Vừng là loại hoa màu được nông dân Đồng Tháp trồng thay cho cây lúa. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Trồng gần 1 ha vừng, anh Lê Văn Chiến, ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đây năm thứ 5 liên tiếp, anh luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ vừng. Bởi trong điều kiện nắng nóng, khô hạn và thiếu nước tưới như hiện nay, so với lúa, vừng thích ứng và phát triển tốt hơn.
Sau hơn 3 tháng trồng, nông dân huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) thu hoạch vừng với năng suất đạt khá hơn 1 tấn/ha.
Hiện tại, vừng hạt dân bán tại ruộng với giá 50.000 đồng mỗi ki lô gam. Mức giá này cao hơn trung bình nhiều năm từ 10.000 – 15.000 đồng mỗi ki lô gam, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng trên mỗi ha trồng vừng.
Tuy nhiên, một số diện tích những vùng gò cao, do nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo nên vừng trồng cho lượng hạt cũng chỉ khoảng 0,80 – 0,85 tấn/ha. Nhưng với mức giá bán vừng hạt ở mức cao như hiện nay, nông dân trồng vừng vẫn có lời.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừng là một trong các loại hoa màu chịu hạn được nông dân ưu tiên chọn để chuyển đổi trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Chỉ tính riêng trong vụ Hè Thu 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.600 ha trồng vừng, tập trung ở các huyện Lấp Vò, Cao Lãnh, Hồng Ngự.
Ở tỉnh Đồng Tháp, bình quân trồng một ha hoa màu, trong đó có trồng vừng cho lợi nhuận tăng gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa; đồng thời, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhất là thời điểm khô hạn nhằm góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn, trong đó có trồng cây vừng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Đăng nhận xét