Cùng với dịch bệnh, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Nam, mưa đá ở miền núi phía Bắc khiến cho hàng triệu người dân (trong đó có người nghèo) phải điêu đứng, hứng chịu thiệt hại kép. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhiều khả năng tăng mạnh trong năm 2020. Bài toán này sẽ phải giải ra sao?
Dù dịch Covid -19 về cơ bản đã được kiểm soát nhưng những hậu quả từ dịch thì vẫn hiện hữu. Người nghèo, cận nghèo, lao động thu nhập thấp ở đô thị là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.
Hết dịch, vẫn không có thu nhập
Trong ngôi nhà cấp 4 cũ nát, ọp ẹp, bà Vy Thị Ngọc (phường cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và cô con gái khuyết tật đang phải hứng chịu cái đói đô thị. Bà Ngọc là một trong hàng trăm nghìn lao động tự do, không có hợp đồng, không có lương, bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập trong đợt giãn cách xã hội giữa tháng 4 vừa qua. Gia đình neo đơn, không nhà cửa, không nơi nương tựa nên bà cùng cô con gái khuyết tật nặng được phường tạo điều kiện cho ở nhờ trong ngồi nhà gỗ cũ, ọp ẹp ở tại hợp tác xã.
"Mẹ con tôi sống bằng nghề bán nước vỉa hè, thời gian bị giãn cách tôi đã không được bán nước. Thu nhập không có mẹ con rau cháo qua ngày, cũng may có chính quyền địa phương hỗ trợ tiền" - bà Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện phường còn 5 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo. Trước đó, năm 2019 phường có tới 41 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo. Tuy nhiên nhờ nỗ lực trong công tác giảm nghèo mà số hộ nghèo trên địa bàn phường đã giảm rõ rệt.
"Dịch Covid -19 đã tác động không nhỏ tới đời sống của người nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường. Tuy nhiên, nhờ huy động được các nguồn lực hỗ trợ mà 100% người nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường vẫn giữ được cuộc sống ổn định dù thu nhập có giảm sút. Cuộc sống sinh hoạt của họ vẫn bằng với mức sống trước đó chứ không bị sụt giảm đi nhiều" - bà Hà nói.
Khổ nhất lúc này chính là bộ phận lao động tự do, nhất là lao động tự do không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn (lao động di cư). Đây chính là đối tượng chịu tác động mạnh nhất vì họ không có nhà, không có công việc ổn định, thu nhập giảm sút. Thậm chí giờ hết giãn cách, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường nhưng họ vẫn chưa thể tìm được công việc ổn định. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2020 phường phấn đấu giảm toàn bộ số hộ nghèo, cận nghèo. Tuy đặt mục tiêu như vậy, nhưng thực tế hoạt động giảm nghèo đang đối diện với nhiều thách thức do dịch Covid -19 gây ra, và khó hoàn thành mục tiêu.
Dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu là những yếu tố thách thức hoạt động giảm nghèo bền vững. Nhiều năm liền tốc độ giảm nghèo của Việt Nam luôn ở mức từ 1-1,5%, tuy nhiên theo tôi dự báo tốc độ giảm nghèo này có thể khó đạt được trong năm 2020. Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy có cả nước hiện có 1,3 triệu hộ nghèo và 1,23 triệu hộ cận nghèo với tổng số gần 10 triệu người".
Ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐTBXH)
Bà Chu Thị Hà - Trưởng phòng LĐTBXH quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, năm 2020 toàn quận chỉ còn 27 hộ nghèo và 813 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid -19 công tác giảm nghèo của quận cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức. "Dịch bệnh khiến cho kinh tế, dịch vụ suy thoái. Nhiều lao động tự do trong hộ nghèo, cận nghèo bị mất việc, ngừng việc, giảm sâu thu nhập vì thế ảnh hưởng tới kinh tế. Đó là chưa kể một bộ phận lao động ngấp ngé ngưỡng cận nghèo có nguy cơ tái nghèo trở lại" - bà Hà nói. Trước thực trạng đó, quận đã có nhiều chỉ đạo các phường tập trung nguồn lực trợ giúp cho người nghèo, nhất là lúc khó khăn, tuyệt đối không để phát sinh hộ nghèo mới, hay các hộ cận nghèo, tái nghèo.
