Nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.
Trước đó, người mua ô tô du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống phải đóng lệ phí trước bạ từ 10 – 12% (tùy từng địa phương) giá trị xe. Với quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ của Thủ tướng Chính phủ, người mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chỉ phải nộp lệ phí 5-6%.
Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không được hưởng. Theo tính toán, khi mua những mẫu xe bình dân sản xuất lắp ráp trong nước, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 15-80 triệu đồng.
Ví dụ, với mẫu xe của VinFast, để lăn bánh LUX SA 2.0 bản đặc biệt thì người mua phải nộp phí trước bạ là 10% x 1,578 tỷ đồng = 158 triệu đồng. Khi giảm 50%, khách hàng chỉ mất 79 triệu đồng.
Hay như mẫu Toyota Fortuner bản cao nhất giá 1,354 tỷ đồng, phí trước bạ tại TP.HCM là 10% x 1,354 tỷ = 135,4 triệu đồng. Khi giảm 50% phí trước bạ thì chỉ còn 67,7 triệu đồng.
Như vậy, với quyết định này, các doanh nghiệp đang có nhiều mẫu mã ô tô sản xuất lắp ráp trong nước như VinFast, Trường Hải, TC Motor… sẽ được hưởng lợi. Khách hàng có thể chuyển dịch từ xe nhập khẩu nguyên chiếc sang các mẫu xe được nội địa hóa khi khoảng cách giá lăn bánh được gia tăng.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam dù được đánh giá là đối phó với dịch Covid-19 hiệu quả, tuy nhiên khoảng thời gian giãn cách xã hội, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, trong đó có các nhà sản xuất lớn như: Toyota, TC Motor, Ford, VinFast… đã tác động không nhỏ tới doanh số bán hàng.
Và để kích cầu, giữ thị phần, không ít hãng xe đã đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi như hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ, giảm trực tiếp bằng tiền mặt, tặng các gói phụ kiện cho khách mua xe...
"Chưa biết khi nào dịch Covid-19 mới thực sự kết thúc, vì thế khó khăn vẫn sẽ hiện hữu với các doanh nghiệp. Vì thế, quyết định giảm 50% phí trước bạ đưa ra rất hợp lý. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu mua giảm mạnh, đặc biệt là việc thiếu hụt linh kiện nhập khẩu do dịch Covid-19 bùng phát thì việc giảm 50% phí trước bạ được coi là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp", ông Long nói.
Không chỉ cứu cánh cho doanh nghiệp, việc phí trước bạ giảm sâu sẽ tạo cơ hội sở hữu một chiếc xe ô tô với nhiều người. Mặc dù giảm lệ phí, đơn giản thủ tục sẽ kích thích được người mua xe, nhưng theo ông Long việc giá bán xe sẽ không giảm xuống.
"Việc giảm phí trước bạ không liên quan đến giá bán xe của các hãng. Việc này là có lợi cho người tiêu dùng rồi", ông Long nói.
Theo vị chuyên gia này, để có thị trường ô tô rộng lớn, giá rẻ thì bên cạnh những chính sách ưu đãi thì cũng cần có chính sách phát triển giao thông đồng bộ, dài hạn, không cản trở phát triển ngành công nghiệp ô tô vì sự phát triển yếu kém của đường giao thông.
Ông Long nhấn mạnh rằng, hiện nay, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước vẫn chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô và chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi trong sản xuất. Đó là một trong các nguyên nhân khiến giá bán xe ô tô trong nước vẫn khá cao.
Tuy ủng hộ quyết định giảm lệ phí trước bạ, nhưng theo ông Long, cũng cần phải xem xét đến các điều kiện với ô tô nhập khẩu. "Trong môi trường cạnh tranh bình đẳng thì doanh nghiệp lắp ráp trong nước được giảm mà xe nhập khẩu không được giảm thì có ổn không? Vì thế, cần rà soát, xem xét kỹ lại các cam kết quốc tế xem có vi phạm gì không", ông Long nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo một chuyên gia tài chính, quyết định vừa đưa ra có thể tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt về giá giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp, khi một bên đang được hưởng lợi thế. Rất có thể các hãng xe nhập khẩu xe sẽ điều chỉnh giá bán làm sao có thể cạnh tranh nhất với xe lắp ráp trong nước.
"Để thích nghi với chính sách mới, bên không được hưởng lợi có thể sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh. Nếu nói về giảm giá bán, có thể ô tô nhập khẩu sẽ giảm giá bán để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước", vị này nói.
Đăng nhận xét