Dọc dài theo tuyến biển từ Đông sang Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau, với chiều dài 254km, hàng trăm cửa biển, cửa sông trở thành những nơi khai thác ven bờ hoạt động mạnh nhất.
Theo con số thống kê của tỉnh, Cà Mau có trên 2.000 phương tiện khai thác ven bờ, tuy nhiên trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều, khi xuất hiện đủ loại phương tiện thủy gia dụng hành nghề khai thác ven biển.
Giăng lưới, kéo lưới, đẩy te, lú bát quái, đáy bờ, đáy cạn…Họ chà đi, xát lại và bắt tất tần tật những sinh vật dù lớn hay bé, đồng nghĩa với việc khai thác tận diệt.
Hệ sinh thái tự nhiên bị phá hủy, hoạt động này còn là một phần nguyên nhân tác động đến độ lắng phù sa, tạo lòng lạch ven đai rừng, ảnh hưởng đến sạt lở ven biển…
Địa phương đã có nhiều khuyến cáo, ngăn chặn và xem việc khai thác ven bờ như là một vấn nạn, cũng như thực hiện giải pháp chuyển đổi ngành nghề, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực.
Vì thế, khai thác thủy hải sản ven bờ vẫn cứ tiếp diễn, cuộc mưu sinh của cư dân ven biển cứ thế vẫn cứ mất an toàn, thiếu bền vững, nguồn lợi tiếp tục cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề khai thác hải sản của tỉnh Cà Mau cũng như nghề cá nước nhà, tác động đến cuộc chiến ứng phó thiên tai của địa phương và quốc gia.
Đăng nhận xét