"Chúng tôi đang cố gắng làm việc cùng các đối tác để thể hiện quan điểm rõ ràng đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine", một phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của EU nói với giới truyền thông. Ông cũng nói thêm rằng: "Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ khuyến khích họ không gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hoặc bất kỳ ai dẫn đầu phái đoàn Nga, đồng thời kêu gọi mọi người đi ra ngoài khi Nga phát biểu".
Người phát ngôn lưu ý Vương quốc Anh "không quan tâm đến việc phối hợp với EU về chính sách đối ngoại nói chung nhưng riêng về vấn đề này, chúng tôi có cùng mục tiêu".
Một nguồn tin từ Điện Elysee nói rằng hội nghị thượng đỉnh lần này "sẽ không diễn ra như thường lệ".
"Đây là một cơ hội để gửi một thông điệp hòa bình", nguồn tin cho biết thêm rằng "sẽ có một liên minh và Nga sẽ bị cô lập".
Một nguồn tin khác của EU nói rằng "việc đối đầu trực tiếp với Nga là rất tốt và Ngoại trưởng Lavrov sẽ hiểu rằng Nga bị cô lập như thế nào".
Báo cáo cho biết, các nước châu Âu sẽ "nói rõ" với Nga rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào đều phải được tổ chức dựa trên các điều kiện mà Ukraine có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng lo ngại rằng Bắc Kinh và Moscow có thể hợp tác với nhau, nguồn tin của EU nói với truyền thông.
Theo báo cáo, Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh thông qua hình thức trực tuyến và sẽ phát biểu trước hội đồng về tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Indonesia, hiện đang chủ trì G20, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Bali vào ngày 15-16/11. Hôm 9/11, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh, và phái đoàn Nga sẽ do Ngoại trưởng Lavrov đứng đầu.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Nga tại Indonesia Alexander Tumaikin hôm 9/11 cho biết ông Putin có thể tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 thông qua hình thức trực tuyến và vấn đề đang được xem xét.
Đăng nhận xét