Phát biểu khi ký đạo luật tại Nhà Trắng, ông Biden thề sẽ tiếp tục trang bị vũ khí cho người Ukraine "trong cuộc chiến bảo vệ đất nước và nền dân chủ của họ". Ông nói thêm rằng "cái giá phải trả của cuộc chiến không hề rẻ nhưng xứng đáng".
Đạo luật được Quốc hội thông qua vào tháng trước với 417-10 phiếu thuận ở Hạ viện và không có bất cứ phản đối nào ở Thượng viện. Đạo luật sẽ loại bỏ giới hạn về số lượng vũ khí và các vật tư quân sự khác mà ông Biden có thể gửi tới Ukraine hoặc các nước Đông Âu, tuy nhiên theo quy định Kiev sẽ phải trả cho những thứ họ nhận được.
Vũ khí được gửi theo đạo luật này tách biệt với khoản viện trợ quân sự gần 4 tỷ USD mà Mỹ đã gửi cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, cũng như khoản viện trợ quân sự trị giá 33 tỷ USD mà tổng thống gần đây đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt.
Đạo luật Cho vay - Cho thuê ban đầu được Tổng thống Franklin Delano Roosevelt ban hành vào tháng 3/1941 - chín tháng trước khi Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai - và lên tới 50,1 tỷ đô la (khoảng 980 tỷ đô la năm 2022) vào tháng 9/1945. Mặc dù các nước Đồng minh, bao gồm cả Liên Xô, được yêu cầu chi trả cho khoản viện trợ này, nhưng sau đó Mỹ cũng chấp nhận thay thế bằng các hợp đồng thuê căn cứ.
Khả năng Kiev trả nợ cho Mỹ hiện làm dấy lên nhiều nghi ngờ, vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây thậm chí còn yêu cầu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chi 7 tỷ USD mỗi tháng chỉ để giữ cho đất nước của ông phát triển.
Việc ông Biden chọn ngày 9/5 để ký kết đạo luật thời Thế chiến thứ hai có thể là có chủ ý, vì đây là 'Ngày Chiến thắng' ở Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ, kỷ niệm chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ông Biden đề cập đến thất bại của Đức Quốc xã trong lễ ký kết hôm 9/5, nhưng không đề cập đến Ngày Chiến thắng.
Việc ký kết đạo luật được Kiev hoan nghênh, ông Zelensky tuyên bố đây là một "bước đi lịch sử" sẽ giúp Ukraine và Mỹ "cùng nhau giành chiến thắng một lần nữa… như 77 năm trước".
Đăng nhận xét