Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. RS-28 Sarmat, được đặt biệt danh là "Satan-2", là một trong sáu vũ khí chiến lược mới của Nga và lần đầu tiên được Tổng thống Putin tiết lộ vào năm 2018.
Với sự xuất hiện của loại tên lửa này, nhiều người tự hỏi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có hiệu quả đến đâu và nó có thể bảo vệ Washington cùng NATO trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hay không.
Mỹ bắt đầu Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược trong Chiến tranh Lạnh, khi lo ngại về một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đang ở mức đỉnh điểm. Quân đội Mỹ đã chi hơn 200 tỷ USD trong suốt 4 thập kỷ sau đó để phát triển các hệ thống có khả năng nhắm mục tiêu tên lửa đang bay tới.
Theo văn phòng thử nghiệm độc lập của Bộ Quốc phòng Mỹ, các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đã được chứng minh là đủ khả năng để bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Hệ thống bao gồm các thành phần chính sau đây:
Tên lửa đánh chặn trên mặt đất
Phòng thủ trên mặt đất là yếu tố quan trọng nếu muốn bảo vệ đất nước. Hệ thống phòng thủ bằng cách đánh chặn các tên lửa bay tới trong không gian.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ khẳng định hệ thống này đã 11 lần đánh chặn thành công trong 19 lần thử nghiệm.
Mỹ có ít nhất 44 tên lửa đánh chặn trên mặt đất được triển khai trên khắp đất nước.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis
Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa được đặt trên các tàu chiến của Hải quân Mỹ, tuy nhiên, nó cũng có thể thích ứng với các hệ thống trên bộ.
Hệ thống này bao gồm Tên lửa tiêu chuẩn RIM-161-3 (SM-3), Tên lửa tiêu chuẩn RIM-174-6 (SM-6) và hệ thống chiến đấu Aegis.
Được coi là hệ thống chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, Aegis hoạt động hiệu quả với các tàu tuần dương và tàu khu trục của Hải quân. Nó sử dụng các máy tính và radar hiện đại để theo dõi và hướng vũ khí về phía mục tiêu của kẻ thù.
Gần đây nhất, Mỹ đã đặt một hợp đồng trị giá 92,5 triệu USD để sản xuất hệ thống radar và phòng không Aegis cho Hải quân.
Các hệ thống mới dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối 2022 và sẽ được trang bị radar AN/SPY-1, hệ thống điều khiển hỏa lực MK 99, bộ điều khiển, chỉ huy và quyết định vũ khí, cùng với nhiều loại tên lửa tầm xa khác nhau.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)
THAAD sử dụng tên lửa đánh chặn trên mặt đất để chống lại tên lửa đang bay tới ở phần trên của khí quyển, thậm chí bên ngoài khí quyển.
Đến tháng 4/2019, hệ thống đã đánh chặn thành công 15 tên lửa bay tới trong các cuộc thử nghiệm.
Mỹ có 7 khẩu đội THAAD, 3 trong số đó được triển khai để bảo vệ chống lại các mục tiêu đến từ Thái Bình Dương.
Tập đoàn vũ khí khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 74 triệu USD để chế tạo thêm tên lửa THAAD cho Mỹ, sau khi nhận được hợp đồng Aegis vào tháng trước.
Mỹ cũng đang phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đường không, có khả năng nhắm mục tiêu vào các tên lửa ngay từ khi chúng đang ở giai đoạn chuẩn bị phóng.
Đăng nhận xét