Rừng trâm bầu cổ thụ trăm năm tuổi ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) trải dài trên 4km, rộng hơn 150ha.
Theo các cụ cao niên nơi đây, thôn Thanh Bình xưa còn có tên là Nghĩa Nương. Theo tiếng Hán tên làng rất có ý nghĩa, được giải thích nôm na người con gái hiếu nghĩa. Cái tên Nghĩa Nương vẫn được người dân lưu truyền như một minh chứng cho tấm lòng của cả dân làng.
Người dân nơi đây truyền miệng, ông tổ Dương Phúc Thái đã cùng 11 vị khai canh khác chọn mạch địa lý định đất theo hướng Bắc - Nam, lấy mạch nước từ rừng trâm bầu cổ làm nguồn sinh sống, xây dựng các thôn xóm.
Đất có rừng trâm bầu, trước mặt làng là cánh đồng thuận trồng lúa nước, hợp trồng ngũ cốc, tiền nhân đã đặt định danh tính, chịu sự quản lý của quan phủ trong vùng, dân làng cùng nhau lao động, khai hoang, mở đất, quần tụ sinh sống, cắt đặt lề lối, giữ gìn gia phong, nếp sống để dựng làng .
Trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng trâm bầu trở thành "lá chắn" cho du kích ẩn náu. Ngày nay, rừng là nguồn sống, "lá phổi xanh" của hàng trăm hộ dân ở Nghĩa Nương.
Rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình hiện vẫn nguyên thảm thực vật vô cùng phong phú, có nhiều loài chim như: Chào mào, vành khuyên, cu gáy, nhông cát và nhiều loài bò sát, lưỡng cư khác cùng sinh sống.
Cộng sinh với trâm bầu là cây mà ca, lộc vừng, rồi có cả quần thể sâm Mã Lai có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Vào những ngày nắng hạn, nếu các làng khác đều khô hạn thì với Nghĩa Nương, gần 700 giếng nước của làng chưa bao giờ cạn và rừng trâm trâm được xem như "mạch sống".
Bên cạnh đó, rừng trâm bầu còn chống cát bay, cát nhảy. Biết bao vùng khác ven biển Quảng Bình biến dạng vì cát bay, nhưng với mảnh đất Thanh Bình này, nhờ có rừng trâm bầu mà cát biển "khuất phục", không thể xâm lấn vào làng.
Rừng trâm bầu được người dân thôn Thanh Bình xem như "báu vật". Rừng cây được người làng giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Dương Minh Huy (SN 1960) – Đội trưởng đội bảo vệ rừng trâm bầu thôn Thanh Bình kể: Năm 1959, chính thức có đội bảo vệ rừng 11 người do hợp tác xã nông nghiệp trả bằng thóc.
Trước đây, đội bảo vệ rừng của thôn Thanh Bình có 11 thành viên nhưng nay chỉ còn 6 thành viên. Những thành viên được chọn làm bảo vệ rừng phải có uy tín, trách nhiệm, được người dân trong thôn bầu lên.
Ông Dương Minh Huy, chia sẻ: "Tôi tham gia công tác bảo vệ rừng trâm bầu đã hơn 30 năm. Không đơn giản chỉ công việc còn là trách nhiệm, tình yêu thương dành cho cánh rừng cổ. Tôi coi rừng trâm bầu như cuộc sống của mình. Mỗi ngày tôi đều rảo bước quanh khu rừng, vừa trông coi vừa ngắm nhìn những rặng cây trâm bầu xanh tốt".
"Hiện nay, người bảo vệ rừng như chúng tôi được hưởng 8 tạ thóc/năm. Tất cả số thóc này hoặc tiền quy ra từ thóc đều do người dân trong thôn đóng góp với mức mỗi khẩu 10kg/năm" - ông Huy cho hay.
Trao đổi vời PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Dương Bình Sơn – Trưởng thôn Thanh Bình, chia sẻ: "Rừng trâm bầu là 'báu vật' vô giá của làng chúng tôi. Mùa nắng, rừng trâm bầu tỏa bóng mát, xua đi cái nóng ngột ngạt. Mùa mưa, gió, rừng trâm bầu chắn gió, chắn cát, bảo vệ làng. Gần 500 năm lập làng là chừng đó thời gian cây trâm bầu phát triển".
"Người dân nơi đây giữ rừng trâm bầu qua từng năm tháng rồi xuyên thế kỷ để chắn nạn cát bay, cát nhảy chiếm mất đất làng. Cả làng đồng lòng giữ rừng. Chính người dân là tai mắt của đội bảo vệ rừng, của chính quyền thôn. Ai thấy người lạ bước chân vào rừng sẽ báo ngay với đội bảo vệ, để đội theo dõi, ngăn chặn phá rừng" - ông Sơn bật mí.
"Làng Thanh Bình có đề ra hương ước bảo vệ rừng. Trong quá trình bảo vệ, nếu phát hiện ai bẻ cành sẽ bị phạt 50.000 đồng, chặt cây bị phạt 300.000-500.000 đồng. Ai vi phạm phá rừng là bị thôn đọc tên trên hệ thống loa phát thanh, chỉ một lần vi phạm phá rừng là cuối năm gia đình đó không còn được bầu gia đình văn hóa" - Ông Dương Bình Sơn, cho biết.
Đăng nhận xét