Chính sách hỗ trợ còn chậm
Tại TP.HCM, thời gian qua, người lao động nói chung, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng cũng đang hứng chịu tác động khủng khiếp từ dịch Covid -19. Những ngày dịch Covid-19 kéo dài, nhiều lao động tại TP.HCM chật vật với công ăn việc làm bị ngừng trệ. Cuộc sống của gia đình cô giáo mầm non Thúy Ái và chồng - anh Nguyễn Phần, tài xế taxi - cùng 3 con nhỏ bị đảo lộn. Đầu tiên là cô Ái mất việc khi trường đóng cửa từ sau tết, rồi đến lượt chồng thất nghiệp khi thành phố thực hiện cách ly xã hội. Mặc dù cuộc sống đã bình thường trở lại nhưng thu nhập của vợ chồng anh chị vẫn sụt giảm nghiêm trọng.
Tiền thuê nhà, tiền trả góp chiếc xe hợp đồng vẫn nguyên từng tháng. Cô Ái buộc phải bán bánh mì, bánh ướt buổi sáng, bánh tráng trộn buổi chiều, chồng trở thành người ship đồ ăn cho vợ. Có lúc anh còn đi phụ hồ khi có người cần. Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào từng đồng bán đồ ăn phập phù hàng ngày của chị.
Cặm cụi mài giũa từng chiếc chìa khóa trên vỉa hè góc đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh, ông Huỳnh cho biết, cả nhà ông sống nhờ vào tủ làm chìa khóa dạo này. Mỗi chìa khóa ông lấy 30.000 đồng, trừ tiền phôi, công, điện, ông chỉ lãi chừng 5.000 – 10.000 đồng. Mấy tháng dịch Covid-19 rồi giãn cách xã hội, ông nghỉ làm, vợ ông phải bán thêm rau củ ngoài chợ để có tiền ăn hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Liễu đã 80 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng hằng ngày bà vẫn rong ruổi trên chiếc xe lăn để đi bán vé số dạo. Một mình bà không chồng, không con, thuê căn phòng phọ nho nhỏ để ở. Không có con cháu chăm sóc, những tờ vé số là nguồn sống duy nhất của bà. Khi dịch kéo đến khiến xổ số tạm ngừng, bà Liễu may mắn được nhận hỗ trợ của thành phố. Nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ qua ngày, còn tiền phòng trọ vẫn phải nợ. Bà tâm sự: "Tôi già cả, tật nguyền như vậy, không bán vé số thì biết làm gì để kiếm sống? Giờ muốn xin chân rửa bát cũng khó".
Trước cổng Nhà thờ Đức Bà mỗi tối, chị Lý lại bày chiếc lò nướng nhỏ để bán bánh tráng nướng cho khách. Lời lãi không được bao nhiêu nhưng ít ra, mỗi ngày chị cũng kiếm được trăm nghìn để đi chợ, dồn tiền đóng học cho con. Khách hàng của chị chủ yếu là các bạn trẻ hay ngồi cà phê bệt ở khu vực nhà thờ hoặc khách du lịch, nhưng từ khi có dịch Covid-19, chị không biết xoay xở thế nào.
Chị tâm sự: "Thời điểm Covid-19 căng thẳng, tôi không được bán bánh tráng nướng, nhà mấy đứa con, phải tìm cách để sống chứ không lẽ ngồi ôm con?". Chị chạy đôn đáo tìm việc, bất kể ai cần thuê làm gì chị cũng đều sẵn sàng làm. Tối chị nhận thêm việc tết dây buộc lạp xưởng cho cả mấy mẹ con cùng làm để có thêm đồng ra đồng vào.
Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, hiện thành phố có 32.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó 22.000 hộ cận nghèo; 10.000 hộ nghèo). Qua điều tra, thống kê, thành phố có khoảng 9.000 hộ bị tác động trực tiếp do dịch Covid-19, trong đó có những thành viên trong hộ mất việc làm do dịch, nhóm buôn bán dịch vụ ế ẩm và nhóm không nhận được hỗ trợ từ cộng đồng. Dự báo của Bộ LĐTBXH nếu Covid-19 kéo dài, số lao động mất việc có thể lên tới 1,32 triệu người.
(Còn nữa)
Đăng nhận xét