Hỗ trợ các doanh nghiệp Ý
Nước Ý từ lâu được biết đến với những di sản văn hóa lâu đời, với việc khởi đầu các xu hướng thời trang toàn cầu, một trung tâm thiết kế của thế giới kết hợp giữa nét đẹp truyền thống và sự mới lạ, di sản bất hủ của truyền thống ẩm thực và chất lượng xuất sắc của nông sản địa phương, nhưng cũng được biết đến là đất nước xuất khẩu công nghệ hàng đầu, là nơi có ngành công nghiệp ô tô và hàng hải tiên tiến…
Nhưng xuất sắc và chất lượng là chưa đủ, mà người Ý đã nỗ lực quảng bá các dịch vụ và sản phẩm chất lượng đó ra thế giới trong một chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia bài bản, công phu mang tên "Đất nước Ý - phi thường từ những điều giản dị: beIT."
Chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia này khởi động từ tháng 10/2021 do Bộ Ngoại giao Ý, phối hợp cùng Thương vụ Ý cùng phát động tại 26 thị trường nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam.
Được khởi động từ khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và nhằm sẵn sàng thúc đẩy việc phục hồi kinh tế, chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia của Ý hướng tới hai mục tiêu chính: Đẩy mạnh xuất khẩu của Italia thông qua việc giới thiệu về những thế mạnh và tiềm năng một cách đầy bản sắc và sáng tạo; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Italia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng và đa dạng hóa thị trường nước ngoài.
"Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia này trong bối cảnh toàn cầu hóa" - Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro cho biết. "Điều này đặc biệt đúng với một quốc gia như Italy, vốn không dồi dào tài nguyên thiên nhiên nhưng đạt được sự thịnh vượng nhờ khả năng sáng tạo, đổi mới và xúc tiến thương mại, luôn vươn tới chất lượng và sự hoàn hảo".
Top 10 thương hiệu quốc gia
Sau một năm thực hiện chiến dịch beIT, người ta biết đến những dấu án đậm nét của nước Ý với các di sản văn hóa, lịch sử, cũng như những sản phẩm dịch vụ chất lượng toàn cầu. Các sản phẩm Made in Italy đó được truyền cảm hứng bởi các giá trị rất Ý: Sáng tạo, đam mê, di sản, phong cách, đổi mới và đa dạng.
Trong giai đoạn thứ 2, chiến dịch này tập trung quảng bá 9 lĩnh vực thế mạnh: Cơ sở hạ tầng và năng lượng bền vững; công nghiệp ô tô và hàng hải; máy móc, tự động hóa và linh kiện; thời trang, hàng xa xỉ và phong cách sống; thiết kế, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; công nghệ hàng không vũ trụ và an ninh tiên tiến; văn hóa và giải trí; thực phẩm nông nghiệp.
Đại sứ Alessandro cho biết, chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia của Ý rất thành công khi tạo nên được những hình ảnh sinh động, hấp dẫn, sử dụng hình thức quảng cáo mới lạ và sáng tạo, chẳng hạn như taxi tại New York, tàu điện ngầm tại Seoul hoặc các bức tường của khu phố tài chính ở Tokyo, khiến cho các sản phẩm đến từ Ý ngày càng nổi tiếng và được ưa chuộng.
"Với lịch sử, văn hóa, giá trị, kỹ năng, sản phẩm và rất nhiều những thành tựu, Italy luôn vinh dự có mặt trong top 10 thương hiệu quốc gia hùng mạnh nhất" - Đại sứ nói.
Sự tương đồng với Việt Nam
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19, xuất khẩu của tất cả các quốc gia suy giảm, thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia càng trở nên quan trọng. "Đây cũng là một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam và xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng cao với vị trí toàn cầu đứng khoảng thứ 30".
Theo Đại sứ, việc xây dựng thương hiệu quốc gia là điều mà Việt Nam đã và đang chú trọng, và Việt Nam có thể dựa trên những điểm mạnh của mình về lịch sử, các thành tựu, các giá trị, việc thể hiện mình.
Đại sứ Alessandro cho biết, ở Ý, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được đánh giá rất cao, đây là điều Việt Nam có thể phát triển thêm.
Ý là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam ở EU. Ngược lại, Việt Nam đối tác thương mại lớn nhất của Ý tại khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, chiến dịch beIT đã được giới thiệu với một loạt sự kiện trong năm qua như triển lãm ẩm thực và đồ uống, tuần lễ thời trang Ý, ra mắt siêu xe Ferrari và mới nhất là Tuần lễ ẩm thực Ý 2022 tại Việt Nam từ 14-20/11 tại Hà Nội.
Đăng nhận xét