Giá nhà ở vẫn tăng sau dịch Covid-19: Bộ Xây dựng lý giải gì?

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh, giá bán nhà ở trên thị trường vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư tăng 1,02%; nhà ở riêng lẻ tăng 3,82%; còn tại TP.HCM: giá bán căn hộ tăng 3,5%; nhà ở riêng lẻ tăng 8,36%. "Giá nhà ở phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Cầu tăng cung giảm thì giá sẽ tăng. Cung tăng cầu giảm, giá sẽ giảm", ông Ninh nói.

Cũng theo ông Ninh, vừa qua thị trường nhà ở giao dịch sụt giảm rất nhiều do đại dịch, tuy nhiên nhà không giảm mà còn tăng vì nhu cầu ở thực vẫn còn rất cao.

"Không phải do đại dịch Covid-19 mới giảm mà có "triệu chứng" từ trước. Một số các dự án bị tạm dừng, đình hoãn từ các năm trước, đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý", ông Ninh cho biết cần tháo gỡ khó khăn về thể chế để giải toả nút thắt về nguồn cung.

Giá nhà ở vẫn tăng sau dịch Covid-19: Bộ Xây dựng lý giải gì? - Ảnh 1.

Giá nhà ở sau dịch Covid -19 vẫn tăng. (ảnh T.K)

Để giải quyết nhu cầu nhà ở giá thấp cho người dân, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT).

"Trong thời điểm ảnh hưởng cao của đại dịch, Bộ Xây dựng đã có nhiều đề xuất báo cáo với Chính phủ về cơ chế khuyến khích nhà ở giá thấp, để cùng với chiến lược phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà thương mại giá thấp, đáp ứng nhu cầu của người dân" - ông Ninh nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, các cơ chế ưu đãi của nhà ở thương mại giá thấp không "mạnh" như nhà ở xã hội song việc tạo cơ chế về thủ tục, đất đai, nguồn vốn… có thể cải thiện được nguồn cung phân khúc này.

Ông Ninh cho biết, vừa qua có cả đề xuất về ưu đãi thuế, tuy nhiên vấn đề này phải có ý kiến của Quốc hội. Trong thẩm quyền của Chính phủ, dự thảo sẽ chỉ đề cập đến các vấn đề về thủ tục, đất đai...

"Khi chính thức có dự thảo, chúng tôi sẽ lấy ý kiến bộ ngành, địa phương để hoàn thiện", ông Ninh nói.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cung cấp tại cuộc họp báo, đến nay thị trường bất động sản vẫn tiếp tục có sự mất cân đối trong quan hệ cung – cầu bất động sản. Cụ thể, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa khoảng 70 – 100 triệu m2 sàn, nhưng lại đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm 20 – 30%, tùy từng địa phương, đô thị cụ thể, nhưng nhu cầu về phân khúc nhà hở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 – 80% thị trường.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện đang thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng hơn 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.