đưa ra vào thời điểm căng thẳng, khi Ukraine tiếp tục chiến đấu với cuộc tấn công của Nga.

Howlett chỉ ra rằng trong khi phần lớn cuộc thảo luận về phán quyết là liệu các nghi phạm có bị bỏ tù hay liệu Nga có phải chịu trách nhiệm hay không, thì thực tế là một cuộc điều tra pháp lý đã được thực hiện ngay từ đầu là rất quan trọng.

Nhiều quốc gia như Hà Lan, Úc, Malaysia và các quốc gia khác đã tham gia điều tra vụ án và phiên tòa xét xử diễn ra thực sự quan trọng. Việc các quốc gia bên ngoài thực sự trải qua các quá trình này để xét xử những cá nhân này cũng cho thấy phương Tây quan tâm đến Ukraine và họ đang ủng hộ họ trong cuộc chiến chống lại Nga", bà nói.

Theo Howlett và Van De Moosdijk, 8 năm sau, vụ MH17 có nhiều bài học quan trọng hơn.

"Việc đưa ra phán quyết này rất quan trọng đối với những cá nhân đã thiệt mạng cũng như đối với gia đình và quốc gia của họ đang chờ đợi công lý. Nhưng nó cũng là một bài học cho phương Tây về tầm quan trọng của việc có thể tự do điều tra vụ án này. Đây là điều mà người Ukraine và những người khác từng phạm tội đang đấu tranh cơ bản vào lúc này", Howlett nói với Al Jazeera.

Van De Moosdijk cho biết: "Năm quốc gia hợp tác hợp pháp trong việc điều tra một vụ án có thể là một thách thức. Nhưng đã có sự hợp tác tốt với mọi bằng chứng được xác thực nhiều lần và kỹ lưỡng.

"Trong quá trình theo đuổi sự thật, điều quan trọng cần nhớ là quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian với các cuộc điều tra kỹ lưỡng. Nhưng cuối cùng, quá trình lâu dài này không chỉ quan trọng đối với các nạn nhân mà còn đối với toàn xã hội của chúng ta".

Adblock test (Why?)