Lầu Năm Góc: Mỹ sẽ đi đến "cùng trời cuối đất" để giúp Ukraine

Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Lầu Năm Góc: Mỹ sẽ đi đến "cùng trời cuối đất" để giúp Ukraine - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ "đi đến cùng trời cuối đất" để tìm kiếm những trang thiết bị quân sự hay vũ khí mà Ukraine cần. Thông báo được đưa ra hôm 26/4 tại một cuộc họp gồm 40 quốc gia nhằm thu hút các đồng minh của Washington tham gia sứ mệnh hỗ trợ lực lượng phòng thủ của Kiev.

Được Mỹ triệu tập tại căn cứ không quân Ramstein của Đức, mục đích chính thức của cuộc họp là "giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại chiến dịch của Nga và xây dựng khả năng phòng thủ của Ukraine trước những thách thức trong tương lai", theo lời của ông Austin. "Ukraine tin tưởng rõ ràng rằng họ có thể giành chiến thắng và tất cả mọi người ở đây cũng vậy", ông tiếp tục phát biểu trước nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ.

Ông Austin cho biết Washington, với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất của Kiev, sẽ "tiếp tục vận động" để đáp ứng nhu cầu của chính phủ Ukraine, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác làm theo.

Đức trước đây từng viện cớ khan hiếm trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên trong cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lamprecht khẳng định Berlin sẽ gửi xe tăng phòng không Gepard đến cho quân đội Ukraine.

Bà cam kết: "Phía Ukraine đặt hàng và chúng tôi sẽ trả tiền".

Pháp cung cấp pháo Caesar, có tầm bắn lên tới 40km, trong khi Anh cung cấp tên lửa và xe tăng Starstreak. Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng của riêng mình, trang bị cho Kiev các loại xe tăng và xe bọc thép.

Ông Austin khẳng định các quốc gia có mặt sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ. "Ukraine cần sự giúp đỡ của chúng ta để giành chiến thắng ngày hôm nay và họ vẫn sẽ cần sự giúp đỡ của chúng ta cho đến khi chiến sự kết thúc", ông nói. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đất nước của ông cần 7 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp cho những "thiệt hại kinh tế" được cho là do cuộc tấn công của Nga gây ra. Ông cũng yêu cầu một khoản tiền khổng lồ khoảng 50 tỷ USD từ các nước G7, với lý do nhu cầu tài chính ngày càng leo thang đối với chính phủ của ông. 

Mỹ đã gửi hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine chỉ trong năm nay.

Hơn 3/4 người dân Mỹ ủng hộ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine

73% người Mỹ ủng hộ nước này tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, con số cao nhất kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng vào tháng 2/2022, theo một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos hoàn thành hôm 26/4.

Một cuộc thăm dò trước đó của Reuters / Ipsos, được tiến hành vào cuối tháng 3/2022 trước sự kiện thường dân bị giết hại ở phía bắc Kiev, cho thấy 68% số người được hỏi ủng hộ vận chuyển vũ khí tới Ukraine.

Trong bối cảnh cuộc xung đột hiện đã bước sang tháng thứ ba, cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ đánh giá phản ứng của Tổng thống Joe Biden đối với cuộc khủng hoảng Ukraine cao hơn so với khi ông xử lý các vấn đề khác bao gồm kinh tế và giá năng lượng tăng cao. 

Khoảng 46% người Mỹ - bao gồm 70% đảng viên Dân chủ và 24% đảng viên đảng Cộng hòa - tán thành quan điểm của Biden đối với Ukraine, theo cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden trong việc bình ổn nền kinh tế đạt 37%. Đối với giá nhiên liệu và khí đốt, ông Biden chỉ nhận được 32% ủng hộ.

Một cuộc thăm dò riêng của Reuters / Ipsos cũng hoàn thành hôm 26/4 cho thấy chỉ 42% người Mỹ tán thành hiệu suất tổng thể của ông Biden với tư cách là tổng thống, gần mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Các cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến, bằng tiếng Anh và trên toàn nước Mỹ. Mỗi câu trả lời thu thập từ 1.005 người lớn và có khoảng tin cậy, các thước đo độ chính xác, khoảng 4 điểm phần trăm.

Adblock test (Why?)