Cục BVTV (Bộ NNPTNN) và Tổ chức CropLife Việt Nam phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La triển khai tập huấn, hướng dẫn người dân xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) sử dựng thuốc BVTV đúng cách, an toàn.
Sử dụng thuốc BVTV 4 đúng, nông dân lãi lớn
Trong những ngày này, đến huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đâu đâu cũng thấy hình ảnh tất bật chăm sóc vườn cây ăn quả của bà con nông dân. Hiện, với diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Mai Sơn trên 7.600 ha, trong đó có các cây chủ lực như xoài, nhãn, mận, na dai...
Để tạo đà cho việc hiện thực hóa mục tiêu lâu dài là mã số vùng trồng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các loại cây ăn quả chủ lực tại Sơn La, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNN) và Tổ chức CropLife Việt Nam phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La tiếp tục tổ chức dự án tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Huyện Mai Sơn là địa phương được lựa chọn để thực hiện dự án trong 2 năm (2019 và 2020).
Đến thời điểm này, sau hơn 1 năm triển khai dự án, trải qua các buổi tập huấn kiến thức trong nhà cũng như ngoài thực địa, rất nhiều hộ nông dân đã thuần thục, chuyên nghiệp trong việc sử dụng thuốc BVTV. Việc sử dụng đồ bảo hộ, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được người dân nghiêm túc tuân thủ thực hiện.
Anh Nguyễn Đắc Đông, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) cho biết: Hiện gia đình anh đang có diện tích trên 3 ha trồng cây ăn quả, trong đó xoài 2ha, bưởi 1ha và 5.000m2 nhãn...
Năm 2019, sau khi được tập huấn, tham gia chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm nên sản lượng của vườn cây ăn quả của gia đình anh Đông đã tăng đáng kể so với các năm trước. Sản lượng xoài 30 tấn, bưởi 15 tấn, nhãn 5 tấn.
Anh Đông nhẩm tính, riêng sản lượng thu hoạch 30 tấn xoài Đài Loan, bán với giá 22.000 đồng/kg. Năm 2019 đã cho thu nhập trên 600 triệu đồng, chưa kể bưởi và nhãn. Vụ xoài năm nay của gia đình anh Đông dự kiến sẽ tăng lên rất nhiều, hiện vườn xoài đã được bọc túi đợt 1 với khoảng 2 vạn quả.
"Cũng nhờ được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV đúng cách nên sản lượng đã tăng lên nhiều. Trước đây mỗi khi phát hiệu sâu bệnh hại trên cây trồng, tôi thường mua thuốc tại các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng do không được hướng dẫn cách phun thuốc sao cho an toàn, hiệu quả" - anh Đông cho biết.
Tạo giá trị, phục vụ xuất khẩu
Theo Cục BVTV (Bộ NNPTNN), đến nay Cục đã phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai cấp được 119 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, với tổng diện tích gần 1.340 ha, sản lượng ước đạt trên 14.000 tấn quả các loại.
Trong đó, có 68 mã số phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích trên 3.290ha (sản lượng quả ước đạt 47.390 tấn), bao gồm: nhãn 45 mã số vùng trồng, diện tích 2.227ha (sản lượng 33.411 tấn); xoài 22 mã số với diện tích 983ha (sản lượng 12.779 tấn); thanh long 1 mã với diện tích 80ha (sản lượng 1.200 tấn).
Bên cạnh thị trường chủ lực Trung Quốc, tổng số mã số vùng trồng cây ăn quả đã được cấp để xuất khẩu sang thị trường khác như Úc, Mỹ... là 51 mã, với tổng diện tích 344ha (trong đó xoài 14 mã, diện tích 103ha; nhãn 34 mã, diện tích 207ha; mận 2 mã, diện tích 27ha; bơ 1 mã, diện tích 6ha).
Là đơn vị có 90% sản lượng xoài xuất khẩu sang thị trưởng Trung Quốc. Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc HTX Ngọc Lan cho biết: Hiện nay, HTX có 52 thành viên, với diện tích trồng xoài 60 ha, nhãn 20 ha, bưởi 20 ha và 10 ha là trồng các loại cây khác như cam, vải…
Để đáp ứng những những điều kiện khắt khe phía đối tác, HTX Ngọc Lan yêu cầu tất cả các thành viên phải nhận thức rõ việc chăm sóc cây trồng, cũng như sử dụng đúng cách thuốc BVTV. "HTX Ngọc Lan xác định đây là yếu tố hàng đầu giúp cho trái cây xuất khẩu luôn đảm bảo chất lượng", ông Dũng khẳng định.
Trước khi chuyển sang trồng cây ăn quả, gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) cũng chỉ trồng ngô, sắn và chăn nuôi lợn trên diện tích cây ăn quả hiện nay. Trồng cây, nuôi lợn là thế nhưng quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chưa nói đến dịch bệnh.
Cách đây 6 năm (2014), gia đình chị Huyên đã quyết định phá bỏ tất cả diện tích trồng ngô, sắn để chuyển sang trồng cây ăn quả. Ban đầu, chị trồng thử giống bưởi diễn và nhãn. Sau đó, thấy cây xoài dễ trồng, mang lại kinh tế cao, có thể xuất khẩu đi nước ngoài. Nên gia đình chị Huyên đã đầu tư trồng 3 ha xoài.
"Sản lượng những năm đầu ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, cây trồng cũng thường xuyên gặp dịch bệnh, có năm sản lượng sụt giảm gần 1 nửa. Là người nông dân, khi gặp dịch bệnh thì chỉ biết đi mua thuốc về để phun, người ta đưa cho thuốc nào thì biết thuốc đấy" - chị Huyên nói.
Chị Huyên cho biết thêm: Từ khi có dự án hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại địa phương, chị đã tham gia rất đầy đủ, được hỗ trợ quần áo bảo hộ và thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV. "Hiện nay, tôi đã nắm rất chắc về nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, an toàn cho sức khỏe và sản phẩm nông sản cũng đạt chất lượng, bán được giá cao" - chị Huyên chia sẻ.
"Thói quen của bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi, gây nguy hại đến sức khỏe cho người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng và chất lượng nông sản. Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm của Cục BVTV và Tổ chức CropLife Việt Nam tại huyện Mai Sơn sẽ tác động tích cực, nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV " - Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La kỳ vọng.
Đăng nhận xét