Thai Airways phá sản: "Hoạ vô đơn chí" từ Covid-19 hay cái chết đã được báo trước?

Thai Airways: từ hãng hàng không tốt nhất Châu Á đến nguy cơ phá sản cận kề

Thành lập năm 1960, Thai Airways ban đầu được vận hành dưới hình thức liên doanh giữa hãng hàng không nội địa Thái Lan, Công ty Thai Airways (TAC) và Scandinavian Airlines (SAS), tức hãng hàng không đa quốc gia của 3 nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy với tổng số vốn cổ phần ban đầu 2 triệu baht. Thời điểm này, Thai Airways có một số tuyến bay thương mại đường dài đến New York, Los Angeles…Năm 1977, Chính phủ Thái Lan mua lại 15% trên tổng số cổ phần từ tay SAS nhằm đưa Thai Airways thành hãng hàng không của người Thái.

Sau 28 năm vận hành, đến tháng 4/1988, Thai Airways được hợp nhất với TAC dưới thời Thủ tướng Prem Tinsulanonda và trở thành hãng hàng không vận tải Thai Airways International. Sau này, Chính phủ Thái Lan mua lại số cổ phần còn lại của Thai Airways International từ tay SAS, đưa Thai Airways chính thức trở thành hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước Thái Lan.

Thai Airways từng được bình chọn là một trong 5 hãng hàng không tốt nhất Châu Á, một trong 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới

Những năm 2011-2012 là thời điểm huy hoàng của Thai Airways khi liên tục được bình chọn là hãng hàng không được ưa thích nhất với nhiều tiện ích dịch vụ có một không hai như giường xoay 180 độ trên các khoang hạng thương gia, phục vụ món ăn bởi những đầu bếp danh tiếng nhất đất nước, dịch vụ chuyên cơ hạng sang sang trọng và xa hoa bậc nhất…

Cho đến năm 2012, Thai Airways vẫn được tổ chức Skytrax bình chọn là một trong 5 hãng hàng không tốt nhất Châu Á, một trong 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới với dịch vụ mặt đất tốt nhất và dịch vụ chuyến bay đẳng cấp. Một cuộc khảo sát thực hiện trên 18,8 triệu lượt khách hàng cho thấy Thai Airways thời điểm đó được đánh giá cao về mức độ hành lòng, từ các khâu chỗ ngồi thoải mái cho đến đồ ăn ngon miệng, nhân viên chu đáo… 

Phá sản hay cơ hội tái sinh cho hãng hàng không quốc gia Thai Airways? - Ảnh 2.

Đội máy bay hiện đại của Thai Airways

Tính đến năm 2019, hãng hàng không quốc gia Thái Lan có mặt tại 74 quốc gia trên thế giới với đội bay 95 tàu bay chính hiện đại, tần suất hàng trăm chuyến bay mỗi ngày, trong đó có nhiều tuyến bay dài thẳng tới Châu Âu, Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Úc. 

Nhưng chỉ 5 năm sau, cho đến năm 2017, Thai Airways bắt đầu báo cáo lỗ ròng 2,11 tỷ baht. Số nợ tích lũy ngày một tăng lên đến hơn 100 tỷ baht, số liệu tính đến tháng 10/2019. Hãng hàng không quốc gia Thái ngày càng đuối sức trong cuộc cạnh tranh với những hãng hàng không giá rẻ mọc lên như nấm sau mưa. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu vận tải hàng không lao dốc không phanh, buộc các hãng hàng không toàn cầu phải hủy, đình chỉ hàng trăm ngàn chuyến bay; tình hình tài chính của Thai Airways còn lận đận hơn nữa.

Forbes dự báo nguy cơ phá sản từ lâu

Phá sản hay cơ hội tái sinh cho hãng hàng không quốc gia Thai Airways? - Ảnh 3.

Sự nở rộ các hãng hàng không giá rẻ như Thai Smile khiến Thai Airways đối diện áp lực tài chính lớn

Hồi năm 2019, Forbes đã dự báo nguy cơ phá sản cho hãng hàng không quốc gia của Thái Lan, sau khi hàng loạt hãng hàng không khác như Air Berlin, Jet Airways sụp đổ. Lý do khiến nhiều hãng hãng không lâu năm thua lỗ lớn không gì khác ngoài sự nở rộ của những hãng hàng không giá rẻ. 

Các hãng hàng không giá rẻ mọc lên như nấm sau mưa nhanh chóng chiếm thị phần quan trọng trong thị trường hàng không. Nhiều hãng thậm chí chấp nhận lỗ trên các chặng bay ngắn do cuộc cạnh tranh giá ngày càng trở nên khốc liệt. Các tuyến bay đường dài thì trở nên khó khăn hơn do nhiều yếu tố như chi phí nhiên liệu, mặt bằng giá cả… Chính Thai Airways cũng phải chấp nhận hủy một số tuyến bay đường dài đến Bắc Mỹ do vấn đề nhiên liệu, trong khi các chuyến bay ngắn ngày càng bị thu hẹp thị phần.

