Chị Nguyễn Kim Tiến (40 tuổi – ngụ phường 9, Q.Gò Vấp, TP.HCM) – chủ nhân của giàn nho sai trĩu giữa lòng TP.HCM cho biết, gia đình chị có mảnh sân thượng nhỏ, chỉ khoảng 11m2. Trước đây, chị có trồng một số loại cây như dưa leo, cà chua, dưa lưới… Do muốn thử trồng các loại cây lạ thay vì chỉ trồng rau thông thường, chị Tiến mua 2 giống nho ngón tay 152 và nho xanh Ninh Thuận NH1-48 về trồng thử.
Những chùm nho sai trĩu, căng mọng trên mảnh vườn bê tông của chị Tiến (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khiến ai nấy phải xuýt xoa khen ngợi.
Lần đầu tiên trồng loại cây này, chị phải lên mạng tìm hiểu nhiều kênh, từ đó chắt lọc để áp dụng. Chị Tiến chọn phương pháp dùng đất Tribat trong thùng xốp để trồng cây. Đồng thời, chị cũng cải tạo sân thượng với giá leo cho nho sinh trưởng.
Nho trồng từ tháng 4/2019, 6 tháng sau thì bắt đầu ra hoa, thêm 4 tháng thì quả chín. Vụ nho đầu tiên, chị Tiến khoe lên mạng xã hội đã khiến nhiều người tò mò về bí quyết trồng loại cây này.
“Ban đầu mình cũng ko nghĩ nhanh cho trái vậy luôn. Cứ nhớ là hơn 1 năm mới cho trái. Nhưng nhiều người hỏi nên lục lại hình cũ thì hoá ra chưa tới 1 năm đã được thu hoạch rồi”, chị Tiến chia sẻ.
Chị cũng cho biết, nhiều người nhắn cho chị hỏi cách trồng nho ở nhà phố. Có người đã thử vài lần nhưng vẫn thất bại, nho không cho trái hoặc ra trái nhỏ, không ăn được.
Theo chị Tiến, việc trồng nho không ra trái có nhiều nguyên do. Một trong những lý do phổ biến nhất là mua nhầm nho dại. Nhiều người bán nho không tư vấn trung thực để bán được hàng. Nguyên nhân thứ hai là do dinh dưỡng không đủ. Nguyên nhân cuối có thể là do không biết cách tỉa cành, vì giữ lại nhiều cành thì ko đủ dinh dưỡng để cây cho hoa, mặt khác khi bấm ngọn thì cây sẽ dễ cho hoa hơn để tự nhiên.
Chị Tiến chia sẻ bí quyết trồng nho trên sân thượng được nhiều người quan tâm.
Để chia sẻ kinh nghiệm trồng nho của mình, chị Tiến gợi ý một vài phương pháp cơ bản như sau.
Khi bắt đầu trồng không nên trồng ngay mà tháo bầu tưới nước cho cây hồi lại, để nơi mát rồi hôm sau mới trồng; gia đoạn sau trồng cần che nắng cho cây cẩn thận. Khi cây lên tầm 50cm thì tháo nilon trên mối ghép vì nếu để nguyên thì cây sẽ khó hấp thụ dinh dưỡng dẫn tới không phát triển. Trong việc tưới nước, không nên tưới lá, cây mới trồng không nên bón phân ngay mà nên đợi đến khi cây lên khoảng 1m.
Nho thùng xốp lớn thì khoét lỗ thoát nước, nếu trồng thẳng xuống đất thì nên trộn đất với một ít rơm cho đất tơi xốp trước khi trồng.
Không cần diện tích quá lớn, phương pháp trồng nho của chị Tiến dễ áp dụng tại các đô thị.
Việc tỉa cành cho cây giữ vai trò quan trọng. Chị Tiến cho biết, cây có 2 loại mầm ở nách lá, chỉ mầm ngủ mới cho hoa. Cho tới giai đoạn tạo cành cấp 1 thì cho 1 chồi lên giàn, tỉa hết những nhánh phụ xung quanh để cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân chính. Khi cây đã leo giàn thì tiến hành tạo các cành khác cho cây.
Khi cây phát triển được khoảng 1m thì tiến hành bón phân. Chị Tiến chia sẻ, chị sử dụng phân hữu cơ ủ hoai và tận dụng rau củ trong quá trình nấu nướng, đặc biệt trái chuối rất tốt cho cây. Cứ 10-15 ngày thì bón cho cây một lần theo phương pháp trộn phân vào đất chứ không bón trực tiếp vào gốc cây.
Chị Tiến lưu ý, trước khi tạo cành thì nên bón phân NPK trước 1 tuần với số lượng khoảng 30g mỗi gốc, tránh bón tập trung gây chết cây.
Khi cây ra hoa thì bón phân hỗn hợp lân và kali hoà tan, 10 ngày tưới hỗn hợp 1 lần để cây ra trái ngọt, có thể sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng để trừ bệnh nấm lá.
Kì công như vậy nên thành quả cũng rất ấn tượng. Những chùm nho sai trĩu, căng mọng như đến đáp công chăm sóc của người trồng. Chị Tiến vui vẻ nhớ lại, khi nho chưa chín nhưng do quá háo hức chị thử hái nho ăn thử thì nho “chua loét”, nhưng trong vị chua đó có cả cảm giác có ngọt ngào khó tả của người đã tận tâm vun trồng.
Đăng nhận xét