Theo Washington Post, cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 50 nhưng triển vọng xung đột sẽ sớm kết thúc không mấy lạc quan khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 bên vẫn đình trệ.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra một cuộc di cư ồ ạt, và có thể được xem là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Những hình ảnh từ bên trong Ukraine cho thấy, pháo kích, không kích và các cuộc giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Nga và Ukaine đã tàn phá và hủy hoại đáng kể nhiều thành phố và làng mạc từng xinh đẹp và sầm uất.
Theo Washington Post, cuộc xung đột Nga-Ukraine được cho là cũng buộc các quốc gia phải suy nghĩ lại về chính sách trung lập và tị nạn, đồng thời có nguy cơ gây mất ổn định nền kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là cách thế giới thay đổi vì cuộc chiến ở Ukraine trong 50 ngày qua.
Người tị nạn Ukraine được chào đón nồng nhiệt
Ước tính, hơn 4,6 triệu người Ukraine đã bị buộc rời khỏi đất nước của họ. Trong đó nhiều người chạy sang các quốc gia láng giềng như Ba Lan và Romania - 2 nước vốn trước đó không phải là nơi chính phủ "trải thảm đỏ" đón người tị nạn.
Nhưng để thích ứng với dòng người tị nạn từ Ukraine này, các nhà lãnh đạo châu Âu bất ngờ thiết lập và đi đến sự đồng thuận lớn về chính trị để hợp lý hóa quy trình xin tị nạn sao cho quy trình được tiến hành nhanh nhất, dễ dàng và tiện lợi nhất cho người tị nạn.
Thậm chí, ngay cả Nhật Bản cũng đã tiếp nhận hàng chục người Ukraine phải di tản - một động thái đáng chú ý của một quốc gia mà từ trước đến nay vốn không chào đón những người xin tị nạn. Tính đến đầu tháng 4, Tokyo đã đón hơn 400 người tị nạn Ukraine tới nước này.
Sự chào đón nồng nhiệt dành cho những người tị nạn Ukraine đã khiến nhiều người phải so sánh, chẳng hạn, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây gây chú ý khi nói rằng người tị nạn ở các quốc gia như Ethiopia và Yemen nhận được “chỉ một phần nhỏ” sự quan tâm mà người tị nạn Ukraine nhận được.
Sự suy xét lại về quy tắc không liên kết chính trị
Một số quốc gia vốn theo truyền thống trung lập về chính trị hoặc có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nhà tài phiệt Nga đã lần đầu tiên tham gia "cuộc chiến" tài chính do phương Tây dẫn đầu nhắm vào Nga sau khi nước này đưa quân tới Ukraine.
Theo đó, Thụy Sĩ tuyên bố sẽ cùng Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow - động thái phản ánh Thụy Sĩ đã từ bỏ thái độ trung lập lâu đời của nước này. Monaco, "sân chơi" dành cho giới thượng lưu giàu có của Nga, cũng có động thái đóng băng tài sản của các nhà tài phiệt Nga theo lệnh trừng phạt của EU.
Tương tự, Singapore đã thực hiện một động thái "gần như chưa từng có tiền lệ" để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia mà không cần có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các biện pháp trừng phạt được cho là đang phát huy tác dụng. Bất chấp tiền tệ của Nga đã phục hồi sau thời gian mất giá sâu, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng nền kinh tế Nga có thể giảm 11,2% trong năm nay.
Các công ty, doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rút khỏi Nga
Dưới áp lực của chính phủ và người tiêu dùng trong nước, hàng loạt các công ty và tổ chức lớn đã phải đình chỉ hoặc rút các hoạt động kinh doanh khỏi Nga, khiến người dân Nga không được tiếp cận với nhiều mặt hàng tiêu dùng phương Tây.
Nhiều sự kiện thể thao quốc tế và các tổ chức văn hóa nổi bật cũng cắt quan hệ với những người tham gia là người Nga. Thậm chí những tác phẩm văn hoá biểu tượng của Nga cũng bị rút khỏi nhiều chương trình biểu diễn, chương trình văn hoá của phương Tây. Việc chính trị hoá các hoạt động văn hoá thể thao liên quan đến Nga dẫn đến sự nghi ngờ lớn về những giá trị nhân văn vẫn được thể hiện lâu nay.
Sự bùng nổ trong chi tiêu quốc phòng của Đức
Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một thành viên NATO có ảnh hưởng, Đức từ lâu vẫn cẩn trọng trong việc sử dụng ảnh hưởng của mình trên trường thế giới. Sau Chiến tranh Lạnh, Berlin cũng phát triển mối quan hệ kinh tế và năng lượng chặt chẽ với Moscow.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã buộc Đức phải đảo ngược hướng đi. Vào cuối tháng Hai, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng chính phủ của ông sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Đức cũng chấp nhận chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Bên cạnh các cam kết chi tiêu dài hạn, quân đội Đức cũng sẽ có ngân khố được bơm đầy với gói ngân sách lên tới 110 tỷ USD, nhiều gấp đôi so với ngân sách quốc phòng của nước này vào năm ngoái.
Mối đe dọa đối với sinh kế toàn cầu
Trước xung đột, Ukraine là nước xuất khẩu ngô và lúa mì lớn thứ 4 thế giới. Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng là nhà cung cấp phân bón hàng đầu. Nhưng cuộc xung đột kéo dài đã làm tăng giá hàng hóa trên toàn cầu, gây nguy hiểm cho an ninh lương thực và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở châu Phi lẫn Trung Đông.
Chương trình Lương thực Thế giới cho biết 41 triệu người ở Tây và Trung Phi có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng trong năm nay. Khu vực này đang phải gánh mức giá cả leo thang cao nhất trong một thập kỷ đối với các sản phẩm như ngũ cốc, dầu và phân bón.
Cuộc chiến còn gây ra tình trạng hoảng loạn tích trữ thực phẩm cơ bản ở các nước như Ai Cập, Syria và Lebanon vốn phụ thuộc vào nhập khẩu của Ukraine và Nga.
Hôm thứ Ba, Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo tăng trưởng năm nay giảm xuống chỉ còn 2,8% so với mức dự báo 4,1% trước xung đột và nhấn mạnh, cuộc chiến ở Ukraine đã giáng một “"đòn nặng” vào nền kinh tế thế giới. Và cuộc chiến càng kéo dài, các chuyên gia dự đoán thiệt hại sẽ càng tăng lên.
Đăng nhận xét