Cho đến năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát và tấn công ngành hàng không toàn cầu, Thai Airways vốn đã vật lộn với nguy cơ sống còn. Chủ tịch hãng hàng không quốc gia, ông Sumeth Damrongchaitham thậm chí gửi thông điệp kêu gọi “tinh thần đoàn kết của nhân viên để vượt qua những khó khăn” nếu không muốn đóng cửa hãng hàng không quốc gia. “Vẫn còn thời gian để tìm ra giải pháp, nhưng không nhiều”. 

Forbes chỉ ra thông điệp của Chủ tịch Sumeth Damrongchaitham thực chất mang ý nghĩa cảnh báo về rủi ro mất khả năng thanh toán nhiều hơn là kêu gọi. Thai Airways đã phải chịu sức ép lớn từ các hãng hàng không giá rẻ mọc lên hàng loạt ở Đông Nam Á, khiến thị phần của hãng ở khu vực này giảm mạnh.

Hồi quý IV/2019, Thai Airways thậm chí từng lên kế hoạch xem xét cắt giảm lương các bậc quản lý và cắt giảm thưởng vì “giải thưởng được ưu tiên hơn cả là sự sống còn của doanh nghiệp”. “Thai Airways thực sự đang rơi vào khủng hoảng. Mọi người đều chung số phận nếu con tàu chìm”. Ngay sau những tuyên bố này, Chủ tịch hãng hàng không Thái Ekniti Nitithanprapas và 3 giám đốc điều hành khác đã từ chức.

Dịch Covid-19: “họa vô đơn chí”

Là một trong những quốc gia mà khách du lịch Trung Quốc chiếm đại bộ phận trong lượng khách quốc tế, ngành du lịch và vận tải hàng không của Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ rất sớm, ngay thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 1/2020. Lệnh phong tỏa nhiều địa phương, hạn chế di chuyển của chính phủ Bắc Kinh đã làm tan vỡ nhiều kế hoạch du lịch của người Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán - mùa du lịch cao điểm trong năm, khiến Thai Airways phải hủy nhiều đường bay đến và đi Trung Quốc. 

Khi dịch Covid-19 tạm được kiểm soát ở Trung Quốc cũng là thời điểm virus SARS-CoV-2 lây lan ra toàn cầu, khiến nhiều quốc gia Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc phải thực hiện đóng cửa biên giới, cách ly xã hội, hạn chế di chuyển. Đây đều là những thị trường bay quan trọng của Thai Airways.

Phá sản hay cơ hội tái sinh cho hãng hàng không quốc gia Thai Airways? - Ảnh 4.

Khung cảnh vắng vẻ ở một sân bay quốc tế Thái Lan khi dịch Covid-19 bùng phát

Cuối tháng 4, Thai Airways buộc phải kêu gọi gói cứu trợ 10 tỷ baht từ chính phủ để trả tiền lương tháng 1 cho nhân viên trong bối cảnh lỗ ròng tăng cao, thu không đủ chi. Hãng này thậm chí còn yêu cầu chính phủ phê duyệt khoản vay 70 tỷ baht tiếp theo để tránh nguy cơ phá sản. 

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana hồi cuối tuần tuyên bố xem xét phương án phá sản như một lựa chọn cho hãng hàng không quốc gia này trong tình cảnh thua lỗ nặng nề nhiều năm. “Bộ Tài chính và Bộ giao thông vận tải chịu trách nhiệm giám sát Thai Airways”, nhưng “Quyết định cuối cùng sẽ do Nội các đưa ra” - ông Uttama cho hay. 

Phá sản hay cơ hội tái sinh cho hãng hàng không quốc gia Thai Airways? - Ảnh 5.

Máy bay hạ cánh la liệt trên đường băng do hàng loạt chuyến bay bị hủy

Phá sản hay cơ hội tái sinh cho Thai Airways?

Thai Airways từng được xem là biểu tượng ngành du lịch của quốc gia Thái Lan với sự thân thiện, hiếu khách, dịch vụ chu đáo, tận tình. Nhiều nhà phân tích từng nhận định ngay cả trong tình cảnh khó khăn nhất, chính phủ Thái sẽ cứu vãn Thai Airways trước nguy cơ sống còn. Nhưng các nhà phân tích Forbes cho rằng điều này có thể không xảy ra, khi thông điệp thị trường chỉ ra rằng các hãng hàng không cần tự mình cắt giảm chi phí nếu muốn cạnh tranh được trên thị trường Châu Á ngày càng phát triển. 

Nếu Thai Airways không tái cơ cấu, hãng hàng không này sẽ đi tới phá sản như lẽ tất yếu khi thị phần nhiều tuyến bay ngắn rơi hết về tay các hãng hàng không giá rẻ như Thai Smile trong vài năm tới. Và việc tuyên bố phá sản giờ đây, thực chất có lẽ chính là cơ hội để tái xây dựng hãng hàng không quốc gia Thái Lan vững mạnh hơn.