Nguyễn Ngọc Thạch, từ một chàng trai hằng ngày phải chạy Grap kiếm sống, trong chuyến đi miền Tây về quê vợ, Thạch được tham quan trang trại nuôi dế của một người quen.
Qua tìm hiểu, nhận thấy con dế dễ nuôi, Thạch đem về nhà nuôi thử để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Cảm nhận con dế là tương lai của mình, anh đã không ngần ngại bỏ công việc hiện tại, quyết lập nghiệp bằng nghề nuôi dế.
Cuối tháng 11/2019, Thạch đầu tư vào cơ sở nuôi dế tại quê hương với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Ban đầu, Thạch đầu tư nuôi thử 2 chuồng, mỗi chuồng có diện tích 1x3m.
"Với 2 bịch trứng dế (giống dế Thái) được mua với giá 500.000 đồng. Mình bắt đầu tiến hành nuôi dế. Thời gian đầu bắt đầu nuôi, dế bỗng chết hàng loạt, mình phải gọi điện thoại nhờ các anh đã có kinh nghiệm chỉ bảo, rồi lên mạng tìm tòi thêm..."
Theo anh Thạch, sau khi nắm được quy trình, kỹ thuật nuôi dế, cũng như những điều cần lưu ý, nhận thấy dế rất dễ nuôi, tăng đàn nhanh, phát triển mạnh. Thế là anh bắt đầu chỉnh trang chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi để tăng đàn.
Ngay sau lứa nuôi thử nghiệm đầu tiên, từ 2 chuồng Thạch đã mạnh dạn nhân rộng lên 10 chuồng, cho đến hiện tại đã là 17 chuồng nuôi dế.
Theo Thạch, thời gian sinh trưởng của dế rất ngắn. Từ lúc nở con đến lúc trưởng thành chỉ mất 40 – 50 ngày tuổi là có thể xuất chuồng, 60 ngày bắt đầu đẻ. Thịt dế ngon nhất là dế sữa độ 40 – 50 ngày tuổi. Bình quân mỗi chuồng sẽ cho thu hoạch khoảng 15 -20 kg dế thương phẩm.
"Ngoài công dụng dùng để ăn, loại dế này còn dùng để làm mồi nuôi chim, gà, cá kiểng và làm mồi câu cá. Giá bán hiện tại là 170.000 đồng/kg. Tính ra mỗi chuồng, gia đình mình thu về 3 triệu đồng. 17 chuồng, ước tính thu về khoảng 50 triệu đồng", Thạch nhẩm tính.
"Tuy dế là loài dễ nuôi, ít bệnh nhưng có sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất, nên mình đặc biệt chú ý tới môi trường sống của dế. Mình đã tự tay tạo ra những chuồng nuôi thoáng mát giúp dế sinh trưởng nhanh, chóng lớn. Ngoài ra, mình cũng tận dụng thức ăn có trong nhà, địa phương như lá sắn, bí đỏ…làm thức ăn cho dế", anh Thạch lưu ý thêm.
Với người dân tại Hòa Qúy, Thạch là một người dễ mến, tốt bụng. Rất nhiều người đến tham quan, học nuôi, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
Thạch chia sẻ, nuôi dế cũng không tốn nhiều diện tích, và không ô nhiễm môi trường. Người nuôi cần lưu ý là thức ăn cho dế phải sạch, không nên dính nước. Nếu thuận lợi, sinh trưởng tốt thì sau khoảng 45 ngày có thể thu hoạch, vào mùa đông thì thời gian nuôi có thể sẽ kéo dài hơn. Trước khi thu hoạch vài ngày, người nuôi nên dừng cho dế ăn để làm sạch ổ bụng.
Tuy nhiên, theo Thạch, dù việc nuôi dế đã dần ổn định nhưng anh vẫn còn lo lắng khi vấn đề đầu ra còn gặp nhiều khó khăn.
"Hiện tại, khách mua dế chủ yếu là người dân địa phương, mình đã đi chào hàng tại nhiều quán ăn, quán nhậu và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hi vọng, có đầu ra ổn định, mình sẽ yên tâm mở rộng mô hình hơn", Thạch cho hay.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Huỳnh Ngọc Hoan - Chủ tịch Hội Nông dân quận Ngũ Hành Sơn đánh giá cao mô hình của anh Thạch.
"Đây là mô hình thân thiện với môi trường, tạo nguồn thực phẩm và nguyên liệu sạch. Hội Nông dân quận cũng tích cực tuyên truyền, đơn cử như giới thiệu gian hàng tại phiên chợ. Trong thời gian đến, Hội Nông dân quận sẽ tuyên truyền và đồng hành với anh Thạch để tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm", Chủ tịch Hội Nông dân quận Ngũ Hành Sơn thông tin.
Đăng nhận xét