Covid-19 khiến quan hệ Mỹ - Trung sứt mẻ ra sao?

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung đang diễn ra trên khắp các mặt trận, như thương mại, công nghệ, tình báo và đặc biệt là ngoại giao.

Theo giới phân tích, những tranh cãi giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày sắp tới, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang coi việc gây sức ép với Trung Quốc là một lợi thế trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 11.

“Chúng tôi có thể cắt đứt toàn bộ quan hệ. Điều đó sẽ giúp nước Mỹ tiết kiệm khoảng 500 tỷ USD mỗi năm”, ông Trump trả lời khi được hỏi về biện pháp đáp trả Trung Quốc.

Thỏa thuận thương mại đạt được vào tháng 1 giữa Mỹ với Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, căng thẳng về vấn đề Đài Loan, Biển Đông cũng đang khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ gần như rơi vào bế tắc.

Ông Trump và ông Tập Cận Bình trong một cuộc gặp (ảnh: NY Times)

Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trong những ngày gần đây khi Mỹ bắt đầu có những động thái đầu tiên nhằm vào công ty Hawei của Trung Quốc.

Theo quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, bất kỳ công ty nào sử dụng cộng nghệ Mỹ để sản xuất chip điện tử đều không được phép bán thành phẩm cho hãng Huawei của Trung Quốc, trừ khi được sự chấp thuận của Washington.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cáo buộc hành động của Mỹ là “vô lý” và cho biết đang đưa một số hãng công nghệ lớn của Mỹ vào danh sách “tổ chức không đáng tin cậy”.

Nhiều chuyên gia lo ngại, những màn đáp trả giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dần “từ bé xé to” và khơi mào cho một cuộc thương chiến mới.

Trung Quốc ngày 15.5 phát đi thông báo kêu gọi mọi thành viên Liên Hợp Quốc “hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Liên Hợp Quốc”, nhấn mạnh Washington đang “nợ” Liên Hợp Quốc hơn 2 tỷ USD.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc đáp trả rằng, Mỹ thường thanh toán nghĩa vụ tài chính với Liên Hợp Quốc vào thời điểm cuối năm và rằng Trung Quốc đừng viện cớ để đánh lạc hướng dư luận về “những sai lầm” trong xử lý dịch Covid-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm cơ sở cung cấp thiết bị y tế Allentown, tại bang Pennsylvania hôm 14.5 (ảnh: NY Times)

“Mỹ và Trung Quốc bước vào trạng thái cạnh tranh và đối kháng kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là một đòn giáng nghiêm trọng vào mối quan hệ này”, Shi Yinhong - cố vấn của chính phủ Trung Quốc, nhận xét.

Có lẽ ít người nhớ rằng, vào đầu tháng 2, thời gian khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau cuộc trò chuyện giữa 2 lãnh đạo, ông Trump đã dành lời khen ngợi và tin rằng nỗ lực chống dịch của Trung Quốc sẽ thành công.

“Kỷ luật tuyệt đối đang được thực hiện tại Trung Quốc dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông Tập Cận Bình sẽ giúp chống dịch thành công. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để giúp đỡ họ.

Tôi đã có một cuộc điện đàm khá dài và tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông ấy rất thông minh, mạnh mẽ và đang tập trung toàn lực để chỉ đạo cuộc chiến chống lại Covid-19.

Ông ấy nói Trung Quốc đang làm rất tốt công tác chống dịch, họ thậm chí còn có thể xây các bệnh viện chỉ trong vòng vài ngày. Không có gì là dễ dàng nhưng ông Tập Cận Bình sẽ thành công”, ông Trump đăng trên Twitter.

Những lời khen ngợi nhanh chóng biến mất khi dịch bệnh bắt đầu tấn công nước Mỹ và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.

Một người vác súng phóng lựu đi biểu tình đòi mở cửa kinh tế trong dịch Covid-19 tại Mỹ (ảnh: AP)

“Tôi có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng ngay bây giờ tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”, ông Trump cho biết.

Trong những ngày gần đây, chính quyền của Tổng thống Trump liên tục đưa ra những cáo buộc cho rằng Trung Quốc cố ý che giấu thông tin về dịch Covid-19, trong khi Bắc Kinh phủ nhận và cũng đưa ra chỉ trích về phía Washington.

“Trong mắt Bắc Kinh, chính quyền của ông Trump đang cố gắng bêu xấu không chỉ đất nước mà còn cả những lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc”, Zhu Feng – giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận xét.

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc thậm chí còn trích dẫn quan điểm của một số chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, ông Trump dường như có “tâm lý không ổn định” khi đưa ra phát biểu cắt đứt quan hệ ngoại giao với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Một chuyên gia Trung quốc thậm chí còn “mạnh miệng” đòi “thống nhất Đài Loan ngay lập tức” nếu Mỹ không tiếp tục duy trì quan hệ.

“Ngay cả khi ông Tập Cận Bình có thể cố gắng tạm thời giảm leo thang xung đột về thương mại, công nghệ để giảm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc, thì quan hệ Mỹ - Trung đã tồn tại một vết sứt lớn”, Julian Gerwirtz - học giả tại Đại học Harvard (Mỹ), nhận xét.

Xét nghiệm Covid-19 tại Vũ Hán khi dịch bệnh xuất hiện trở lại (ảnh: Reuters)

Như để “thêm dầu vào lửa”, nhiều chuyên gia Trung Quốc thời gian gần đây liên tục phát đi cảnh báo Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với Mỹ tại Đài Loan và Biển Đông – nơi các tàu chiến của Washington tăng cường hoạt động trong thời gian gần đây.

“Chúng ta phải xử lý những kẻ phản bội đã bị Mỹ mua chuộc”, Wang Haiyun – cựu tướng về hưu tại Trung Quốc ám chỉ Đài Loan trong một bài viết.

Ông Tập Cận Bình đã không có cuộc nói chuyện nào với Tổng thống Trump kể từ cuộc gọi lần cuối vào tháng 3.

“Ông Tập không mong muốn một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ, đặc biệt là khi Trung Quốc đang cố gắng khôi phục lại nền kinh tế”, ông Zhu Feng nhận định.