Ông đánh giá thế nào về tình hình tái đàn heo hiện nay?
- Từ đầu năm 2020 đến nay, việc tái đàn heo ở các trang trại của tỉnh diễn ra khá mạnh mẽ, chỉ có điều, dịch tả heo châu Phi đã càn quét khiến đàn nái giảm đáng kể, heo hậu bị không có, đa số người dân lấy từ heo thịt để nhân lên.
Chính vì vậy, giá heo giống đang ở mức "trên trời". Ví dụ, heo giống khoảng 6 - 8kg/con giá lên đến 3,5 - 4 triệu đồng/con, tương đương 400.000 đồng/kg.
Với mức giá heo giống cao như thế này, cộng với chi phí thức ăn, điện nước, tỷ lệ hao hụt, giá thành sản xuất heo ở trang trại đã lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Đối với các doanh nghiệp, do chủ động được con giống, giá thành cũng trên mức 50.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ, chưa được khống chế hoàn toàn, việc tái đàn của nông dân hiện nay luôn rình rập nhiều rủi ro. Thực tế, đã có những trại tái đàn, dính dịch trở lại.
Trong khi đó, giá heo hơi phố thông đã ở mức 98.000 đồng/kg, cá biệt có thể lên đến 100.000 đồng/kg thì việc người dân đẩy mạnh tái đàn cũng là điều dễ hiểu.
Theo ông, mức giá heo hơi như hiện nay còn giữ trong bao lâu?
- Để bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ đã đề nghị các ngành chức năng, doanh nghiệp phải vào cuộc bình ổn giá heo hơi, nhưng có một thực tế là việc tái đàn mới chỉ bắt đầu, nên nguồn cung còn thiếu hụt sớm.
Thực ra, giá heo tăng cao như hiện nay cũng là bất khả kháng, bởi thời điểm cách đây 10 tháng là lúc dịch tả heo châu Phi đang hoành hành dữ dội, đàn nái giảm mạnh, các doanh nghiệp, trang trại cũng e dè không dám đầu tư nên lượng heo thiếu hụt lớn.
Trong khi đó, sau một thời gian giữ giá 70.000 đồng/kg, hiện các 15 doanh nghiệp chăn nuôi đã cam kết giữ giá cũng đã có sự điều chỉnh tăng và đẩy mạnh bán heo mảnh. Điều này cũng là khó tránh khỏi khi giá từ trại doanh nghiệp đến thị trường chênh nhau đến 25.000 - 30.000 đồng/kg. Không ai muốn từ chối lợi nhuận cả.
Giá heo hơi hiện đang ở mức trên 100.000 đồng/kg.
Thêm nữa, thời điểm Chính phủ có chủ trương kiềm chế giá heo hơi ở mức 70.000 đồng/kg, mục tiêu giữ ở mức 60.000 đồng/kg khiến nhiều người e dè, ngại đầu tư nên càng khan hiếm.
Do đó, theo quan điểm của chúng tôi và nhiều người chăn nuôi heo thì hãy để giá heo hơi vận hành theo cơ chế thị trường, từ nay đến cuối năm khi lứa heo vừa tái đàn đủ tiêu chuẩn xuất thương phẩm cung - cầu ổn định thì khi đó giá heo hơi tự khắc sẽ điều chỉnh.
Với người tiêu dùng, trong thời điểm giá thịt heo tăng cao như hiện nay, ngoài sử dụng thịt heo, có thể cân đối bữa ăn bằng thịt gà, thịt vịt, thủy sản. Hiện, giá thịt vịt đang rất rẻ, có lúc chỉ 17.000 đồng/kg.
Ngay cả giải pháp nhập khẩu thịt heo cũng chỉ là giải pháp tình thế, không giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chỉ có tái đàn thành công và an toàn mới là giải pháp bình ổn giá heo hơi lâu dài.
Cũng có ý kiến cho rằng, giá heo hơi cao một phần do khâu trung gian và có hiện tượng làm giá, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Từ trước đến nay, mọi người vẫn nêu quan điểm, đưa sản phẩm trực tiếp vào siêu thị để giảm bớt các khâu trung gian. Vậy tại sao hiện nay giá thịt heo tại các chợ dân sinh (vốn được đánh giá phải trải qua nhiều khâu trung gian) lại luôn thấp hơn giá tại các siêu thị? Và ngay cả khi giá heo hơi giảm xuống mức thấp thì giá thịt heo tại nhiều siêu thị vẫn đứng ở mức cao?
Như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, người tiêu dùng và người chăn nuôi là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Theo ông, để tái đàn hiệu quả, có nên khuyến khích doanh nghiệp đẩy lượng heo giống ra thị trường?
- Thời điểm này, heo giống khan hiếm một phần do các doanh nghiệp chăn nuôi cũng giữ lại để nuôi thương phẩm do lợi nhuận quá khủng.
Còn nếu bán heo giống ra ngoài thì họ cũng vừa có lợi nhuận từ heo thương phẩm và heo giống. Trong khi đó, người chăn nuôi nhập heo giống với giá cao lại như "đánh bạc" vì rủi ro từ dịch bệnh vẫn rình rập. Trong điều kiện thay đổi môi trường chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn, nếu không may heo mắc bệnh thì người chăn nuôi lại bị móc túi tiếp một lần nữa.
Xin cảm ơn ông!
Đăng nhận xét