Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính)cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà chính phủ các nước dành sự quan tâm cho hàng không như vậy. Bởi ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không nói riêng là động lực của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư giao thương, phát triển du lịch…

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 1.

 Theo PGS, TS Ngô Trí Long, một số quốc gia như Thái Lan còn lấy hàng không làm nền tảng để điều chỉnh chính sách các lĩnh vực như du lịch, thương mại – dịch vụ, giao thông, đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương… quanh hàng không.

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 2.

Hàng không là ngành mang tầm và vị thế của quốc gia.Các quốc gia hùng mạnh đều có hãng hàng không mạnh, như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Anh, Pháp. Người ta thậm chí đánh giá mức độ hùng mạnh của một quốc gia thông qua quân đội, ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hàng không. Ngành công nghiệp ô tô thì hầu như chỉ có các nước công nghiệp phát triển mới có khả năng phát triển ngành sản xuất hàng trăm linh kiện, phụ tùng đòi hỏi rất chính xác, chuyên nghiệp này. Công nghiệp hàng không còn đòi hỏi cao hơn nữa.Trong hơn nửa thế kỷ, chúng ta chỉ có một hãng hàng không với hơn chục tàu bay. Do đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ tối tân, kỹ năng quản trị cao nên ban đầu, chúng ta chỉ quy hoạch một hãng hàng không cho cả nước.

Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân với tầm nhìn, cách làm khác, suy nghĩ khác đã khiến chúng ta có các hãng hàng không cạnh tranh được với hãng mạnh nước ngoài. Chính các hãng hàng không tư nhân đã biến hàng không thành loại hình vận tải phổ cập, với nhiều chặng bay giá rẻ hơn đường sắt, đường bộ. Từ chỗ chỉ 1-2% dân số có điều kiện mua vé bay, đến nay, các hãng đã mang đến cơ hội ai cũng có thể bay.Ở nhiều tuyến, giá vé bay thậm chí còn rẻ hơn vé tàu hỏa, ô tô.

Sự phát triển của các hãng hàng không Việt với hơn 200 tàu bay hiện nay là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp hàng không mà trước mắt là sửa chữa, bảo dưỡng, sau này là sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị, thậm chí động cơ máy bay… 

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 3.

 Tính riêng VNA Group, Vietjet, ACV, VATM cũng đang có 4 vạn cán bộ, nhân viên, tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng/năm. Một cách tương đối, doanh thu ngành hàng không chỉ đứng sau TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng (các địa phương có tổng sản phẩm vượt 190.000 tỷ đồng/năm) và đứng trên 59 tỉnh, thành khác. Về số nộp ngân sách, ngành hàng không tương đương vị trí thứ 9 trong top 10 địa phương có số thu lớn nhất cả nước. Về ngành, doanh thu của ngành hàng không cũng gấp 21 lần doanh thu ngành đường sắt, nộp ngân sách gấp gần 100 lần ngành đường sắt.

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 4.

Ngành hàng không phát triển sẽ kéo theo hàng loạt các ngành khác, trực tiếp là đào tạo phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên, các ngành dịch vụ như đại lý vé máy bay, dịch vụ mặt đất tại các cảng hàng không, vận tải hàng hóa…

Riêng về vận tải hàng hóa, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định Việt Nam đang có nhiều lợi thế trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa hàng không của khu vực. Sản lượng vận tải hàng hóa qua hàng không năm 2019 đạt 1,5 triệu tấn, thấp so với loại hình vận tải khác nhưng lại là loại hình vận tải giá trị cao, chiếm tới 25% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, vai trò của ngành hàng không đối với vận chuyển hàng hóa sẽ ngày càng lớn. Sự bùng nổ của thương mại điện tử và các hãng công nghệ hàng hàng đầu thế giới đặt nhà máy ở Việt Nam như Samsung, Intel sẽ khiến vận tải hàng hóa hàng không sẽ tăng gấp 3 lần trong vài năm tới. 

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 5.

Đối với các dịch vụ 'ăn theo', tuy chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể nhưng giới chuyên gia đánh giá cao vai trò của ngành, như taxi sân bay, kinh doanh miễn thuế ở nhà ga… Mới đây, kết quả nghiên cứu tác động kinh tế đối với các sân bay châu Âu cho thấy, các sân bay châu Âu và các ngành 'ăn theo' hàng không đang hỗ trợ hơn 12,5 triệu việc làm và tạo ra giá trị khoảng 758 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hàng không đóng vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, hợp tác quốc tế.Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac cho biết, vận chuyển hàng không toàn cầu tạo ra gần 66 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tạo ra khoảng 2.700 tỷ USD, tương đương 3,6% GDP toàn cầu. Trong một công trình nghiên cứu khác, tác động của ngành hàng không lên kinh tế toàn cầu ước tính tương đương 8% GDP.

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 6.
Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 7.

Một cách tương đối, người ta đúc kết rằng tàu bay bay tới đâu, biên giới bầu trời của quốc gia hiển hiện tới đó. Mỗi chiếc tàu bay trên bầu trời bao la không còn là của một hãng nữa mà là hình ảnh của một quốcgia. Khi hiện diện ở ngoài vùng lãnh thổ, quốc kỳ trên mỗi tàu bay và bộ nhận diện thương hiệu của hãng bay mang tính biểu tượng cho quốc gia. Ngay cả đồng phục và thái độ phục vụ của mỗi tiếp viên hàng không cũng khiến người ta liên tưởng đến thông điệp về văn hóa, con người và đất nước của hãng hàng không.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty luật Basico cho rằng, với đặc thù của ngành, hàng không trở thành sứ giả thương hiệu của mỗi quốc gia. Thông qua các hãng hàng không, người ta có thể biết được 'sức khỏe', tiềm lực, khả năng quản trị của doanh nghiệp và nền kinh tế mỗi nước.

