Anh Ngô Đình Trọng là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, cha mẹ không may qua đời khi anh đang học lớp 12.
Cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng anh chị em thương yêu nhau, anh Trọng cũng được học hành đến nơi đến chốn.
"Cha mẹ mất, khiến cuộc sống của anh em chúng tôi đảo lộn. Khó khăn lắm anh chị mới có thể cho tôi học Đại học. Vào Đại học tôi phải làm thêm đủ nghề mới có tiền trang trải cuộc sống"- anh Trọng chia sẻ.
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh với tấm bằng cử nhân công nghệ sinh học, có mức lương ổn định ở TP Hồ Chí Minh, nhưng anh Ngô Đình Trọng trở về quê để lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Trọng cho biết: "Khi tôi có ý định về quê trồng nấm thì bạn bè và người thân ai cũng ngạc nhiên, kịch liệt phản đối. Nghĩ là làm, quê hương là nơi tôi sẽ quay về, biết khó khăn nhưng quyết tâm ắt sẽ thành công".
Từ mảnh vườn của gia đình khoảng 600m2, anh Trọng đã mạnh dạn vay 700 triệu đồng từ ngân hàng và người thân để xây dựng nhà sản xuất, lò hấp sấy, máy nghiền nguyên liệu, hệ thống phun sương.... trồng nấm nấm mèo và nấm bào ngư.
Nguyên liệu trồng nấm bao gồm: Giống nấm, mùn cưa keo, vôi và cám gạo. Mỗi năm nấm được trồng 3 vụ: Từ tháng 7 năm trước đến tháng 5 của năm sau. Mỗi vụ anh trồng khoảng 5.000 bịch gồm nấm mèo và bào ngư kéo dài 3 tháng.
Mỗi lứa nấm, trừ đi chi phí, anh còn lãi trên 40 triệu đồng. Tạo công việc thời vụ cho 5 lao động với thu nhập 150.000 – 160.000đồng/ngày.
Anh Trọng tâm sự: "Khó khăn nhất đối với tôi khi trồng nấm là tìm nguyên liệu sao cho chuẩn. Nguyên liệu tốt nhất để trồng nấm là gỗ keo mà ở đây không có, tôi phải nhập ở Hương Khê (Hà Tĩnh) về với giá 700.000đồng/tấn".
Theo anh Trọng, Hà Tĩnh là vùng có khí hậu khắc nghiệt, không phù hợp để trồng nấm, anh phải lắp dàn phun sương tự động làm mát, tăng độ ẩm không khí giúp cho nấm phát triển tốt.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Huy Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Thạch Bình, cho biết: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, anh Ngô Đình Trọng trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình trồng nấm. Bước đầu chưa được thuận lợi, nhưng với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm anh sẽ thành công trên chính mảnh đất quê hương là tấm gương cho thanh niên trong xã noi theo".
Đăng nhận xét