Các nhà hoạch định của NATO đang cập nhật chương trình "chia sẻ hạt nhân" của Mỹ để chuẩn bị cho việc hầu hết các đồng minh châu Âu sẽ mua máy bay chiến đấu F-35, giám đốc chính sách hạt nhân của liên minh cho biết trong tuần này.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Lockheed Martin đã được nhiều đồng minh của Mỹ, gần đây nhất là Đức, chấp nhận.
Jessica Cox, giám đốc ban chính sách hạt nhân của NATO ở Brussels, cho biết trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Trung tâm Liên minh Vũ khí Hạt nhân Tiên tiến (ANWA DC) tổ chức hôm 13/4: "Chúng tôi đang tiến hành nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa F-35 và kết hợp những cải tiến này vào kế hoạch của chúng tôi".
Bà nói thêm rằng: "Vào cuối thập kỷ này, có thể nói hầu hết tất cả các đồng minh của chúng tôi sẽ chuyển đổi sang F-35".
Phát biểu của bà được đưa ra một tháng sau khi Berlin cho biết Đức sẽ thay thế các máy bay phản lực Tornado cũ của họ bằng F-35, cam kết mua tới ba chục chiếc và đặc biệt trích dẫn sứ mệnh chia sẻ hạt nhân là yếu tố quan trọng trong quyết định của nước này/
Bà Cox cho biết các đồng minh NATO khác hiện đang vận hành F-35, chẳng hạn như Ba Lan, Đan Mạch hoặc Na Uy, có thể yêu cầu hỗ trợ các sứ mệnh chia sẻ hạt nhân trong tương lai, đồng thời nói thêm rằng NATO "cũng sẽ có một số lợi thế hoạt động với F-35, từ đó mang lại cơ hội để tăng cường kết nối và tích hợp trong toàn lực lượng".
Ngoài Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sở hữu ước tính khoảng 150 vũ khí hạt nhân của Mỹ - chủ yếu là bom trọng lực B-61, dự định được triển khai bởi các máy bay ném bom chiến đấu nhỏ hơn như Tornado hoặc F-16 - theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Chatham House của Anh.
Phần Lan và Thụy Điển gần đây đã lên tiếng muốn gia nhập NATO, và Helsinki tuyên bố sẽ mua khoảng 60 chiếc F-35 vào đầu tháng Hai. Nga đã đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ bố trí lại một số lực lượng răn đe hạt nhân phù hợp.
Mỹ lần đầu tiên triển khai bom hạt nhân của mình ở châu Âu vào những năm 1960. Việc kết thúc chương trình này nằm trong danh sách các yêu cầu an ninh mà Moscow đưa ra với Mỹ và NATO vào tháng 12/2021, nhưng đã bị từ chối vào tháng 1/2022 - một tháng trước khi leo thang căng thẳng ở Ukraine.
F-35 ban đầu được đề xuất là một thiết kế mô-đun tiết kiệm chi phí có thể thay thế nhiều mẫu máy bay cũ hơn đang phục vụ cho Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Trên thực tế, mẫu máy bay này đã biến thành ba thiết kế riêng biệt với chi phí dự án trọn đời hơn 1,7 nghìn tỷ USD, chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.
Ngoài vấn đề giá cả, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm cũng vướng phải các vấn đề về hiệu suất, đến mức tổng tham mưu trưởng mới của Không quân Mỹ đã yêu cầu nghiên cứu một loại máy bay khác vào tháng 2/2021.
Đăng nhận xét