Hàng không là phương tiện vận chuyển chiếm ưu thế tuyệt đối của các tuyến liên quốc gia, toàn cầu hóa.Trên sân chơi toàn cầu, mỗi hãng đều phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ trên thế giới ngay trên sân nhà. Sự lớn mạnh của hàng không Việt trước muôn vàn sức ép của các 'ông lớn' hàng không thế giới cho thấy Việt Nam đã có những doanh nghiệp khổng lồ, phổ cập hóa đến mọi khách hàng, chinh phục khách hàng ở trong và ngoài nước.

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 8.
Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 9.

Hàng không là con đường rộng nhất, lớn nhất rút ngắn khoảng cách nhanh nhất với thế giới. Cùng với sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân Việt Nam, nền kinh tế hội nhanh, sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Chỉ tính riêng năm 2019, trong 116 triệu lượt khách hàng không ở Việt Nam, có tới 42 triệu khách quốc tế, một kỷ lục.

Ước tính có khoảng một nửa trong số này đến Việt Nam để đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn, kinh doanh. Lượng khách quốc tế và những chuyến bay quốc tế phản ánh mức độ mở cửa, hội nhập của Việt Nam. Mới đây, khi trả lời báo chí, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet, cho hay, một trong những lý do bà lập hãng hàng không là vì 'hàng không có sức cuốn hút mãnh liệt, không phải ở hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận mà là vì những thay đổi mang đến cho kinh tế, đất nước, vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới đến với Việt Nam'.   

Trên thế giới, theo IATA, năm 2019, ngành hàng không đã chuyên chở khoảng 4,5 tỷ lượt người. Với sự phát triển của ngành hàng không, nhu cầu đi lại giữa các quốc gia và châu lục chưa bao giờ thuận lợi với giá cả hợp lý như vậy.

Cùng với công nghệ thông tin, hàng không đã làm phẳng hóa và rút ngắn khoảng cách nhanh nhất với thế giới.Một ví dụ nhỏ, có lẽ chưa nhiều người biết một trong những yếu tố tạo nên thần kỳ sản xuất ô tô Vinfast có sự đóng góp đắc lực của hàng không. Ngoài chuyên chở những linh kiện, phụ tùng cốt yếu của ô tô, những chiếc ô tô đầu tiên do Vinfast sản xuất đã được chuyên chở bằng đường hàng không đến các quốc gia sừng sỏ về ô tô trên thế giới để kiểm nghiệm, đánh giá, hiệu chỉnh ô tô Vinfast.Nhờ đó, Vinfast ra đời với tốc độ thần kỳ.

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 10.
Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 11.

Khi đánh giá nguyên nhân khiến du lịch Bình Định có sự phát triển vượt bậc, kéo theo sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch tỉnh này đãcảm ơn ngành hàng không. Theo ông, hàng không là một trong số nguyên nhân chính mang lại sự đổi thay tích cực cho tỉnh này. Tương tự, những địa phương có cảng hàng không và hãng hàng không mở tuyến như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải Phòng… đều được hưởng lợi từ ngành hàng không.   

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Công tyDu lịch quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APT Travel) kiêm Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô cho rằng mối quan hệ giữa hàng không và du lịch như 'răng với môi'. Trong tổng số hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019, có gần 14,4 triệu lượt là khách hàng 'do ngành hàng không mang đến' (đó là chưa tính số người Việt đi du lịch nước ngoài bằng đường hàng không). "Nói cách khác, hàng không vẫn là phương tiện chủ chốt đưa du khách quốc tế đến Việt Nam". Tương tự, với mảng du lịch nội địa, có khoảng 1/4 trong tổng số khách du lịch nội địa lựa chọn đi lại bằng đường hàng không, tương đương hơn 21,2 triệu lượt hành khách.Vì vậy, hàng không được xác định là bệ phóng cho du lịch cất cánh. Chính hàng không là nhân tố quan trọng tạo nên doanh thu 30 tỷ USD trong năm 2019 của ngành du lịch. IATA dự báo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới, phần lớn trong số này thông qua đường hàng không. 

Tương tự, trên thế giới, theo tính toán của IATA, số tiền mà hành khách và các công ty chi tiêu cho du lịch hàng không có thể đạt con số gần 1.000 tỷ USD. 

Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 13.
Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 14.
Hàng không, động lực phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 15.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, hàng không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo động lực cho nhiều ngành phát triển. Hiện nay, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều khó khăn.Hoàn cảnh 'bình thường mới' hiện nay là cơ hội để cải tổ, bứt phá phát triển ngành hàng không.Mở cửa bầu trời, trở lại bầu trời sớm ngày nào thì các hãng hàng không sẽ hồi phục và tăng tốc nhanh ngày đó.Hàng không cất cánh, sẽ kéo nền kinh tế đi lên.

Tính toán của các chuyên gia quốc tế cho thấy, hàng không tăng 1% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 0,5 GDP. Còn Eddie Rickenbacker,một nhà tiên phong trong ngành hàng không, lãnh đạo nhiều năm của hãng hàng không Eastern Air Lines, Mỹ, đã nói câu nói bất hủ: 'Ngành hàng không là bằng chứng cho thấy nếu có ý chí, chúng ta có khả năng đạt được điều bất khả thi'. Những gì ngành hàng không có thể đóng góp cho đất nước, cho thế giới còn rất nhiều tiềm năng, đầy triển vọng…