Người dân Đất Mũi điêu đứng do hạn hán

Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, nhiều nông dân ở Cà Mau đã lâm cảnh túng quẫn, đời sống gặp nhiều khó khăn do tác động kép của thiên tai và dịch bệnh.

Rau màu khô cháy, con tôm không lớn

Cà Mau là địa phương duy nhất vùng ĐBSCL không được tiếp cận nguồn nước từ dòng Mekong, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời để sinh hoạt và sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Từ đó, những tác động từ hạn hán đến hoạt động canh tác lúa, màu của nông dân là rất lớn.

Do tình hình hạn hán, mùa khô 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt hơn đã gây ra nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hạn hán đã làm cho các kênh, rạch khô cạn, mất phản áp nước gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên 1.600 điểm, vị trí trên tuyến đê biển Tây và nhiều tuyến đường giao thông với chiều dài trên 25,3km.

Kỳ 2: Người dân Đất Mũi điêu đứng do hạn hán - Ảnh 1.

Diện tích dưa leo của gia đình anh Quách Văn Phương bị ảnh hưởng năng suất do thiếu nước tưới. C.L

Dẫn chúng tôi đi xem những luống rau màu bị thiệt hại hoàn toàn do hạn hán, anh Quách Văn Phương (ngụ ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ngao ngán: "Toàn bộ diện tích rau màu của gia đình tôi đã bị thiệt hại và ảnh hưởng, trong đó gần 1ha dưa hấu bị thiệt hại trắng. Nếu tính tổng số tiền đầu tư cho rẫy dưa leo, dưa hấu, gia đình tôi thiệt hại gần 70 triệu đồng".

"Trồng màu là thu nhập chính của gia đình tôi với 3 nhân khẩu. Chưa bao giờ tôi thấy nắng hạn khốc liệt và kéo dài như năm nay. Đối với người trồng màu, nước tưới rất quan trọng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thu nhập của gia đình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi vụ rau màu tiếp theo vẫn chưa xuống giống được" - anh Phương chia sẻ thêm.

Tình cảnh gia đình ông Đặng Văn Danh (ngụ cùng ấp 5, xã Trần Hợi) cũng không khá hơn là mấy. Toàn bộ diện tích màu hơn 2ha bị thiệt hại hơn 70%, có những diện tích bị thiệt hại trắng do hạn hán kéo dài.

Kỳ 2: Người dân Đất Mũi điêu đứng do hạn hán - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Lựa (vợ ông Đặng Văn Danh) bên những luống bí đỏ thiệt hại dần do nắng hạn. C.L

Không riêng những hộ trồng rau màu ở vùng ngọt Trần Văn Thời, tác động của hạn hán, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ nuôi tôm ở vùng mặn của tỉnh Cà Mau.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Hoàng Minh (ngụ ấp Bình Định, xã Tân Thành, TP.Cà Mau) xót xa: "Diện tích nuôi tôm công nghiệp của gia đình là 18.000m2 với 4 ao nuôi bị thiệt hại nặng nề do tình trạng nắng hạn kéo dài. Đầu mùa vụ, tôi thả nuôi 100.000 con giống tôm sú. Thời gian đầu tôm phát triển rất tốt, nhưng sau đó gặp nắng hạn con tôm không lớn, bị mềm vỏ và bỏ ăn, sau đó bị bệnh và thiệt hại gần như toàn bộ. Chỉ riêng tiền đầu tư đã lên đến hơn 100 triệu đồng".

Ngoài diện tích nuôi tôm công nghiệp, gia đình ông Minh còn có khoảng 2ha tôm nuôi theo hình thức quảng canh cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. "Nắng nóng khiến tôm không thể phát triển, thu nhập từ tôm gần như không có. Nhờ vào diện tích tôm nuôi quảng canh gia đình thu hoạch được một ít, nhưng lại gặp ngay dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ khó khăn, khiến giá tôm bị giảm đến 50%" - ông Minh cho hay.

Tác động của hạn hán, dịch bệnh khiến thu nhập gia ông Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 4 miệng ăn trong nhà phải nhờ vào số tiền của người con trai đi làm công nhân ở TP.HCM gửi về.

Theo nhiều nông dân nuôi tôm ở Cà Mau, nắng nóng kéo dài khiến người nuôi tôm, dù bằng hình thức nào, cũng gặp khó khăn. Nếu điều kiện nước trong ao nuôi, vuông tôm không đảm bảo thì con tôm không phát triển. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu liên tục tuột dốc, người nuôi phải chờ giá để thu hoạch hoặc xuống giống.

Khả năng tái nghèo cao vì tác động kép

Trước thực trạng thiên tai, hạn hán, dịch bệnh cùng lúc diễn ra, công tác giảm nghèo của địa phương đối diện với nhiều khó khăn. Trước đó, ngay đầu năm, Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau đã phối hợp với UBND các huyện thành phố rà soát phân tích khả năng thoát nghèo của các hộ nghèo. Kết quả có 52% hộ có khả năng thoát nghèo. Trên cơ sở phân tích, từng địa phương, đơn vị có giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ kinh phí đầu tư trực tiếp cho 930 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng; lĩnh vực nước sạch, y tế, giáo dục... cũng đã được các ngành chức năng triển khai hỗ trợ người dân từ các chương trình mục tiêu. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng.

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tác động của thiên tai, dich bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và công tác giảm nghèo của tỉnh.

Tính đến ngày 26/4, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 992 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, gần 5.000 lao động bị cho thôi việc (không ký hợp đồng lao động), 882 lao động bị ngừng việc; 1.882 lao động đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Có 6 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất, với trên 220 lao động.

(Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau)

Theo bà Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, hạn hán dẫn đến thiếu hụt nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con. Mặt khác, thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ, người già, trẻ em.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tác động lớn đến người dân, từ sinh hoạt, sản xuất và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Trước ảnh hưởng của dịch, Sở LĐTBXH đã tham mưu xây dựng kịch bản thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2020. Cụ thể, nếu tình hình dịch được kiểm soát trong tháng 5/2020, khả năng thoát nghèo sẽ đạt 0,45%/0,5% kế hoạch; nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9/2020, khả năng này là 0,2%/0,5%. Trên cơ sở dự báo có giải pháp đi kèm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu.

"Việc gia tăng hộ nghèo, cận nghèo trong bối cảnh chung hiện nay là vấn đề mà ngành đã quan tâm và xác định công tác giảm nghèo năm 2020 này sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm nay là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong 4 năm qua kết quả giảm nghèo của tỉnh đạt khá cao, bình quân mỗi năm giảm 1,86%, hiện nay còn 7.696 hộ, chiếm 2,52%. Tuy nhiên, đây là số hộ nghèo khó khăn nhất trong thực hiện các giải pháp giúp họ thoát nghèo" – bà Nguyễn Thu Tư cho biết.