Công trình hoàn thành sớm giúp chống hạn mặn hiệu quả

"Đó là kết quả tích cực từ việc đẩy mạnh tiến độ, đưa các công trình thủy lợi vào sử dụng trước hạn từ 6-13 tháng", ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo NTNN.

Trong bối cảnh khó khăn như năm nay, ông đánh giá gì về hiệu quả việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm nhiều công trình, đặc biệt các công trình góp phần khắc phục thiệt hại, phát huy hiệu quả chống hạn hán, xâm nhập mặn?

- Đối với các công trình thủy lợi, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL vừa qua được các địa phương đánh giá rất cao, kịp thời chống hạn thể hiện qua những công trình vượt kế hoạch. Đến nay, đã có 5 dự án công trình phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019-2020.

Công trình hoàn thành sớm giúp chống hạn mặn hiệu quả - Ảnh 1.

Công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai (đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành) là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang giảm dần. Độ mặn cao nhất tuần tại các trạm vùng ĐBSCL ở mức thấp hơn tuần từ 1 - 10/5, riêng một số trạm ở Cà Mau, Kiên Giang ở mức cao hơn. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cấp độ 1-2. Các địa phương trước khi lấy nước ngọt, tưới cho cây trồng, cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ nồng độ mặn.

Các công trình như: Cống Âu Thuyền Ninh Quế, cống Vũng Liêm, Cống Bông Bót, cống Tân Dinh… đã góp phần trực tiếp kiểm soát khoảng 83.000ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000ha diện tích đất canh tác trong vùng ảnh hưởng của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Chính phủ đang quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Vậy, theo ông, yếu tố nào đã giúp Bộ NNPTNT đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm trước kế hoạch một loạt các công trình?

- Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ NNPTNT đã có chủ trương chủ động từ đầu kế hoạch vốn đầu tư trung hạn với các giải pháp đồng bộ. Nếu không thì ngày hôm nay cũng không thể đẩy nhanh, hoàn thành được công trình.

Công trình thủy lợi xây dựng phải có cả quá trình, bởi vì còn đi theo về xử lý kỹ thuật, về điểm dừng kỹ thuật và an toàn của công trình… Muốn đẩy nhanh tiến độ, chúng ta phải có sự phối hợp đồng bộ, quản lý tốt các chủ đầu tư, các nhà thầu mạnh và tập hợp được các đội ngũ chuyên gia giỏi của nhiều lĩnh vực.

Cùng với đó, chúng ta đã cố gắng, vào sâu sát, đôi khi còn là hỗ trợ cho tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng. Qua đây, chúng tôi rút ra được nhận xét: Nếu địa phương nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thì công tác giải phóng mặt bằng rất thuận lợi và ngược lại.

Công trình hoàn thành sớm giúp chống hạn mặn hiệu quả - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT).

Trong xu hướng bố trí nguồn vốn từ ngân sách còn hạn chế, ông đánh giá như thế nào về sự chuyển dịch đầu tư công vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và cấp bách thời gian qua của ngành NNPTNT để có định hướng và quyết định đầu tư hiệu quả?

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước cân đối cho ngành NNPTNT đã có một sự quan tâm lớn. Nhưng chúng ta phải có những phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nguồn vốn thực tế. Đầu tiên, Bộ NNPTNT, Ban cán sự Đảng Bộ NNPTPT đưa ra tiêu chí để lựa chọn những dự án, công trình đưa vào đầu tư cho từng vùng, cho từng miền, đặc biệt những dự án ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến liên tỉnh.

Đi đôi với việc đầu tư hiệu quả, phải đẩy mạnh đưa những công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào từng vùng, miền theo những điều kiện thực tế hiện nay và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai. Không riêng ĐBSCL, chúng ta chuyển tư duy từ ngăn mặn sang thành kiểm soát mặn ngọt, mà các vùng khác chúng ta cũng đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đơn cử, như khu vực Nam Trung Bộ, tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… vốn khô hạn, ít mưa. Để đảm bảo phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta đã xây dựng các công trình chuyển đổi lưu vực, chuyển nước từ Lâm Đồng sang Ninh Thuận qua hệ thống Tân Mỹ bằng những hệ thống đường ống, kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Về mặt khoa học kỹ thuật, một loạt các quy chuẩn và tiêu chuẩn cũng đã được cập nhật và làm mới lại để thích ứng với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Có như vậy, chúng ta mới áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào hai lĩnh vực chính là lĩnh vực xây dựng công trình và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, trong xây dựng những công trình về bêtông khối lớn, bình thường trước đây những công trình cấp 1, cấp 2 chúng ta phải xây dựng trong 5-6 năm, có thời gian xây dựng 8 năm vì yếu tố kỹ thuật, nhưng ngày nay chúng ta có thể khẳng định được xây dựng trong 3 năm, bằng những giải pháp, những công nghệ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng ta đã sử dụng tro bay trong bê tông tại các công trình thủy lợi đầu tiên của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!