UBND TP Hà Nội và một số đơn vị trực thuộc làm sai
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 17/1/2020, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo kết luận thanh thanh tra toàn diện các dự án của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2000, UBND TP Hà Nội giao Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC) tổ chức nghiên cứu, lập dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (tên thương mại đang rao bán rầm rộ là dự án Louis City Hoàng Mai). Trong quá trình triển khai, dự án đã có nhiều vi phạm và trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc...
Cụ thể: Năm 2011, UBND TP Hà Nội giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định.
Theo tài liệu của PV Dân Việt, ngày 11/7/2011, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định về việc cho phép đầu tư dự án khu đô thị Hoàng Văn Thụ… Trong đó, UDIC làm chủ đầu tư với thời gian hoàn thành toàn bộ dự án là 5 năm (dự kiến quý IV/2015).
Tiếp đó, năm 2017, UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh Chủ trương đầu tư dự án xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân, đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quỹ đất 20% của dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến chủ trương của TP về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội là trái với quy định của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Về quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trên, theo tài liệu của PV, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có 2 văn bản liên quan tới việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ. Cụ thể, ngày 3/8/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 5211/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tỷ lệ 1/500; Ngày 7/11/2017, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã ký Quyết định số 7784/QĐ-UBND về việc bổ sung một số nội dung tại Quyết định 5211 trên.
Ngoài ra, theo TTCP, UBND phường Thịnh Liệt, UBND quận Hoàng Mai chịu trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý đất đai và trật tự xây dựng để việc xây dựng trái phép, chia tách chuyển nhượng trên phần đất giải phóng mặt bằng (GPMB), gây khó khăn cho công tác GPMB.
Hà Nội phải xử lý nghiêm các vi phạm
Ngày 10/1/2020, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về xử lý vi phạm của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, tổ chức thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các dự án theo kiến nghị tại Kết luận thanh tra của TTCP. Trong quá trình xử lý sau thanh tra, tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát ký cơ sở pháp luật phê duyệt, điều chỉnh, giao thực hiện dự án và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có) chưa được phát hiện trong quá trình thanh tra.
Riêng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm, tổ chức thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên trước ngày 01/4/2020.
Ngoài ra, về những vi phạm trên tại dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội căn cứ vào kết luận, tổ chức kiểm điểm, xử lý trác nhiệm các sai phạm được nêu.
Đáng chú ý, TTCP kiến nghị: "Trường hợp tiếp tục giao Công ty Hoàng Mai làm chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội phải rà soát lại các thủ tục, trình tự theo đúng quy định của pháp luật".
Thế nhưng, ngay từ tháng 3/2020, "cò đất" đã rầm rộ rao bán các sản phẩm bất động sản tại dự án Khu đô thị Hoàng Văn Thụ với tên gọi thương mại Louis City Hoàng Mai.
Trong khi đó, ngày 19/3/2020, UBND quận Hoàng Mai đã cấp Giấy phép Xây dựng cho Công ty Hoàng Mai được xây dựng các hạng mục tầng kỹ thuật thuộc dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ.
Ngay sau đó 1 tháng (17/4/2020), Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Công ty Hoàng Mai về việc "Nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án đầu tư Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ". Văn bản này khẳng định chủ đầu tư ký Hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án này phải tuân thủ các quy định của pháp luật ... Nhưng khi dự án chưa làm xong hạ tầng thì văn bản này được "cò đất" sử dụng như một "lá bùa" chèo kéo nhà đầu tư xuống tiền.
Đến thời điểm này, PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với quận Hoàng Mai cũng như UBND TP. Hà Nội để trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc khắc phục những sai phạm của công ty Hoàng mai tại dự án Louis City Hoàng Mai thực hiện kết luận thanh tra nhưng đều không nhận được phản hồi
Cần thu hồi đất đã giao không qua đấu thầu?
Liên quan tới các vi phạm tại dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc một dự án bất động sản được giao đất không qua đấu thầu là trái quy định của pháp luật. Theo đó, các văn bản pháp lý liên quan về sau đều vô hiệu và không có giá trị.
"Trường hợp, khi phát hiện quyết định giao đất trái quy định mà dự án đã đầu tư thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu các cơ quan ra văn bản trái thẩm quyền bồi thường giá trị các hạng mục đã đầu tư. Nhưng bản chất, đất được giao trái quy định phải được trả nguyên trạng về Nhà nước. Và nếu ai muốn được sở hữu lô đất đó thì phải thông qua thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật, lúc đó mới được pháp luật công nhận", luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh nhìn nhận, sau khi đã phát hiện dự án được giao đất không thông qua đấu giá thì việc "hợp thức hoá" là không phù hợp. "Cơ quan chức năng không thể làm ra các quyết định hành chính để hợp thức hoá việc giao đất không đúng được. Dự án phải được đưa ra đấu giá, đấu thầu công khai, để nhà đầu tư quan tâm có quyền tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm lợi cho một doanh nghiệp nào đó và tạo sự công bằng trong lĩnh vực đầu tư", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đăng nhận xét